Ngành dệt may hòa nhịp bước vào kỷ nguyên mới
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_35_51437370/95f229ca1284fbdaa295.jpg)
Có khả năng bắt nhịp nhanh xu hướng, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, ngành dệt may Việt Nam có chỗ đứng ngày một chắc trên thị trường.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_35_51437370/f4f844c07f8e96d0cf9f.jpg)
Sau 30 năm phát triển ngành dệt may đã có bước phát triển nhanh chóng. Nếu như năm 1999 kim ngạch của ngành đạt 1,75 tỷ USD, năm 2024 đã tăng lên gấp 25 lần, đạt 44 tỷ USD; xuất siêu từ 200 triệu USD tăng lên 19 tỷ USD. Năm 2024, với mức tăng trưởng xuất khẩu 11% so với năm 2023, Việt Nam vượt Bangladesh đứng vị trí thứ 2 thế giới về xuất khẩu hàng dệt may trên thế giới và chỉ xếp sau Trung Quốc.
Việt Nam đã xuất khẩu hàng dệt may sang 104 thị trường trên toàn cầu. Trong đó Mỹ vẫn là thị trường trọng điểm, chiếm khoảng 44% tỷ trọng, tiếp đến là EU, Trung Quốc, thị trường khối Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ASEAN. Đồng thời, bắt đầu xuất khẩu sang thị trường mới như châu Phi, Trung Đông.
Lực hấp dẫn của ngành dệt may Việt Nam, theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đến từ ổn định chính trị của đất nước, cộng hưởng với ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được Chính phủ ký với hầu hết các nước lớn trên thế giới. Hiện 17/19 FTA đã có hiệu lực, mang lại lợi thế lớn cho các ngành hàng xuất khẩu, trong đó có dệt may.
Một yếu tố quan trọng nữa giúp ngành tiến chắc từng bước trong chuỗi cung ứng dệt may thế giới là sự linh hoạt của doanh nghiệp trong ứng phó với biến động thị trường, tầm nhìn xa trong nắm bắt xu hướng, cũng như nỗ lực đa dạng hóa mặt hàng, đa dạng hóa thị trường.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_35_51437370/73a1ba9981d7688931c6.jpg)
Về mặt thương mại, doanh nghiệp dệt may trong nước đã thâm nhập thị trường toàn cầu qua nhiều con đường khác nhau, trong đó có kênh đi thẳng vào hệ thống siêu thị bán lẻ của các nhà phân phối lớn. Đồng thời, bán sản phẩm mang thương hiệu Việt trên các sàn thương mại điện tử cũng góp phần tăng doanh thu.
“Sự tăng trưởng của ngành dệt may Việt Nam không gì khác ngoài nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong kế hoạch thị trường, chủ động sản xuất các mặt hàng khó và thâm nhập thị trường”, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam khẳng định.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_35_51437370/93e45cdc67928eccd783.jpg)
Với kim ngạch luôn xếp vào hàng nhiều chục tỷ USD và giải quyết việc làm cho gần 3 triệu lao động, ngành dệt may đã chứng minh được tầm quan trọng trong nền kinh tế của đất nước.
Tuy nhiên, như từ xưa tới nay cùng với da giày, dệt may vẫn luôn được nhìn nhận là ngành sản xuất gia công “lấy công làm lãi”, có giá trị gia tăng không cao. Trong khi đó, theo định hướng của Đảng, Chính phủ nền kinh tế đang bước nhanh vào kỷ nguyên mới với lực đẩy chủ đạo là ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Vậy kỷ nguyên mới có chỗ cho ngành dệt may?
Với kinh nghiệm nhiều năm điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng như những nghiên cứu về ngành dệt may sâu rộng, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam phân tích, trả lời được câu hỏi này trước hết cần giải quyết điểm nghẽn về tư duy.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_35_51437370/c1290311385fd101884e.jpg)
Ông cũng đồng thời cho rằng, giải quyết điểm nghẽn này là yếu tố đầu tiên để quy hoạch chiến lược phát triển cũng như xác định vị trí của ngành trong bức tranh kinh tế ở giai đoạn vươn mình, đẩy mạnh tốc độ và chất lượng phát triển.
Về vấn đề trong lộ trình phát triển kinh tế xanh có vị trí nào cho ngành dệt may, lãnh đạo Tập đoàn dệt may Việt Nam lý giải: Thứ nhất, dệt may là sản phẩm vĩnh viễn của thế giới, không bị thay thế, có nhu cầu và thị trường, vì thế luôn có nhà sản xuất cạnh tranh với nhau.
Xu thế của thế giới thời gian gần đây nêu nhiều về sản xuất xanh, tuần hoàn. Tuy nhiên trong thực tế những năm gần đây lượng tăng lên của sản phẩm xanh không nhiều. Thậm chí năm 2024 sản lượng tiêu thụ mặt hàng quần áo xanh và từ nguồn nguyên liệu tái chế thấp hơn 2023.
Thứ hai, trong đánh giá các quốc gia làm hàng dệt may xuất khẩu có 8 tiêu chí chính, gồm: Tốc độ ra thị trường, độ linh hoạt trong sản xuất, chất lượng, đơn giá, rủi ro về sản xuất và trách nhiệm xã hội, khả năng tích hợp theo chuỗi, rủi ro về môi trường, rủi ro về địa chính trị.
Trong những nước xuất khẩu dệt may lớn, Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ có tổng điểm của 8 tiêu chí bằng nhau, đạt 25/40 điểm – xếp loại cao của thế giới. Cao hơn Bangladesh, đạt 22 điểm, Campuchia, đạt 21 điểm. Tất cả điểm của Việt Nam đều đạt trên 3 nhưng không có chỉ tiêu nào đạt trên 4 tức là mức tốt trở lên, đồng nghĩa ngành không có điểm mũi nhọn.
Ông Lê Tiến Trường cũng phân tích, Việt Nam hiện chiếm khoảng 7% giao dịch thương mại dệt may toàn thế giới. Theo điều kiện chung, ngành dệt may chỉ phát triển ở những nước có lực lượng lao động dồi dào, kỹ năng khéo léo. Việt Nam đã gần qua giai đoạn dân số vàng, không thể tăng được số lượng lao động theo chiều rộng.
Tuy nhiên, xu hướng thị trường dệt may thế giới sẽ giảm tiêu dùng nhưng yêu cầu chất lượng và giá trị cao, do đó có lợi cho những nước không tăng được số lượng lao động như Việt Nam. “Việt Nam đang được đánh giá đứng top đầu thế giới về sản xuất hàng khó, chất lượng cao”, ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh.
Một vấn đề nữa, trong 5 năm tới ngành tập trung nâng giá trị gia tăng tức là tăng phần tích hợp dọc để nâng tỷ lệ nội địa hóa lên mức cao hơn 50% như hiện nay có thể đạt tốc độ tăng trưởng 10% và tiếp tục có đóng góp cho tăng trưởng của nền kinh tế.
Như vậy có thể thấy, dệt may hoàn toàn có khả năng hòa nhịp với nền kinh tế để tiến vào kỷ nguyên mới với mục tiêu tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn. Để trợ sức cho ngành, ông Lê Tiến Trường cũng đưa ra khuyến nghị về chính sách.
Theo đó, ngành cần có quy hoạch chuyên ngành với quy mô đủ lớn để có thể phát triển nguồn cung nguyên phụ liệu và giải quyết được vấn đề tích hợp dọc theo chuỗi. Thu hút đầu tư không chỉ vào thượng nguồn mà còn có thể thu hút vào ngành thời trang. “Chúng ta chưa bao giờ có ý tưởng đón đại bàng trong ngành thời trang cho nên đây cũng là một điểm cần xác định lại”, lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam nói.
Cùng đó, thúc đẩy xu hướng xanh cần có tài chính xanh, tài chính cho nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo cho ngành. Yếu tố này tốn rất nhiều chi phí và rủi ro, một mình doanh nghiệp rất khó thực hiện, cần sự trợ sức của Chính phủ.
Mặt khác, logistics và thủ tục hành chính trong nước cũng là yếu tố giảm cạnh tranh của Việt Nam bởi so với các nước xuất khẩu dệt may khác Việt Nam đang có tỷ lệ chi phí logistics trên chi phí giá thành cao nhất.
“Ngành dệt may có dư địa phát triển và vẫn có thể ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, xanh chứ không phải là ngành thâm dụng lao động thông thường. Để ngành có thể bước vào kỷ nguyên mới cùng đất nước cần có quy hoạch chiến lược rõ ràng”, ông Lê Tiến Trường một lần nữa nhấn mạnh.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_35_51437370/38d2feeac5a42cfa75b5.jpg)
Việt Nga
Đồ họa: Hồng Thịnh
Việt Nga - Hồng Thịnh