Chuyển đổi số toàn diện thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội Hà Giang
Nhờ sự chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ của các cấp chính quyền, sự tham gia tích cực của nhân dân, công tác chuyển đổi số tỉnh Hà Giang đã tạo đột phá trên cả ba trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, chuẩn hóa các quy trình thủ tục hành chính, tỉnh khuyến khích người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh.
Về chính quyền số đã góp phần hoàn thiện chính quyền điện tử, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước, chất lượng dịch vụ công. Trong năm 2024, Hà Giang xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố về chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 82%; tỷ lệ hồ sơ có giao dịch thanh toán trực tuyến đạt trên 90%; hoàn thành, đưa vào hoạt động hiệu quả hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống báo cáo Quốc gia; hệ thống họp không giấy tờ; phê duyệt, triển khai kiến trúc chính quyền điện tử hướng đến Chính quyền số tỉnh Hà Giang phiên bản 3.0.
Đồng thời, hoàn thành chỉ tiêu 100% hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản tham gia sàn thương mại điện tử được đào tạo, tập huấn; 100% sản phẩm OCOP đăng tải trên sàn thương mại điện tử; triển khai mô hình chợ 4.0 với các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại hầu hết các chợ trung tâm huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn; các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh sử dụng hóa đơn điện tử; 100% các xã, phường, thị trấn có cáp quang đến trung tâm; tỷ lệ thôn được phủ sóng điện thoại di động đạt gần 99%… `
Huyện Xín Mần là vùng khó khăn của tỉnh Hà Giang nhưng với sự quyết tâm cao của chính quyền huyện đến cơ sở, công tác chuyển đổi số đã được triển khai triển khai đồng bộ, quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực.
Nhiệm vụ chuyển đổi số được huyện đặc biệt quan tâm và đẩy mạnh thực hiện trên cả ba trụ cột chính quyền số; kinh tế số và xã hội số. Các nền tảng số phát triển như: Cung cấp dịch vụ công trực tuyến; thanh toán không dùng tiền mặt, hóa đơn điện tử; dạy học trực tuyến; định danh người dân và xác thực điện tử; quản lý và liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp; truy xuất nguồn gốc nông sản; phát thanh số (trực tuyến); nền tảng phòng họp không giấy tờ, sử dụng mã QR code lấy tài liệu...
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_23_51437404/a4bfcc87f7c91e9747d8.jpg)
Công tác xây dựng chính quyền điện tử được thể hiện rõ về chất lượng văn bản được nâng cao; ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh góp phần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Huyện đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cung ứng dịch vụ công trực tuyến đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và chất lượng phục vụ người dân. Công tác cải cách thủ tục hành chính thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông cấp huyện, cấp xã được duy trì tốt, đáp ứng được nhu cầu của tổ chức và cá nhân khi đến giao dịch.
Kết quả, bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử của huyện Xín Mần đứng tốp đầu trong 11 huyện, thành phố. 100% các cơ sở giáo dục có internet băng rộng, riêng khu vực thuận lợi là 100% các cơ sở giáo dục có từ 2 đường truyền trở lên. 100% các đơn vị trường học thực hiện nhập cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Vnedu.
Tại cấp xã, việc xây dựng “xã thông minh” hay chuyển đổi số cấp xã là một nhu cầu tất yếu và cấp thiết, được tỉnh Hà Giang chú trọng. Trong đó lấy “người dân làm trung tâm”, với mục tiêu thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị thông qua ứng dụng công nghệ số để mang lại nhiều tiện ích, phát triển kinh tế số và xã hội số để người dân giàu có, hạnh phúc hơn.
Với quyết tâm thực hiện phong trào “Thi đua chuyển đổi số”, tạo động lực quan trọng cho phát triển KT-XH nhanh và bền vững, xã Tân Quang (Bắc Quang) phối hợp với Viettel Hà Giang thực hiện mô hình chuyển đổi số, xây dựng xã hội số. Phấn đấu đến hết năm 2025 thực hiện thành công mô hình chuyển đổi số toàn diện với các khung tiêu chí chuyển đổi số cấp xã/phường. 100% cán bộ, công chức xã biết và sử dụng phần mềm trợ lý ảo dành cho cán bộ, công chức, viên chức trong việc tìm kiếm và truy xuất thông tin văn bản pháp luật; 50% người dân tiếp cận dịch vụ công và có chữ ký số cá nhân; 80% hộ dân được tiếp cận internet…
Từ việc chuyển đổi số được triển khai mạnh mẽ, sâu rộng đã làm thay đổi phương thức làm việc, sản xuất của các tổ chức, cá nhân trong tỉnh. Để chuyển đổi số mang tính toàn dân, toàn diện và lợi ích thiết thực, việc lấy người dân là trung tâm, chủ thể là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cần thiết.
Đặc biệt, tỉnh Hà Giang đã công bố Kiến trúc chính quyền điện tử 3.0 và nền tảng chia sẻ tích hợp dữ liệu. Đây được coi là giải pháp quan trọng hàng đầu để chia sẻ và kết nối liên thông dữ liệu phục vụ phát triển chính quyền số một cách đồng bộ, nhất quán, hiệu quả. Đồng thời, cũng là trục kết nối duy nhất cung cấp các dịch vụ dùng chung, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống của tỉnh với nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu quốc gia.