Kishore Mahbubani: Phương Tây cần thay đổi tư duy với một châu Á đang trỗi dậy

Theo Giáo sư Mahbubani, con đường thành công của Singapore phụ thuộc vào ba nguyên tắc - trọng dụng nhân tài, thực dụng, và liêm chính. Ông cũng chia sẻ về sự thành công của châu Á và những vấn đề trong nhận thức của phương Tây về sự trỗi dậy này.

Lời Tòa soạn: VietNamNet xin được giới thiệu phần đầu cuộc trò chuyện với Kishore Mahbubani, một trong những học giả, nhà bình luận chính trị hàng đầu châu Á. Cuộc trò chuyện được BTV Phạm Vũ Thiều Quang của VietNamNet thực hiện qua Zoom.

Ảnh: Tatler Asia

Ảnh: Tatler Asia

Kishore Mahbubani là một nhà ngoại giao, học giả về quan hệ quốc tế và tác giả nổi tiếng người Singapore. Ông có 33 năm làm việc trong ngành ngoại giao (1971-2004), bao gồm hai nhiệm kỳ là Đại sứ, Trưởng phái đoàn Singapore tại Liên Hợp Quốc. Trong thời gian này, ông giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc từ tháng 1/2001 đến tháng 5/2002.

Từ năm 2004 đến 2017, ông là Hiệu trưởng sáng lập của Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, được công nhận là một trong những trường đào tạo về chính sách công hàng đầu thế giới. Ông hiện là Thành viên Danh dự tại Viện Nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS).

Các bài nói chuyện và bài viết của Mahbubani thường đề cập đến sự trỗi dậy của châu Á, các vấn đề địa chính trị và các mô hình quản trị kinh tế - xã hội toàn cầu. Ông đã xuất bản chín cuốn sách bán chạy, đồng thời có các bài báo trên New York Times, Washington Post, Financial Times và Foreign Affairs.

Năm 2005, ông được tạp chí Foreign Policy và Prospect bình chọn là một trong 100 trí thức có ảnh hưởng nhất thế giới. Năm 2009, tờ Financial Times cũng vinh danh ông là một trong 50 người có khả năng định hình các cuộc tranh luận về tương lai của chủ nghĩa tư bản. Hai năm liên tiếp (2010 và 2011), ông được Foreign Policy vinh danh là một trong những Nhà tư tưởng toàn cầu hàng đầu, trong đó có năm 2011 được gọi là “người truyền cảm hứng của thế kỷ châu Á”. Năm 2014, Prospect tiếp tục đưa ông vào danh sách 50 nhà tư tưởng hàng đầu thế giới. Đến năm 2019, ông được bầu làm thành viên của Học viện Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ.

Công thức MPH

Thưa Giáo sư, là một nhà ngoại giao kỳ cựu đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc của Singapore, Giáo sư thường nhắc đến Singapore như một hình mẫu về quản trị quốc gia thành công với một trong những khái niệm quan trọng là công thức “MPH”. Xin ông vui lòng nói rõ hơn về công thức này?

Giáo sư Kishore Mahbubani: Cảm ơn anh. Tôi rất vui được chia sẻ bí quyết thành công của Singapore. Thực ra, khi còn là hiệu trưởng sáng lập Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, tôi thường chia sẻ bí quyết với các sinh viên mới. Hôm nay, tôi sẽ chia sẻ với các bạn, hoàn toàn miễn phí.

Sự thành công của Singapore đi kèm với một lời cam kết chắc chắn: nếu áp dụng công thức này, bạn sẽ thành công. Vậy, bí quyết đó là gì? Tôi gọi nó là MPH, không phải là "dặm/giờ" (miles per hour) đâu nhé. MPH là viết tắt của ba nguyên tắc: Trọng dụng nhân tài (Meritocracy), Tính thực dụng (Pragmatism) và Trung thực (Honesty). Tôi xin phép được giải thích ngắn gọn từng nguyên tắc.

Trọng dụng nhân tài có nghĩa là khi lựa chọn người để phục vụ trong chính phủ hoặc ở các vị trí chủ chốt, bạn phải lựa chọn những cá nhân xuất sắc nhất. Nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng thật không may, ở nhiều quốc gia, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, điều này không được thực hiện. Khi lựa chọn cầu thủ cho đội tuyển bóng đá quốc gia, họ chọn những cầu thủ giỏi nhất. Họ không chọn anh em, họ hàng hay chú bác của mình. Nhưng khi lựa chọn người phục vụ trong chính phủ hoặc để lãnh đạo nền kinh tế, họ lại ưu ái người thân.

Singapore đã làm ngược lại. Chúng tôi đã xây dựng một trong những chính phủ coi trọng nhân tài, nếu không muốn nói là nhất, trên thế giới. Đó là nguyên tắc đầu tiên.

Nguyên tắc thứ hai là tính thực dụng. Xét trên nhiều phương diện, chủ nghĩa thực dụng là một khái niệm phương Tây. Quốc gia châu Á đầu tiên thực sự áp dụng chủ nghĩa thực dụng là Nhật Bản.

Nhật Bản đã quan sát thế giới vào giữa thế kỷ 19 và tự hỏi: Tại sao Ấn Độ suy tàn? Tại sao Trung Quốc đang bị suy yếu? Họ nhận ra rằng những quốc gia này đã không chịu học hỏi từ phương Tây. Đó là lý do tại sao, sau cuộc Duy Tân Minh Trị, người Nhật đã quyết tâm: "Bây giờ chúng ta sẽ ra ngoài và học hỏi từ phương Tây."

Họ đã sao chép những mô hình hiệu quả nhất. Họ áp dụng các mô hình kinh tế từ Hoa Kỳ, khuôn khổ pháp lý từ Pháp, cơ cấu quân sự từ Đức và chuyên môn hải quân từ Anh. Họ đã chắt lọc những gì tinh túy nhất.

Singapore cũng làm như vậy. Kiến trúc sư của phép màu kinh tế Singapore, Tiến sĩ Goh Keng Swee, đã từng nói: "Bất kể Singapore gặp phải vấn đề gì, ai đó, ở đâu đó, đã gặp phải vấn đề đó trước đây. Hãy học hỏi từ họ." Theo nghĩa đó, Singapore là một quốc gia luôn học hỏi.

Cuối cùng, nguyên tắc thứ ba – liêm chính – là nguyên tắc khó thực hiện nhất. Trọng dụng nhân tài và thực dụng không gây ra nhiều đau đớn. Nhưng liêm chính đòi hỏi phải loại bỏ tận gốc tham nhũng, và điều đó cực kỳ khó khăn.

Tham nhũng là rào cản lớn nhất kìm hãm sự phát triển của nhiều quốc gia. Nếu một quốc gia có thể xóa bỏ tham nhũng hoàn toàn, quốc gia đó sẽ phát triển nhanh chóng hơn.

Singapore không chỉ giải quyết tốt vấn nạn tham nhũng mà còn trở thành một trong những quốc gia minh bạch nhất thế giới. Đây thực sự là thành tựu đáng ngưỡng mộ mà nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, nên học hỏi. Thành công của Singapore là một phần trong sự trỗi dậy mạnh mẽ của châu Á, thể hiện rõ nét qua những quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và dĩ nhiên, cả Việt Nam. Như Giáo sư đã đề cập, chúng ta từng học hỏi mô hình quản trị từ phương Tây, nhưng đồng thời cũng phát triển những phương thức quản trị riêng, phù hợp với bối cảnh và văn hóa, thậm chí có thể thách thức những mô hình truyền thống của phương Tây.

Kỳ tích kinh tế Singapore đã trở thành bài học quý giá cho các quốc gia đang phát triển trên khắp thế giới. Ảnh: Lifestyle Asia.

Kỳ tích kinh tế Singapore đã trở thành bài học quý giá cho các quốc gia đang phát triển trên khắp thế giới. Ảnh: Lifestyle Asia.

Vậy theo Giáo sư, đâu là những bài học quan trọng nhất từ nhóm các quốc gia đang phát triển nhanh chóng và thành công ở Nam bán cầu? Liệu có bài học nào cho phần còn lại của thế giới?

Giáo sư Kishore Mahbubani: Một trong những điều quan trọng nhất cần thay đổi chính là tư duy rằng – chúng ta phải luôn nhìn về phương Tây để học hỏi về quản trị. Chẳng hạn, nếu nhìn vào châu Âu ngày nay, họ đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Năm 2008, quy mô kinh tế của châu Âu và Hoa Kỳ còn gần như tương đương. Vậy mà giờ đây, chỉ sau 17 năm, châu Âu chỉ còn bằng khoảng 2/3 Hoa Kỳ, thậm chí ít hơn. Thật đáng kinh ngạc, phải không?

Châu Âu thực sự đang thụt lùi. Rõ ràng, có điều gì đó không ổn trong cách thức quản trị của họ.

Trong trường hợp của Hoa Kỳ, mặc dù đang thành công và thịnh vượng, nhưng tôi cho rằng cách điều hành của Tổng thống Trump sẽ gây ra nhiều tổn hại cho hệ thống quản trị của nước này, và tôi e rằng họ sẽ phải trả giá đắt trong dài hạn.

Như vậy, rõ ràng cả Hoa Kỳ và châu Âu đều không phải là những hình mẫu lý tưởng về quản trị quốc gia. Chính vì thế, nếu các nước Nam bán cầu đang tìm kiếm mô hình quản trị hiệu quả, họ nên hướng về châu Á. Châu Á có nhiều hình thức quản trị tốt, với những nét đặc trưng riêng. Ví dụ, Ấn Độ là một nền dân chủ năng động, đang phát triển mạnh mẽ.

Các quốc gia Nam bán cầu có thể học hỏi nhiều mô hình quản trị khác nhau ở châu Á. Chắc chắn, họ nên nghiên cứu kỹ lưỡng những quốc gia thành công ở khu vực này. Hãy nhìn vào Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, và Singapore như các hình mẫu về quản trị theo những cách thức khác nhau.

Việt Nam đã bắt đầu quá trình chuyển đổi kinh tế khá muộn so với Trung Quốc, nhưng giờ đây đã vươn lên trở thành một cường quốc tầm trung mới nổi. Theo Giáo sư, Việt Nam nên định hướng như thế nào trong bối cảnh thế giới đa cực hiện nay? Bởi vì, giống như Singapore, chúng ta cũng phải đối mặt với những thách thức khi là một quốc gia trung lập. Vậy đâu là lợi thế của Việt Nam, thưa Giáo sư?

Giáo sư Kishore Mahbubani: Tôi cho rằng ASEAN rất may mắn khi có Việt Nam là thành viên. Thẳng thắn mà nói, Việt Nam đang là nền kinh tế phát triển năng động nhất khu vực. Vì vậy, sự tăng trưởng của Việt Nam có ý nghĩa rất lớn đối với ASEAN.

Tuy nhiên, cũng giống như các nước ASEAN khác, Việt Nam sẽ gặp không ít khó khăn khi duy trì chính sách độc lập giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tôi nhận thấy Việt Nam, cũng như các quốc gia ASEAN khác, đang nói rằng, chúng tôi muốn trở thành bạn của cả Trung Quốc và Hoa Kỳ và không muốn phải chọn phe.

Việt Nam sẽ dễ dàng hơn trong việc theo đuổi chính sách này nếu nhận được sự ủng hộ từ các nước ASEAN khác. ASEAN cần tạo ra một vùng đệm, tránh những áp lực địa chính trị từ Hoa Kỳ hoặc Trung Quốc. Tôi biết rằng Việt Nam đang rất nỗ lực tăng cường sức mạnh của khối ASEAN, và đó là điều đáng hoan nghênh. Tôi hy vọng Việt Nam sẽ đóng góp vai trò lãnh đạo nhiều hơn nữa cho ASEAN, dù là chính thức hay không chính thức, để củng cố tổ chức này. Ví dụ, tôi rất vui khi Việt Nam đã bắt đầu tổ chức Diễn đàn Tương lai ASEAN thường niên tại Hà Nội.

Ông Kishore Mahbubani tại Đại học Georgetown, Washington DC trong một buổi trò chuyện về cuốn sách "Liệu Phương Tây đã đánh mất chính mình?" năm 2018. Ảnh: Georgetown University

Ông Kishore Mahbubani tại Đại học Georgetown, Washington DC trong một buổi trò chuyện về cuốn sách "Liệu Phương Tây đã đánh mất chính mình?" năm 2018. Ảnh: Georgetown University

Phương Tây đã quá kiêu ngạo

Khi viết cuốn "Bán cầu Á mới" vào năm 2008, Giáo sư đã thảo luận về sự dịch chuyển quyền lực toàn cầu sang phương Đông, và điều này rõ ràng đã trở thành hiện thực với sự trỗi dậy không ngừng của khu vực này. Cũng có sự liền mạch trong quan điểm với những tác phẩm sau này như "Thế kỷ 21 của châu Á" và "Liệu Trung Quốc đã chiến thắng?". Với thực tế địa chính trị này, theo Giáo sư, các nước phương Tây nên điều chỉnh chính sách của họ để đối mặt với một châu Á đang trỗi dậy?

Giáo sư Kishore Mahbubani: Tôi cho rằng điều đầu tiên các nước phương Tây cần làm là học lại một đức tính mà họ đã lãng quên - đó là sự khiêm nhường.

Các nước phương Tây đã trở nên quá kiêu ngạo, đặc biệt là sau sự sụp đổ của Liên Xô và sau Chiến tranh Lạnh.

Và tôi đã nhiều lần đề cập đến điều này, chẳng hạn trong cuốn sách "Liệu Phương Tây đã đánh mất chính mình?" (Has the West Lost It?), tôi cho rằng phương Tây đã trở nên quá kiêu ngạo sau Chiến tranh Lạnh. Họ nghĩ rằng phần còn lại của thế giới phải thích ứng với một phương Tây hùng mạnh, còn bản thân họ thì không cần phải thay đổi gì để hòa nhập với trật tự thế giới mới.

Đó là một sai lầm chiến lược nghiêm trọng, bởi vì phương Tây đã tự mãn và ngủ quên đúng vào lúc các nước châu Á đang bừng tỉnh. Trung Quốc, Ấn Độ, và thẳng thắn mà nói, cả Việt Nam, đều trỗi dậy mạnh mẽ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Vì vậy, phương Tây cần hiểu rằng họ không còn ở vị thế có thể "dạy dỗ" các nước châu Á nữa. Họ cần lắng nghe và học hỏi từ châu Á.

Hiện tại, gần như không có chính trị gia phương Tây nào dám công khai thừa nhận rằng đã đến lúc phương Tây học hỏi từ châu Á. Đây là một trong những lý do tại sao tôi viết sách – để giúp phương Tây chuẩn bị tâm lý đối mặt với một châu Á ngày càng tự tin và quyết đoán hơn.

Khi các nước phương Tây đến và "thuyết giảng" cho các nước châu Á, họ sẽ nhận lại ánh mắt dò xét và câu hỏi: "Những người này là ai? Tại sao họ lại dạy bảo chúng tôi?"

Dường như phương Tây đang trải qua một cuộc khủng hoảng lãnh đạo. Họ không còn những nhà lãnh đạo xuất chúng như 20 năm, thậm chí 10 năm trước. Trong khi đó, nếu nhìn vào tỷ lệ ủng hộ dành cho một số nhà lãnh đạo ở châu Á như Narendra Modi và Jokowi, họ đều là những người được phần lớn người dân ủng hộ, đặc biệt khi so với các nhà lãnh đạo phương Tây. Liệu Giáo sư có chia sẻ quan điểm rằng cuộc khủng hoảng này đang diễn ra không?

Giáo sư Kishore Mahbubani: Tôi cho rằng rõ ràng đang có một cuộc khủng hoảng lãnh đạo ở phương Tây. Tuy nhiên, cần phân biệt rõ ràng giữa châu Âu và Hoa Kỳ. Châu Âu ngày nay là một vùng đất khá trì trệ. Nhiều người dân châu Âu cảm thấy bi quan về tương lai, và có nhiều lý do dẫn đến điều này. Họ đã không thể thích ứng với một thế giới mới.

Đồng thời, năng lực trí tuệ của các nhà lãnh đạo châu Âu cũng đã suy giảm. Thành thật mà nói –dù tôi biết Henry Kissinger không được hâm mộ tại Việt Nam cho lắm – nhưng ông ấy là một nhà phân tích rất sắc sảo về các vấn đề quốc tế. Trong cuộc trò chuyện riêng với tôi vào tháng 10 năm 2022, khoảng một năm trước khi ông qua đời, Kissinger đã thẳng thắn chia sẻ rằng: năng lực trí tuệ của các nhà lãnh đạo châu Âu đã đi xuống.

Họ không có tầm nhìn dài hạn, không có tư duy chiến lược. Họ chỉ quan tâm đến những vấn đề trước mắt - làm sao để thắng cử nhiệm kỳ tiếp theo. Họ không hề suy nghĩ về việc tái cấu trúc châu Âu.

Vì vậy, châu Âu ngày nay là một bức tranh ảm đạm. Ngược lại, Hoa Kỳ vẫn tràn đầy lạc quan, dù đang phải đối mặt với những thách thức to lớn về quản trị.

Việc người Mỹ bầu lại Donald Trump cho thấy họ không hài lòng với giới tinh hoa theo chủ nghĩa tự do truyền thống ở Bờ Đông, những người đã nắm quyền quá lâu. Họ muốn một vị tổng thống dám 'bật lại' Washington D.C.

Và đó chính là những gì Trump đang làm. Nhưng, thật không may, Trump không phải là người có tầm nhìn chiến lược dài hạn. Ông ấy quan tâm đến những lợi ích trước mắt, cố gắng phá bỏ chính phủ liên bang mà không có giải pháp thay thế nào khả thi, không biết “thuốc chữa bệnh” hiệu quả nhất sẽ là gì.

Như vậy, cả châu Âu và Hoa Kỳ đều đang đối mặt với những thách thức về quản trị, nhưng bản chất của những thách thức này rất khác nhau. Không nên đánh đồng hai trường hợp này.

Ông Kishore Mahbubani trong thời gian đảm nhiệm chức vụ Đại sứ, Trưởng phái đoàn Singapore tại Liên Hợp Quốc. Ảnh: UN Media

Ông Kishore Mahbubani trong thời gian đảm nhiệm chức vụ Đại sứ, Trưởng phái đoàn Singapore tại Liên Hợp Quốc. Ảnh: UN Media

Chủ nghĩa đa phương

Một câu hỏi lớn được đặt ra, đặc biệt là sau khi Trump nhậm chức, đó là việc Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và Tổ chức Y tế Thế giới. Đây là những quyết định ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, và chúng đã gây ra rất nhiều bất ổn ngay lập tức. Theo Giáo sư, những hành động này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến vị thế của Hoa Kỳ trên trường quốc tế? Và liệu điều này có đe dọa tương lai của chủ nghĩa đa phương?

Giáo sư Kishore Mahbubani: Bạn nói đúng. Tôi thuộc về một giống loài đang có nguy cơ tuyệt chủng, đó là những người yêu Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, tôi tin rằng Liên Hợp Quốc sẽ tiếp tục giữ vai trò quan trọng đối với thế giới, và tôi xin giải thích lý do.

Tôi đã viết một cuốn sách có tên là "Sự hội tụ vĩ đại" để giải thích điều này. Thế giới đang ngày càng thu hẹp lại, và cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan đã nói rất đúng rằng thế giới đang trở thành một “ngôi làng toàn cầu”.

Bây giờ, tất cả chúng ta đều biết rằng nếu sống trong một ngôi làng, chúng ta cần một hội đồng làng để giải quyết những vấn đề chung mà bất kỳ ngôi làng nào cũng phải đối mặt. Phải không? Chúng ta phải quan tâm đến những không gian chung, đường sá, điện nước, v.v.

Tương tự như vậy, trong “ngôi làng toàn cầu” đang ngày càng thu hẹp của chúng ta, chúng ta cũng cần những "hội đồng làng" như thế. Đó là lý do tại sao chúng ta cần củng cố Liên Hợp Quốc. Nếu các nước phương Tây sáng suốt, đó là điều họ nên làm. Bởi vì phương Tây, chỉ chiếm 12% dân số thế giới, lại bao gồm những thành viên giàu có nhất của "ngôi làng".

Thực ra, những người cần luật lệ và trật tự nhất chính là những người giàu có. Họ có nhiều tài sản hơn, có nhiều thứ để mất hơn trong tình trạng hỗn loạn và vô chính phủ.

Ở đây, tôi cũng muốn phân biệt giữa châu Âu và Hoa Kỳ.

Người châu Âu vẫn tin vào chủ nghĩa đa phương, và mong muốn củng cố các thể chế đa phương – nhưng họ không đủ can đảm để chống lại Trump. Trong khi đó thì Trump là một người không phải lúc nào cũng sáng suốt.

Trump chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt. Vì vậy, ông ta đã rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới, khỏi Hiệp định Khí hậu Paris, sẽ làm suy yếu Tổ chức Thương mại Thế giới, và có thể sẽ rời khỏi UNESCO.

Những quyết định này có thể mang lại lợi ích chính trị ngắn hạn cho Trump ở Hoa Kỳ, nhưng về lâu dài sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho họ. Bởi vì dù lớn mạnh đến đâu, Hoa Kỳ vẫn là một phần của "ngôi làng toàn cầu". Họ không thể chỉ lo cho bản thân mà bỏ mặc phần còn lại của thế giới.

Bài học lớn mà Hoa Kỳ nên rút ra từ những vụ cháy rừng ở Hollywood cách đây không lâu là: Dù bạn có sống trong một khu phố sang trọng đến đâu, nếu khu rừng xung quanh bị cháy, thì những ngôi nhà đắt tiền của bạn cũng sẽ bị thiêu rụi. Hoa Kỳ cũng giống như Hollywood, được bao quanh bởi một "khu rừng". Nếu "khu rừng" đó bốc cháy, Hollywood cũng không thể tránh khỏi.

Chính vì vậy, Hoa Kỳ cần từ bỏ quan điểm chống lại quản trị toàn cầu và chủ nghĩa đa phương.

Hội nghị Thượng đỉnh BRICS năm 2024 đã có sự tham gia đông đảo của các nhà lãnh đạo từ nhiều quốc gia đang phát triển. Ảnh: BRICS 2024

Hội nghị Thượng đỉnh BRICS năm 2024 đã có sự tham gia đông đảo của các nhà lãnh đạo từ nhiều quốc gia đang phát triển. Ảnh: BRICS 2024

Một hậu quả đáng lưu ý của việc Hoa Kỳ rút lui khỏi chủ nghĩa đa phương là sự trỗi dậy của những tổ chức nằm ngoài thể chế Mỹ dẫn dắt, như BRICS, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB), cũng như là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Giáo sư đánh giá như thế nào về sự phát triển của những thể chế và nền tảng mới này trong việc lấp đầy khoảng trống mà các thể chế cũ để lại?

Giáo sư Kishore Mahbubani: Rõ ràng, một lý do khiến các thể chế mới như BRICS, AIIB, và RCEP ngày càng trở nên quan trọng là do các thể chế truyền thống, bao gồm Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đang hoạt động kém hiệu quả.

Để hiểu rõ hơn về thế giới ngày nay, hãy so sánh BRICS với G7. Trong một thời gian dài, G7 được coi là người giám sát "ngôi làng toàn cầu". Bảy quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, cùng với Ủy ban Châu Âu, là thành viên của G7.

Mỗi khi các nhà lãnh đạo G7 gặp nhau, truyền thông phương Tây, đặc biệt là truyền thông “Anglo-Saxon” (Mỹ-Anh), lại đưa tin rầm rộ, coi họ như những người lãnh đạo của thế giới. Nhưng thực tế cho thấy, nếu so sánh BRICS và G7, thì G7 là một tổ chức đang thoái trào, còn BRICS là một tổ chức đang lên.

Thực tế, trong một bài viết gần đây cho NDTV ở Ấn Độ, tôi đã ví von G7 như Bạch Tuyết và bảy chú lùn. Bởi vì G7 chỉ có một cường quốc thực sự - Hoa Kỳ - còn những nước còn lại giống như bảy chú lùn, chỉ biết răm rắp làm theo những gì Hoa Kỳ nói. Họ đã trở thành chư hầu của Hoa Kỳ.

Ngược lại, BRICS không bị chi phối bởi bất kỳ quốc gia nào. Dù Trung Quốc có nền kinh tế lớn hơn nhiều so với các thành viên còn lại, nhưng họ không kiểm soát BRICS theo cách mà Hoa Kỳ kiểm soát G7. Nga, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi đều là những quốc gia rất độc lập. Và như bạn đã biết, hiện có nhiều quốc gia đang xin gia nhập BRICS.

Tất cả những điều này cho thấy BRICS là một tổ chức đang lên, còn G7 đang dần thoái trào. Quyền lực đang dịch chuyển từ phương Tây sang phần còn lại của thế giới.

- Xin cảm ơn Giáo sư Mahbubani.

Bài 2: Cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung và cơ hội của ASEAN

Phạm Vũ Thiều Quang

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/kishore-mahbubani-phuong-tay-can-thay-doi-tu-duy-voi-mot-chau-a-dang-troi-day-2369894.html
Zalo