Khoán tăng trưởng cho địa phương là tư tưởng đổi mới, phù hợp

Khoán tăng trưởng đối với các địa phương là một cách làm rất hay và cần phải nghiên cứu những mô hình mới, cách làm mới chưa từng có trong tiền lệ. Nếu chúng ta đạt được mục tiêu thì khoán tăng trưởng sẽ là bước đột phá về tư tưởng đổi mới, rất phù hợp với Việt Nam. Đây là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Thường Lạng - Viện Thương mại Kinh tế quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân về giải pháp hỗ trợ tạo nền vững chắc để nền kinh tế năm 2025 đạt tăng trưởng 2 con số.

Với việc mở rộng sản xuất kinh doanh, đặc biệt chuyển dịch cơ cấu kinh tế quyết liệt hơn, sẽ xử lý được vấn đề lạm phát. Ảnh tư liệu

Với việc mở rộng sản xuất kinh doanh, đặc biệt chuyển dịch cơ cấu kinh tế quyết liệt hơn, sẽ xử lý được vấn đề lạm phát. Ảnh tư liệu

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong năm nay do Chính phủ đặt ra?

Ông Nguyễn Thường Lạng: Theo Công điện số 140/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đặt ra mục tiêu cố gắng phấn đấu tăng trưởng kinh tế 2 con số năm 2025, đặc biệt yêu cầu các địa phương cố gắng khoán tăng trưởng, nghĩa là nhiều địa phương đạt 2 con số thì cả nước sẽ đạt trên 2 con số. Nhưng đã nói đến tăng trưởng kinh tế thì phải nói đến tăng trưởng cung tiền. Chúng ta không thể giữ cung tiền như cũ. Tăng trưởng cung tiền là số lượng tiền đó phải được hấp thụ trong lưu thông, nếu không sẽ dẫn đến lạm phát.

Khi Chính phủ có mục tiêu cố gắng đạt tăng trưởng 2 con số trong năm 2025 thì nguy cơ gia tăng lạm phát, bởi chúng ta tăng cung tiền. Do đó, để tránh nguy cơ này và đảm bảo mục tiêu lạm phát do Quốc hội đưa ra, chúng ta cần phải có nhiều lĩnh vực để tiêu được số tiền đó, như doanh nghiệp cần mở rộng kinh doanh; có những dự án đầu tư công, dự án PPP, dự án đầu tư tư nhân…; đồng thời, cần tăng số lượng dự án lên. Ngoài ra, đối với các mặt hàng mới đáp ứng thị trường khó tính thì nên đẩy mạnh, từ đó, mới đủ sức hấp thụ lượng tiền đó và mới tạo ra giá trị.

Tôi nghĩ, việc mở rộng sản xuất kinh doanh, đặc biệt chuyển dịch cơ cấu kinh tế quyết liệt hơn, hướng vào ngành giá trị gia tăng cao hơn, mũi nhọn hơn, thậm chí là chấp nhận chi phí ban đầu cao để có lợi nhuận cao hơn, thì vấn đề lạm phát sẽ xử lý được.

Đồng thời, đối với các chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump, khả năng đồng USD sẽ lên giá và đồng VND mất giá, nghĩa là Việt Nam có thể phải chịu áp lực mất giá đồng tiền. Đó cũng là điều cần quan tâm kỹ, từ đó tạo cơ cấu dự trữ ngoại tệ, thậm chí có những hoạt động để phân tán sự rủi ro này cả từ phía thị trường, doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng...

PV: Như ông có nêu, Thủ tướng có yêu cầu khoán tăng trưởng đối với các địa phương, ông bình luận gì về điều này?

Ông Nguyễn Thường Lạng: Muốn cả nước có tăng trưởng 2 con số thì nhiều địa phương phải tăng trưởng ít nhất 2 con số, thậm chí là phải có ¾ địa phương trên 2 con số để kéo những địa phương còn lại. Đây là cách làm chia mục tiêu lớn thành mục tiêu nhỏ và là một phương thức rất hay.

Do đó, các địa phương phải nghĩ đến những tiềm năng có thể khai thác trong tầm nhìn quốc gia và cần phải phân cấp mạnh cho địa phương, ví dụ cơ chế đặc thù là một bước đi nhưng đồng hành với việc có thể tạo liên kết vùng mới.

Không những vậy, các địa phương cần có đề xuất sáng kiến để có những mô hình sáng tạo từ cấp địa phương, phát huy triệt để từ cấp địa phương... Tôi nghĩ đây là một trong những tư tưởng để chúng ta mở rộng quyền cho các địa phương, để tất cả khả năng sáng tạo giá trị làm được, kết tinh từ địa phương, được phát huy và phát triển từ địa phương.

Tóm lại, cần việc phân cấp quản lý, giảm bớt thủ tục hành chính và tạo điều kiện để các địa phương phát huy tối đa tiềm năng sẵn có. Việc khai thác tốt nguồn lực và sáng tạo từ từng khu vực sẽ không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền.

Vì vậy, tôi nghĩ đây là cách làm rất hay và cần phải nghiên cứu những mô hình mới, cách làm mới chưa từng có trong tiền lệ. Nếu chúng ta đạt được mục tiêu đó thì khoán tăng trưởng sẽ là bước đột phá về tư tưởng đổi mới, rất phù hợp với Việt Nam.

PV: Để tạo động lực thúc đẩy, phát triển cho nền kinh tế, Chính phủ đã có quyết định tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong 6 tháng đầu năm 2025, theo ông những nhóm ngành kinh tế nào sẽ được hưởng lợi từ chính sách này?

Ông Nguyễn Thường Lạng: Những chính sách giảm thuế GTGT sẽ tác động tổng thể vào nền kinh tế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu, bán lẻ sẽ có khả năng hưởng lợi trực tiếp và nhanh nhất.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều ngành được hưởng lợi gián tiếp và có ngành hưởng ít, ngành hưởng nhiều. Tôi nghĩ tất cả các ngành và các đối tượng đều có lợi khi Chính phủ triển khai các chính sách giảm thuế.

PV: Xin cảm ơn ông!

Việt Nam đang khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng quan trọng

Theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Việt Nam hiện đang khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng quan trọng. Các yếu tố truyền thống như đầu tư công, đầu tư tư nhân và xuất, nhập khẩu tiếp tục được đẩy mạnh, đóng vai trò chủ chốt trong việc duy trì sự ổn định kinh tế. Bên cạnh đó, các động lực mới đang nổi lên như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển du lịch đang dần trở thành những yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nam Khánh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/khoan-tang-truong-cho-dia-phuong-la-tu-tuong-doi-moi-phu-hop-170452.html
Zalo