Khoa học và công nghệ Nam Định: Từ 'hậu phương trí tuệ' đến động lực cho kỷ nguyên số

Thành lập trong 'mưa bom, lửa đạn', ngành Khoa học và Công nghệ (KH và CN) Nam Định đã đi một hành trình dài, vượt gian khó thời chiến để lớn mạnh trong thời bình. Từ những phòng thí nghiệm đơn sơ thời bao cấp đến xây dựng chính quyền số, dữ liệu số và kinh tế số trong thời đại 4.0 hiện nay. Mỗi bước chuyển mình đều gắn liền với vận mệnh phát triển của tỉnh với tầm nhìn xa, tư duy đổi mới và tinh thần dấn thân vì cộng đồng của các thế hệ trí thức KHCN Nam Định.

Hội thảo “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Nam Định - cơ hội, thách thức và giải pháp”.

Hội thảo “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Nam Định - cơ hội, thách thức và giải pháp”.

Xây dựng “hậu phương trí tuệ”

Giữa những năm tháng cam go nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 1964, Ban Khoa học và Kỹ thuật Nam Định (tiền thân của Sở KH và CN) được thành lập. Dù hoạt động trong điều kiện chiến tranh ác liệt, nhưng ngành KH và CN vẫn kiên trì triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, đời sống và quốc phòng, từng bước hình thành nền tảng KH và CN gắn với thực tiễn kháng chiến và phát triển kinh tế tại địa phương. Ngay từ những ngày đầu, lực lượng cán bộ KH và CN Nam Định đã đẩy mạnh phong trào cải tiến kỹ thuật, phổ biến tri thức khoa học trong các lĩnh vực then chốt như: công nghiệp, y tế và đời sống; tích cực triển khai điều tra cơ bản về thổ nhưỡng, giống cây trồng, vật nuôi phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Việc đưa khoa học vào thực tiễn đã giúp đảm bảo sức khỏe, xây dựng nếp sống mới trong nhân dân; cải thiện năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng cường khả năng tự lực của tỉnh trong sản xuất, góp phần ổn định đời sống nhân dân thời chiến, phục vụ tốt cho hậu phương cũng như tiền tuyến.

Một trong những thành tựu quan trọng là sự hình thành và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật của tỉnh cả bề rộng lẫn chiều sâu trong những ngày bom đạn còn rền vang, vừa sản xuất vừa chiến đấu bảo vệ quê hương. Từ số lượng cán bộ có trình độ đại học hiếm hoi, đến cuối năm 1973 đã tăng lên khoảng 1.500 người có trình độ đại học và 5.000 người trình độ trung cấp. Họ không chỉ là những “chiến sĩ” đóng góp trí tuệ trên mặt trận khoa học nơi hậu phương mà còn sẵn sàng xông pha, trực tiếp tham gia hỗ trợ tiền tuyến. Lịch sử ngành KH và CN tỉnh ghi nhận sự hy sinh anh dũng của 10 cán bộ khoa học cùng 8 xã viên của HTX Nhân Hậu, Lý Nhân - những người đã ngã xuống để bảo vệ tài sản khoa học, gìn giữ hậu phương.

Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, non sông liền một dải, ngành KH và CN tỉnh tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong nghiên cứu, ứng dụng KH và CN, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp với các đề tài nghiên cứu giống lúa được triển khai có hệ thống, mang lại hiệu quả rõ rệt. Chẳng hạn, dự án chọn lọc, lai tạo thành công nhiều giống lúa mới như IR1820, CR203, NN5, NN8... đã góp phần tăng năng suất lúa toàn tỉnh từ 22,6 tạ/ha (1975) lên 32,2 tạ/ha (1991). Nhiều hợp tác xã tiêu biểu như Xuân Tiến, Giao An đạt năng suất ấn tượng, đóng góp quan trọng đảm bảo an ninh lương thực. Không chỉ lĩnh vực nông nghiệp, các lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp cũng đạt nhiều thành tựu mới, tạo ra nhiều sản phẩm, vật liệu mới, điển hình là: cầu dao điện 3 pha, máy vò lúa, lụa… phục vụ sản xuất và đời sống. Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật diễn ra sôi nổi trong các hợp tác xã, nhà máy, cơ sở sản xuất. Hơn 5.700 sáng kiến kỹ thuật đã được áp dụng vào thực tiễn, góp phần thúc đẩy năng suất, chất lượng, tạo tiền đề cho việc tái cơ cấu kinh tế đa thành phần sau này.

Có thể nói, những thành tựu và kinh nghiệm trong thời kỳ kháng chiến và đầu thời bình đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển KH và CN Nam Định trong đổi mới.

Mô hình canh tác lúa tiết kiệm nước tạo tín chỉ các bon tại xã Yên Khang (Ý Yên).

Mô hình canh tác lúa tiết kiệm nước tạo tín chỉ các bon tại xã Yên Khang (Ý Yên).

Sứ mệnh kiến tạo trong kỷ nguyên vươn mình

Nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày non sông thu về một mối, ngành KH và CN Nam Định tiếp tục có bước chuyển mình mạnh mẽ, bắt kịp xu thế thời đại kinh tế tri thức. Đặc biệt với việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 tạo “cú hích chiến lược” cho toàn hệ thống KH và CN cả nước, và Nam Định là một trong những địa phương tiên phong nỗ lực hiện thực hóa tầm nhìn này.

Tiếp tục xác định KHCN, đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) là “trục xoay” chiến lược để kiến tạo tương lai, tỉnh đã hoàn thiện thể chế, biến đó thành động lực bằng việc ban hành nhiều chương trình, đề án, chính sách cụ thể như: Kế hoạch số 120/KH-UBND về chuyển đổi số tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết 77/2022/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ tài chính trong hoạt động KHCN và hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh Nam Định; Đề án Phát triển hệ thống dữ liệu số phục vụ CĐS tỉnh Nam Định đến năm 2030 (Quyết định số 2797/QĐ-UBND ngày 17/12/2024 của UBND tỉnh); Kế hoạch số 176-KH/TU quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW; Chương trình hành động 54-CTr/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 29/KH-UBND của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW;… Hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch đã được thiết lập nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao, chuyển đổi mô hình sản xuất sang nền tảng số nhằm thực hiện thành công Nghị quyết 57-NQ/TW.

Trong thu hút đầu tư phát triển khu công nghiệp số, Nam Định đã chào đón nhiều dự án lớn sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường như: nhà máy sản xuất máy tính của Tập đoàn Quanta Computer Inc, dự án đầu tư sản xuất máy chiếu của Công ty TNHH International XGIMI tại KCN Mỹ Thuận. Dự án đầu tư phát triển KCN Hải Long do VSIP thực hiện. Những dự án này không chỉ tạo cú hích cho kinh tế địa phương mà còn là bước đi chiến lược trong hình thành các KCN công nghệ cao - “miền đất hứa” cho KHCN và ĐMST phát triển.

Nam Định cũng tiên phong trong phát triển hạ tầng số và dữ liệu số. Kiến trúc chính quyền điện tử phiên bản 2.0, chính quyền số phiên bản 3.0, nền tảng dữ liệu dùng chung, trục liên thông văn bản kết nối toàn quốc... đã được triển khai đồng bộ. Nhờ đó, đến năm 2024, 100% hồ sơ cấp tỉnh, huyện và 90% cấp xã (đủ điều kiện) được xử lý trên môi trường mạng; tỷ lệ hồ sơ xử lý đúng hạn đạt 99,7%; dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt gần 55%. Không chỉ với xây dựng chính quyền số, Nam Định còn tạo chuyển biến mạnh trong phát triển xã hội số và kinh tế số, góp phần tích cực trong công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Khởi nghiệp ĐMST cũng đang là chương trình hoạt động KHCN động lực quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và ứng dụng công nghệ mới ở Nam Định. Chỉ trong thời gian ngắn, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp từ truyền thông thay đổi nhận thức trong cộng đồng đến đào tạo đội ngũ chuyên gia; xây dựng và vận hành Cổng thông tin khởi nghiệp ĐMST của tỉnh và các kênh truyền thông riêng trên nền tảng mạng xã hội; tổ chức các sự kiện KHCN, ĐMST quy mô cấp vùng; tư vấn, hỗ trợ các ý tưởng, dự án khởi nghiệp ĐMST… Với những kết quả đạt được, Nam Định là 1 trong 9 địa phương được Bộ KH và CN tặng Bằng khen cho những đóng góp tích cực trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia giai đoạn 2016-2024.

Vững bước vào kỷ nguyên mới, Nam Định không “độc hành” khi đã chủ động mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế để thúc đẩy KHCN, ĐMST và CĐS. Trong nước, những thỏa thuận chiến lược với các tập đoàn lớn như: Tập đoàn Bưu chính, Viễn thông Việt Nam VNPT; Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel; Công ty Cổ phần FPT của tỉnh không chỉ mang đến giải pháp công nghệ hiện đại mà còn giúp nâng cao năng lực số cho cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp địa phương. Các doanh nghiệp trong tỉnh cũng đang chủ động kết nối với các trường đại học, viện nghiên cứu hình thành các “tam giác đổi mới” bền vững. Việc vận hành hiệu quả các điểm hỗ trợ khởi nghiệp; Sàn giao dịch công nghệ, thiết bị… góp phần thúc đẩy chuyển hóa ý tưởng sáng tạo thành sản phẩm kinh tế cụ thể. Nhiều diễn đàn, hội nghị, hội thảo hợp tác quốc tế trong phát triển KHCN, ĐMST và CĐS cũng được tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Israel, Singapore, Lào… cho thấy sự nỗ lực của Nam Định để ghi dấu trên bản đồ ĐMST toàn cầu. Việc đưa KHCN, CĐS đi vào cuộc sống, trở thành công cụ cải thiện chất lượng đời sống người dân, nâng cao năng lực quản trị của chính quyền và tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp là mục tiêu hướng tới trong các chương trình, kế hoạch của tỉnh và của ngành. Việc phổ cập chữ ký số, hóa đơn điện tử, thanh toán không tiền mặt, hệ thống định danh điện tử… đã giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí, tiếp cận dịch vụ công thuận tiện hơn. Đó là minh chứng rõ ràng nhất cho CĐS lấy người dân làm trung tâm. Với tầm nhìn dài hạn, Nam Định đang đặt ra mục tiêu đến năm 2030 cơ bản hoàn thành CĐS toàn diện, trong đó KHCN và ĐMST là lực đẩy chủ yếu. Tỉnh đặt quyết tâm dành ít nhất 3% tổng chi ngân sách hàng năm cho phát triển KHCN, ĐMST, CĐS và tăng dần theo yêu cầu phát triển. Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, hệ thống dữ liệu số, đô thị thông minh, công nghiệp công nghệ cao... đang dần hiện hình rõ nét, là bước đi cụ thể hóa Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Mỗi chặng đường phát triển của quê hương từ trong kháng chiến gian khó đến hòa bình, đổi mới kiến thiết xây dựng quê hương đều in đậm dấu ấn sự cống hiến của đội ngũ trí thức Nam Định - những người không ngừng học hỏi, dám nghĩ, dám làm và dám đổi mới. Với quyết tâm chính trị cao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, KH và CN Nam Định đang từng bước khẳng định vai trò trung tâm trong kiến tạo mô hình tăng trưởng mới - bền vững, thông minh và hội nhập quốc tế.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202504/khoa-hoc-va-cong-nghe-nam-dinh-tu-hau-phuong-tri-tue-den-dong-luc-cho-ky-nguyen-so-5115e1e/
Zalo