Quảng - Đà vững bước trước kỷ nguyên mới

Sau 50 năm giải phóng, TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã phát huy tinh thần tự lực, tự cường, vượt qua muôn vàn khó khăn để có bước phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội. Và nay, hòa chung khí thế của cả nước, 2 địa phương đã và đang chuẩn bị tốt nhất cả thế và lực để bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Kỳ tích về sự phát triển

Những năm qua, Quảng Nam luôn chú trọng hoàn thiện hạ tầng giao thông để phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đáng kể nhất là tuyến đường ven biển Võ Chí Công và cầu Cửa Đại bắc qua sông Thu Bồn, đây được xem là “công trình thế kỷ” giúp Quảng Nam cất cánh. Công trình này đã tạo ra trục giao thông chính, kết nối các vùng ven biển phía Đông của tỉnh Quảng Nam với TP Đà Nẵng, Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam), Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), tạo ra sự liên kết vùng ven biển khu vực miền Trung. Từ khi có công trình cầu Cửa Đại và đường ven biển Võ Chí Công, bộ mặt nông thôn ven biển của tỉnh Quảng Nam đã thay da đổi thịt từng ngày.

Cán bộ Công an xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, Quảng Nam thăm hỏi, trò chuyện với người dân tại khu tái định cư.

Cán bộ Công an xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, Quảng Nam thăm hỏi, trò chuyện với người dân tại khu tái định cư.

Trong căn nhà 2 tầng khang trang tại khu tái định cư (TĐC) mới xã Bình Dương, huyện Thăng Bình (Quảng Nam), cách đường ven biển Võ Chí Công chỉ vài trăm mét, ông Võ Như Tín không giấu được niềm vui trước sự phát triển của vùng đất cát ven biển mà trước đây người dân chỉ biết trồng hoa màu, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng thu nhập chẳng là bao.

“Từ khi có đường Võ Chí Công, nhiều dự án được triển khai, người dân có công ăn việc làm, thu nhập ổn định”, ông Tín nói, rồi kể thêm, khi dự án Khu nghỉ dưỡng phức hợp Nam Hội An triển khai năm 2018, gia đình ông đã di dời vào khu TĐC này để bàn giao khoảng 2.000m2 đất cho dự án. “Cuộc sống của gia đình tôi đã tốt hơn trước rất nhiều. Con - cháu tôi thoát nghề nông, chuyển qua công việc buôn bán, làm công nhân trong khu nghỉ dưỡng”, ông Tín phấn khởi chia sẻ thêm.

Theo ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, qua 28 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam đã ban hành và lãnh đạo thực hiện nhiều quyết sách táo bạo, kịp thời và hiệu quả; nhất là chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp là chủ yếu sang công nghiệp - dịch vụ, tập trung đầu tư vùng phía Đông, tạo động lực phát triển toàn tỉnh, trọng điểm là Di sản văn hóa Hội An và Khu kinh tế mở Chu Lai - khu kinh tế mở đầu tiên của cả nước.

Từ một nền kinh tế chủ yếu thuần nông với nền sản xuất nông nghiệp manh mún, lạc hậu, hơn 50% số hộ dân thuộc diện đói nghèo; công nghiệp và du lịch hầu như chưa có gì đáng kể; thu ngân sách chỉ hơn 150 tỷ đồng trong năm đầu tái lập tỉnh (1997), Quảng Nam đã liên tục vươn lên với những bước phát triển đầy ấn tượng.

Đáng chú ý, từ năm 2017, Quảng Nam chính thức điều tiết nguồn thu nội địa về Trung ương. Năm 2024, tổng thu phát sinh kinh tế trên địa bàn Quảng Nam đạt hơn 27.600 tỷ đồng (gấp 217 lần năm 1997), quy mô kinh tế hơn 129.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người hơn 84 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp - dịch vụ. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đến cuối năm 2024 chỉ còn 4,56%.

Với Đà Nẵng – Thành phố đáng sống nằm bên sông Hàn, không khó để nhận thấy sự đổi thay từng ngày. Theo ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, kinh tế thành phố tăng trưởng khá qua các năm; so với năm 1997 – thời điểm chia tách, quy mô nền kinh tế tăng khoảng hơn 45 lần; thu ngân sách trên địa bàn tăng hơn 25,6 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng 21 lần. Nét nổi bật nhất của thành phố là công cuộc quy hoạch, chỉnh trang đô thị, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng. Từ một đô thị nhỏ bé, đến nay Đà Nẵng là địa phương có tỷ lệ đô thị hóa đạt 87,2%, cao gấp 2 lần so với mức trung bình của cả nước…

Đặc biệt, Đà Nẵng đã ban hành nhiều chính sách đột phá mang đậm tính nhân văn, vượt trội được dư luận đồng tình, đánh giá cao, trở thành thương hiệu của thành phố như: Chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an”; thực hiện tốt các chính sách, chế độ ưu đãi vượt trội đối với người có công với cách mạng và các đối tượng yếu thế trong xã hội; thực hiện miễn học phí cho tất cả các cấp học, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; đồng thời, giành nguồn lực đầu tư lớn cho hạ tầng y tế từ cơ sở đến thành phố để chăm sóc ngày càng tốt hơn sức khỏe của nhân dân thành phố và các tỉnh trong khu vực. Vì vậy, Chỉ số phát triển con người của Đà Nẵng luôn trong nhóm tốt nhất cả nước.

Tại Lễ kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng bộ TP Đà Nẵng (28/3/1930 - 28/3/2025) và 50 năm Ngày giải phóng TP Đà Nẵng (29/3/1975 - 29/3/2025) diễn ra vào sáng 29/3/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, Đà Nẵng đã tạo “kỳ tích sông Hàn” ở Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội với mô hình “5 cao”: Tri thức cao, văn hóa cao, thu nhập cao, quản trị cao, mức sống cao. Nổi bật nhất trong những thành tựu của thành phố là quy hoạch phát triển hạ tầng, không gian đô thị được mở rộng, diện mạo thành phố đã hoàn toàn thay đổi và hiện đại.

Vươn ra biển lớn

Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam vào chiều 29/3/2025, sau khi rõ những tồn tại, hạn chế trong quá trình phát triển của 2 địa phương; đề cập đến việc tổ chức thực hiện chủ trương sáp nhập các tỉnh, thành phố trong cả nước, không tổ chức cấp huyện, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, một Đà Nẵng mới phải phát huy tốt hơn những tiềm năng và lợi thế vốn có của cả Quảng Nam và Đà Nẵng; yêu cầu tiếp tục gìn giữ và phát huy bản sắc con người xứ Quảng - trung dũng, kiên cường, sáng tạo và nhân văn, gắn với giáo dục văn hóa, truyền thống, xây dựng con người thành phố hiện đại nhưng giàu bản sắc, nhân văn, sáng tạo.

Sáp nhập là cơ hội lịch sử để Quảng Nam và Đà Nẵng cùng nhau xây dựng một trung tâm kinh tế, văn hóa, đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực; cần phát huy thế mạnh đôi bên, cùng quy hoạch tầm nhìn dài hạn, chia sẻ lợi ích, trách nhiệm và khát vọng phát triển, để vùng đất Quảng - Đà thực sự vươn ra biển lớn với vị thế xứng tầm quốc gia và quốc tế.

Đề nghị các cơ quan Trung ương, nhất là Quốc hội và Chính phủ, tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa để Đà Nẵng - Quảng Nam mới thực hiện tốt các chủ trương lớn của Đảng, Tổng Bí thư tin tưởng Đà Nẵng - Quảng Nam mới sẽ tiếp tục là cực tăng trưởng chiến lược, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống hàng đầu, góp phần đưa Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên phát triển bền vững và thịnh vượng.

Ngọc Thi

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/quang-da-vung-buoc-truoc-ky-nguyen-moi-i766817/
Zalo