Khoa học công nghệ, chuyển đổi số là nền tảng đột phá lĩnh vực nông nghiệp và môi trường

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, khoa học công nghệ và chuyển đổi số là nền tảng để kiến tạo đột phá cho ngành nông nghiệp và môi trường trong kỷ nguyên mới.

Ngày 10/5, tại TP. Bắc Ninh, Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, cùng các văn bản liên quan như Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Nhiệm vụ khoa học công nghệ phải được đặt hàng từ thực tiễn

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, Nghị quyết 57-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành ngày 22/12/2024 đã xác lập tầm nhìn xuyên suốt: khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững mà còn là “thời cơ tốt nhất” để Việt Nam vươn lên thành quốc gia phát triển, giàu mạnh, hùng cường.

Theo Bộ trưởng, mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống (dựa vào lao động thủ công, chi phí đầu vào cao, giá trị gia tăng thấp) đang trở nên lỗi thời. Trong khi đó, các xu hướng như nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp đa giá trị, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số ngày càng trở nên cấp thiết.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường phát biểu tại hội nghị.

Tư lệnh ngành Nông nghiệp cũng bày tỏ sự trăn trở khi nhiều đề tài nghiên cứu liên quan đến các ngành, trong đó có ngành nông nghiệp và môi trường, không gắn với yêu cầu phát triển; nghiên cứu xong rồi cũng rất khó có thể thương mại hóa hoặc không có khả năng thương mại hóa để đi vào cuộc sống.

Nghị quyết 57-NQ/TW, được Bộ Chính trị ban hành ngày 22/12/2024, xác lập một định hướng chiến lược, với tầm nhìn xuyên suốt: khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững, mà còn là “thời cơ tốt nhất” để Việt Nam vươn mình thành quốc gia phát triển, giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới.

Vì thế, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng, muốn thay đổi cục diện, bắt buộc chúng ta phải đổi mới tư duy và cách làm, phải lấy khoa học công nghệ và chuyển đổi số làm nền tảng phát triển.

“Chúng tôi cũng mong muốn rằng tới đây, từ năm 2026 trở đi, các nhiệm vụ khoa học công nghệ phải được đặt hàng từ thực tiễn, từ doanh nghiệp, từ cấp cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để triển khai hiệu quả hơn”, ông Duy chia sẻ.

Về phía địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn nhấn mạnh, trong bối cảnh ngành nông nghiệp đứng trước yêu cầu chuyển đổi mạnh mẽ nhằm đáp ứng các xu thế mới của phát triển bền vững, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế, việc phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc, là động lực then chốt để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng năng suất lao động, bảo vệ tài nguyên, môi trường và chất lượng sống của người dân.

Thực hiện Nghị quyết 57, Nghị quyết 193, Nghị quyết 71, tỉnh Bắc Ninh tập trung vào chuyển đổi mô hình từ sản xuất truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, hướng tới nền nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường.

Không để chính sách làm chậm bước tiến đổi mới sáng tạo

Để Nghị quyết 57 triển khai có hiệu quả trong trong cuộc sống, theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề xuất nhóm giải pháp then chốt.

Trước tiên là vấn đề hoàn thiện thể chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính để khơi thông điểm nghẽn; thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ trong khu vực công mà còn bao gồm cả khu vực tư để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển khoa học công nghệ phục vụ sự nghiệp phát triển của ngành. "Từ đó, không để chính sách làm chậm bước tiến của đổi mới sáng tạo", ông Đỗ Đức Duy nói.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường ký kết văn bản hợp tác phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường ký kết văn bản hợp tác phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Nêu thực tế, ông Duy cho biết, thời gian qua cũng cho thấy khu vực tư, các doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư rất mạnh mẽ vào nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp; nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp đã tiên phong trong lĩnh vực này và tạo ra giá trị gia tăng rất lớn.

Tiếp đó, ông Duy cho rằng cần phải sắp xếp hệ thống tổ chức, trong đó có các đơn vị sự nghiệp và các tổ chức khoa học của bộ, của ngành, bảo đảm “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả” hướng đến tự chủ toàn diện trong nghiên cứu khoa học để các đơn vị nghiên cứu thực sự trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, có khả năng cạnh tranh và lan tỏa tri thức đến sản xuất và thị trường.

Theo ông Duy, thời gian tới cần thay đổi toàn diện cách đặt hàng, giao nhiệm vụ khoa học công nghệ hằng năm. Trong đó, toàn ngành nông nghiệp và môi trường cần chú trọng nghiên cứu khoa học phải xuất phát từ yêu cầu sản xuất thực tiễn, cung cấp các giải pháp khoa học công nghệ, các sản phẩm phục vụ sản xuất, thương mại hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, an toàn và giá trị của sản phẩm.

Cùng với đó, ngành cần đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trong toàn ngành và bộ; số hóa ngay từ khi xây dựng văn bản đến sản xuất thực tiễn, bảo đảm mọi hoạt động được số hóa, được truy xuất toàn diện...

Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ký kết văn bản hợp tác phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo với Liên hiệp các Hội Khoa khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Tổng hội Xây dựng Việt Nam. Tiếp theo lễ ký của Bộ Nông nghiệp và Môi trường Vụ Khoa học và Công nghệ cũng ký một loạt văn bản hợp tác với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng.

Khánh Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/khoa-hoc-cong-nghe-chuyen-doi-so-la-nen-tang-dot-pha-linh-vuc-nong-nghiep-va-moi-truong-176188.html
Zalo