Nhiều giải pháp mang tầm chiến lược để kinh tế tư nhân phát triển

Trao đổi với phóng viên Báo Tài chính - Đầu tư, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, Nghị quyết 68-NQ/TW đã truyền cảm hứng cho doanh nhân với nhiều giải pháp mang tầm chiến lược, có tính đột phá, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Kinh tế tư nhân phát triển sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế đất nước. Ảnh: Lê Toàn

Kinh tế tư nhân phát triển sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế đất nước. Ảnh: Lê Toàn

PV: Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Là người đại diện cộng đồng doanh nghiệp, ông nhìn nhận như thế nào về quyết định này?

Ông Phạm Tấn Công: Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân vừa được Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành là một sự đột phá, mở ra những cơ hội phát triển vô cùng lớn cho khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam thời gian tới.

Kinh tế tư nhân là động lực lớn nhất của nền kinh tế

Theo ông Phạm Tấn Công, Đảng và Chính phủ đã đặt kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất, là kỳ vọng của Nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân. Với sự lanh lẹ, nhạy bén và tinh thần trách nhiệm đối với công việc kinh doanh, trách nhiệm với dòng vốn đã bỏ ra, khối doanh nghiệp tư nhân sẽ đảm đương được vai trò đó và có đóng góp quan trọng vào thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển.

Đây cũng là nghị quyết được cộng đồng doanh nghiệp trông đợi và kỳ vọng lâu nay, nên khi được ban hành nó sẽ như một “cú huých”, một thông điệp truyền cảm hứng cho giới doanh nhân, doanh nghiệp và cho toàn xã hội. Đồng thời, mở ra không gian mới để toàn xã hội cùng đồng lòng, huy động các nguồn lực đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bên cạnh đổi mới tư duy, Nghị quyết 68-NQ/TW cũng đặc biệt chú trọng đến hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhằm tạo thuận lợi để người dân và doanh nghiệp tích cực đưa dòng vốn, nguồn lực của mình vào phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra sự tăng tốc phát triển kinh tế hai con số của Việt Nam trong những năm tới.

PV: Như ông vừa nói, Nghị quyết 68-NQ/TW có nhiều điểm mới, tạo thuận lợi để người dân và doanh nghiệp tích cực đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội. Ông có thể bình luận rõ hơn về điều này?

Ông Phạm Tấn Công: Sau 40 năm đổi mới, nguồn lực kinh tế trong dân bây giờ đã có sự thay đổi rất nhiều, nhưng chưa được khai thác hiệu quả.

Doanh nghiệp luôn luôn có khát vọng phát triển, nhưng thời gian vừa qua chúng ta nhìn thấy đâu đó có sự chững lại, kể cả dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp, cũng như vốn từ người dân. Chúng ta nhìn thấy một thực tế, tiền gửi tiết kiệm cao như vậy và người dân mua vàng, mua USD, mua bất động sản vẫn nhiều… Như vậy nguồn lực trong dân vẫn còn rất lớn. Nghị quyết 68-NQ/TW sẽ tạo ra “cú huých”, gỡ nút thắt, để huy động nguồn lực từ trong dân vào nền kinh tế một cách mạnh mẽ hơn.

Nghị quyết 68-NQ/TW về kinh tế tư nhân - là đột phá vô cùng lớn cho cộng đồng doanh nghiệp. Điểm mới của Nghị quyết đó là chính thức công nhận và đặt vị thế vai trò của kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Bên cạnh đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đây là sự thừa nhận và truyền cảm hứng cho doanh nhân, doanh nghiệp. Cùng với đó là cơ chế để tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển, cũng được đưa ra với những quan điểm cải cách rất mạnh mẽ, từ môi trường kinh doanh, cơ chế để tạo nguồn vốn huy động nguồn lực, phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp... Có thể nói, những giải pháp đưa ra trong Nghị quyết 68-NQ/TW là rất tổng thể và toàn diện.

Bên cạnh đó, một điều kiện quan trọng khi chúng ta muốn phát triển kinh tế đó là dựa vào nguồn nhân lực. Trước đó, vào tháng 5/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW về phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới. Nghị quyết 41-NQ/TW đã đặt ra yêu cầu về môi trường kinh doanh an toàn cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển, không hình sự hóa hoạt động kinh tế bình thường.

Nội dung này cũng được đề cập tại Nghị quyết 68-NQ/TW, giúp doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ hào hứng và còn cảm thấy an tâm và an toàn khi tham gia các hoạt động đầu tư, kinh doanh. Đây cũng là một điểm hết sức quan trọng.

Tôi tin rằng, Nghị quyết sẽ truyền cảm hứng và khơi thông nguồn lực để giúp kinh tế Việt Nam tăng tốc phát triển trong giai đoạn tới.

PV: Với Nghị quyết 68-NQ/TW, có thể nói “đường đã mở” và là cơ hội để doanh nghiệp tư nhân bứt phá. Ở góc độ đại diện cộng đồng doanh nghiệp, thời gian tới VCCI sẽ có những giải pháp, hành động gì để cụ thể hóa các nội dung được nêu tại Nghị quyết, thưa ông?

Ông Phạm Tấn Công: Nghị quyết 68-NQ/TW như một lệnh "mở đường" cho khu vực kinh tế tư nhân, nhưng hiệu quả ra sao còn phụ thuộc vào khâu tổ chức thực hiện, thể chế hóa nghị quyết vào cuộc sống. Đó là khâu khó và cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị cũng như nhận thức của từng cán bộ trong quá trình thực thi nghị quyết.

Trong bối cảnh đó, vai trò của các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp như VCCI là vô cùng quan trọng. VCCI sẽ là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp. Chính những hoạt động như nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đưa ra những góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng điều hành kinh tế của các địa phương sẽ được VCCI tiếp tục thực hiện, nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh.

Sắp tới VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp sẽ phát huy vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan chức năng, tích cực phản ánh những ý kiến của doanh nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi Nghị quyết 68-NQ/TW, quyết tâm đưa Nghị quyết

này đi vào cuộc sống thông qua việc lắng nghe ý kiến của người dân và doanh nghiệp. Từ đó, kiến nghị Đảng, Chính phủ kịp thời điều chỉnh và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 68-NQ/TW thành công.

PV: Xin cảm ơn ông!

Song Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nhieu-giai-phap-mang-tam-chien-luoc-de-kinh-te-tu-nhan-phat-trien-176088-176088.html
Zalo