Khi trung tâm dữ liệu thông minh dẫn lối AI tự động

Trung tâm dữ liệu (Data Center) thông minh với khả năng tối ưu hóa nguồn lực, đang trở thành nền tảng then chốt thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng của trí tuệ nhân tạo (AI) tự động.

Với xu hướng ứng dụng công nghệ toàn cầu hóa như hiện nay, AI đã và đang trở thành động lực cốt lõi trong mọi quyết sách kinh doanh, do đó, trọng tâm chuyển sang cách tận dụng hạ tầng trung tâm dữ liệu (Data center) để tạo lợi thế bền vững.

Bài toán đặt ra với các doanh nghiệp Việt Nam không còn là “có nên ứng dụng AI hay không”, mà là “ứng dụng như thế nào để tạo lợi thế bền vững”.

Data Center thông minh làm nền tảng cho AI

Không còn là trung tâm lưu trữ dữ liệu thuần túy, Data Center đang từng bước trở thành nền tảng vận hành cốt lõi cho kỷ nguyên AI – nơi dữ liệu không chỉ được lưu trữ mà còn được xử lý, học hỏi và ra quyết định gần như tức thời. Trong bối cảnh đó, bài toán hạ tầng đang được định nghĩa lại.

Theo ông Lê Bá Tân, Giám đốc Viettel IDC, Việt Nam đang sở hữu một lợi thế đáng kể về mặt chi phí và tốc độ phát triển trung tâm dữ liệu.

Ông Lê Bá Tân, Giám đốc Viettel IDC. Ảnh: CH

Ông Lê Bá Tân, Giám đốc Viettel IDC. Ảnh: CH

“Việt Nam hiện có 14 trung tâm dữ liệu chính, nắm giữ 49% thị phần co-location trong nước, với mức đầu tư trung bình chỉ khoảng 6,5 triệu USD mỗi trung tâm – thấp hơn từ 20 đến 40% so với mặt bằng khu vực”, ông Tân chia sẻ.

Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng giúp các doanh nghiệp trong nước cũng như quốc tế cân nhắc lựa chọn Việt Nam là điểm đến chiến lược cho các hoạt động tính toán chuyên sâu.

Tuy nhiên, lợi thế về chi phí không còn là yếu tố duy nhất. Theo ông Tân, “Data Center hiện tại không chỉ cần lớn, mà còn phải thông minh, tiết kiệm năng lượng và có khả năng phục hồi nhanh khi gặp sự cố hạ tầng viễn thông”. Điều này xuất phát từ yêu cầu ngày càng cao của các ứng dụng AI thế hệ mới – đòi hỏi độ trễ thấp, hiệu năng cao và tính ổn định gần như tuyệt đối.

Một điểm đáng chú ý được ông Tân nhấn mạnh là sự thiếu hụt trong hệ thống kết nối quốc tế. Hiện tại, Việt Nam mới có 6 tuyến cáp quang kết nối quốc tế (bao gồm cả cáp biển và cáp quang trên đất liền), trong khi con số này tại Singapore là 30 và Malaysia là 22.

Sự chênh lệch này khiến độ trễ khi kết nối ra nước ngoài vẫn còn là một điểm nghẽn đáng kể. “Nếu muốn đón làn sóng đầu tư vào AI và cloud toàn cầu, Việt Nam cần tăng tốc đầu tư hạ tầng viễn thông quốc tế để đảm bảo chất lượng đường truyền, đặc biệt là với các ứng dụng AI yêu cầu phản hồi theo thời gian thực”, ông Tân khuyến nghị.

Không chỉ dừng ở công nghệ, xu hướng “xanh hóa” trung tâm dữ liệu cũng trở thành tiêu chuẩn mới. Viettel IDC hiện đang định hướng phát triển theo chiến lược “Green Data Center – Green Future”, đặt mục tiêu trung hòa carbon (Net-Zero) vào năm 2050.

Đây không chỉ là cam kết với môi trường, mà còn là yêu cầu bắt buộc từ các khách hàng doanh nghiệp quốc tế, đặc biệt là trong các ngành như tài chính, viễn thông và công nghệ, vốn đã bắt đầu đưa các tiêu chí ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) vào hệ thống thẩm định nhà cung cấp.

Nếu AI là động cơ của kỷ nguyên số, thì Data Center chính là kết cấu hạ tầng giao thông của tương lai. Một trung tâm dữ liệu không chỉ phải “mạnh” về hiệu suất mà còn phải “thông minh” về kiến trúc, “xanh” về vận hành và “mở” về kết nối.

Trong bức tranh ấy, Việt Nam đang có tiềm năng rõ rệt để không chỉ là người tham gia, mà còn là điểm trung chuyển dữ liệu và tính toán chiến lược của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Nên xây hay thuê hệ thống AI cho doanh nghiệp?

Lựa chọn mô hình hạ tầng thông minh là chưa đủ. Điều doanh nghiệp cần hơn nữa là một chiến lược đầu tư linh hoạt, phù hợp với tốc độ thay đổi của công nghệ và yêu cầu vận hành thực tế.

Câu hỏi "nên xây hay thuê" hệ thống AI cho doanh nghiệp không còn đơn thuần là vấn đề kỹ thuật, mà đã trở thành một bài toán kinh doanh thực thụ.

Theo ông Tân, bài toán chi phí cho hạ tầng AI đang chuyển dịch theo hướng tối ưu hóa qua mô hình kết hợp, tức Hybrid Cloud.

“Một máy chủ AI hiện nay như NVIDIA H100 có giá khoảng 8–10 tỷ đồng, nhưng vòng đời sử dụng chỉ kéo dài một năm là đã lạc hậu so với các thế hệ GPU mới. Với tốc độ đổi mới như vậy, đầu tư sở hữu hạ tầng đang trở thành một rào cản lớn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ,” ông Tân chỉ rõ.

Không chỉ chi phí phần cứng, doanh nghiệp còn phải đối mặt với chi phí vận hành: điện năng, làm mát, mặt bằng và đội ngũ kỹ thuật quản trị hệ thống.

Lựa chọn xây hoặc thuê hệ thống AI cho doanh nghiệp không còn chỉ là bài toán kỹ thuật mà đã trở thành bài toán kinh doanh thực thụ. Ảnh minh họa: CH

Lựa chọn xây hoặc thuê hệ thống AI cho doanh nghiệp không còn chỉ là bài toán kỹ thuật mà đã trở thành bài toán kinh doanh thực thụ. Ảnh minh họa: CH

Theo báo cáo của BCG, nếu triển khai bài bản, việc thuê hạ tầng từ nhà cung cấp dịch vụ có thể giúp tiết kiệm từ 20% đến 300% tổng chi phí sở hữu (TCO) so với tự xây dựng hệ thống tại chỗ, tùy theo quy mô và mục tiêu khai thác.

Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ dừng ở tiết kiệm chi phí. Việc lựa chọn mô hình Hybrid Cloud – kết hợp giữa trung tâm dữ liệu nội bộ (on-premise) và nền tảng điện toán đám mây công cộng (Public Cloud) – đang được nhiều doanh nghiệp xem là chiến lược trung hòa rủi ro và tối ưu hiệu suất.

Mô hình này cho phép dữ liệu nhạy cảm hoặc có yêu cầu tuân thủ cao được lưu trữ tại chỗ, trong khi các tác vụ đòi hỏi tính co giãn, khả năng mở rộng nhanh như AI training hoặc phân tích quy mô lớn được xử lý trên cloud.

Thực tế tại Viettel IDC cũng cho thấy cách tiếp cận này đang phát huy hiệu quả. Đơn vị đã triển khai dịch vụ thuê GPU qua hạ tầng cloud tích hợp, giúp các tổ chức không cần đầu tư ban đầu lớn nhưng vẫn có thể truy cập công nghệ AI hiện đại ngay lập tức.

Điều này đặc biệt quan trọng trong các giai đoạn thử nghiệm (POC) hoặc phát triển sản phẩm ngắn hạn, nơi mà thời gian và sự linh hoạt là yếu tố quyết định thành công.

Bài toán “xây hay thuê” ngày nay không còn là lựa chọn loại trừ, mà là cách phân bổ tối ưu nguồn lực dựa trên nhu cầu thực tế.

Với chiến lược Hybrid Cloud, doanh nghiệp có thể vừa đảm bảo kiểm soát dữ liệu, vừa tiếp cận được hiệu suất tính toán cao cấp mà không phải trả giá bằng vốn đầu tư khổng lồ. Trong bối cảnh công nghệ AI thay đổi từng quý, sự linh hoạt này có thể chính là yếu tố tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững.

Bộ khung triển khai AI chiến lược cho doanh nghiệp

Nếu hạ tầng dữ liệu là phần cứng của chuyển đổi số, thì khung vận hành và chiến lược triển khai AI chính là phần “mềm” định hình khả năng phát huy hiệu quả công nghệ.

“Chúng ta không thể kỳ vọng AI thay thế hoàn toàn con người nếu nội bộ doanh nghiệp chưa sẵn sàng đồng hành,” ông Nguyễn Đức Toàn – Giám đốc Quốc gia Google Cloud Việt Nam nhấn mạnh tại DCCI Summit 2025 khi giới thiệu một mô hình triển khai AI có tính hệ thống cao, được gọi là khung “3P”: People – Process – Platform.

Theo ông, để AI không chỉ được triển khai mà còn tạo ra giá trị thực tiễn, các doanh nghiệp cần tiếp cận vấn đề theo cách toàn diện, bắt đầu từ con người, quy trình cho đến nền tảng công nghệ.

Khía cạnh đầu tiên, People – con người, là yếu tố mà nhiều doanh nghiệp có xu hướng bỏ qua khi bắt đầu các dự án AI. Muốn AI chủ động, trước hết phải cho nó 'đọc' đúng sách trường doanh nghiệp.”

Điều đó đồng nghĩa với việc lãnh đạo và các cấp quản lý cần được trang bị tư duy dữ liệu, kỹ năng ra quyết định dựa trên AI và hiểu rõ giới hạn cũng như trách nhiệm trong việc ứng dụng công nghệ.

Việc tái đào tạo nhân sự không chỉ dành cho đội ngũ kỹ thuật, mà cả những người trực tiếp vận hành các quy trình kinh doanh – những người sẽ làm việc song hành cùng các AI agent mỗi ngày.

Yếu tố thứ hai là Process – quy trình. Không ít doanh nghiệp bắt đầu triển khai AI nhưng thất bại vì cố gắng áp dụng công nghệ lên những quy trình chưa được chuẩn hóa.

“Bạn không thể giao việc cho AI nếu bản thân bạn chưa biết rõ mình đang làm việc như thế nào,” ông Toàn nói. Các doanh nghiệp cần rà soát và tái cấu trúc quy trình nội bộ, xác định rõ các đầu vào (input), đầu ra (output), các chỉ số hiệu suất (KPI), và mức độ tự động hóa có thể chấp nhận. Chỉ khi các quy trình đủ rõ ràng, AI agent mới có thể học, tự vận hành và cải tiến liên tục mà không tạo ra rủi ro vận hành.

Cuối cùng, Platform – nền tảng, là nơi AI thực sự “sống” và phát triển. Một nền tảng phù hợp không chỉ cần mạnh về công nghệ, mà còn phải mở, linh hoạt và dễ tích hợp với hệ sinh thái công cụ mà doanh nghiệp đang sử dụng.

Theo ông Toàn, các doanh nghiệp nên lựa chọn nền tảng cloud có khả năng hỗ trợ kết nối đa chiều – từ dữ liệu CRM, ERP đến các kênh giao tiếp như email, chatbot hay hệ thống kế toán – để AI agent có thể hoạt động như một phần liền mạch trong bộ máy tổ chức.

Một ví dụ điển hình là Agent Space – giải pháp do Google Cloud và Viettel IDC triển khai – cung cấp hơn 100 đầu nối (connector) với các hệ thống phổ biến như Salesforce, SAP hay Office 365, đồng thời hỗ trợ giám sát tập trung, phân quyền chặt chẽ và tuân thủ các tiêu chuẩn bảo mật quốc tế.

Để tận dụng lợi thế hạ tầng và chiến lược 3P, các nhà quản trị cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý, đồng thời xây dựng lộ trình đầu tư linh hoạt, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và kết nối toàn cầu.

Công Hiếu

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/khi-trung-tam-du-lieu-thong-minh-dan-loi-ai-tu-dong-d39910.html
Zalo