'Tập đoàn' lừa đảo trực tuyến mở rộng từ Đông Nam Á

Báo cáo từ Liên Hợp Quốc cho thấy các tổ chức lừa đảo trực tuyến không ngừng mở rộng ra toàn cầu, vận hành tương tự những doanh nghiệp lớn.

 Lừa đảo trực tuyến nở rộ trên toàn cầu. Ảnh minh họa: Bloomberg.

Lừa đảo trực tuyến nở rộ trên toàn cầu. Ảnh minh họa: Bloomberg.

Liên Hợp Quốc vừa công bố báo cáo về tội phạm xuyên quốc gia tại Đông Á và Đông Nam Á, làm rõ quy mô mạng lưới tội phạm công nghệ cao đang bùng phát tại khu vực.

Những trung tâm lừa đảo kết hợp buôn người và rửa tiền, sử dụng AI, deepfake, blockchain… đang đe dọa an ninh khu vực và toàn cầu. Đáng báo động khi các tổ chức tội phạm liên tục mở rộng quy mô hoạt động, bất chấp nỗ lực truy quét của chính quyền địa phương.

"Hệ sinh thái" lan rộng toàn cầu

Theo Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC), mạng lưới lừa đảo trực tuyến tại Đông Nam Á phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây.

Không còn băng nhóm nhỏ lẻ, các tổ chức đang vận hành như “tập đoàn” thực thụ với cơ sở hạ tầng công nghệ, chuỗi cung ứng, nhân sự nước ngoài. Mối quan hệ địa phương cũng được tận dụng, chủ yếu tại những nơi có pháp luật lỏng lẻo.

“Chúng tôi ghi nhận các tổ chức tội phạm tại Đông Á và Đông Nam Á lan rộng toàn cầu. Điều này phản ánh sự mở rộng tự nhiên khi hoạt động phát triển và nhu cầu tìm địa bàn mới, nhưng cũng là chiến lược phòng ngừa rủi ro trước sự truy quét gia tăng trong khu vực”, Benedikt Hofmann, quyền đại diện khu vực Đông Nam Á – Thái Bình Dương của UNODC, cho biết.

Theo báo cáo, nhiều nhóm tội phạm sử dụng các khu kinh tế đặc biệt (SEZ) hoặc vùng biên giới để đặt trụ sở. Chúng lợi dụng sự lỏng lẻo trong luật pháp để xây dựng trung tâm lừa đảo, cờ bạc trực tuyến và mạng lưới rửa tiền phức tạp.

 "Chuỗi cung ứng" của các tổ chức tội phạm với dịch vụ cờ bạc trực tuyến phi pháp. Ảnh: UNODC.

"Chuỗi cung ứng" của các tổ chức tội phạm với dịch vụ cờ bạc trực tuyến phi pháp. Ảnh: UNODC.

Hofmann mô tả các trung tâm lừa đảo trực tuyến đang “lây lan như ung thư”. Khi cơ quan chức năng phát hiện, chúng chỉ di dời địa bàn sang khu vực khác, không thể giải quyết gốc rễ.

“Về cơ bản, tình trạng trên khiến khu vực này trở thành hệ sinh thái kết nối, được điều hành bởi các tổ chức khai thác tinh vi điểm yếu, gây nguy hại chủ quyền quốc gia”, Hofmann nhấn mạnh.

Tình trạng còn lo ngại hơn khi các tổ chức sử dụng công nghệ mới như AI, blockchain và phần mềm giả giọng. Điều này cho phép lập ra kịch bản lừa đảo mới, tận dụng công nghệ để cải thiện quy trình vận hành, mở rộng kênh rửa tiền.

Đặc biệt nghiêm trọng là vấn nạn cưỡng bức lao động. Hàng nghìn người từ hơn 50 quốc gia bị lừa đến trung tâm lừa đảo thông qua bài viết tuyển dụng. Họ bị giam giữ, đánh đập, tịch thu giấy tờ tùy thân và buộc tham gia hoạt động lừa đảo. Những ai không đạt chỉ tiêu bị đe dọa, tra tấn hoặc bán sang nhóm khác như “tài sản” lưu động.

Hoạt động tội phạm còn phát triển đến mức nhiều tổ chức vận hành theo mô hình BPO (Business Process Outsourcing). Tại Philippines, các tổ chức hợp tác với nhiều công ty toàn cầu để cung cấp dịch vụ tổng đài, IT, thiết kế phần mềm... Chúng được đặt tại các tòa nhà và khu công nghiệp, trở thành “vỏ bọc” cho các hoạt động bất hợp pháp.

Dù không tập trung các băng nhóm quy mô lớn, Việt Nam vẫn ghi nhận nhiều người bị lừa sang trung tâm lừa đảo, phục vụ các hoạt động phía sau như rửa tiền, tuyển dụng, vận hành nền tảng cờ bạc... Dữ liệu của Việt Nam trong báo cáo được đóng góp bởi tổ chức Chống lừa đảo.

Nền tảng quan trọng

Một trong những mắt xích quan trọng của hệ sinh thái tội phạm mạng tại Đông Nam Á là Huione Guarantee. Chủ yếu hoạt động bằng tiếng Trung, đây là nơi trung gian thanh toán và bảo lãnh giao dịch ngầm giữa các nhóm tội phạm.

Theo phân tích từ tổ chức nghiên cứu Elliptic và báo cáo của UNODC, Huione Guarantee được xem là “chợ đen” kỹ thuật số lớn nhất thế giới về giao dịch tài chính phi pháp.

Huione Guarantee thuộc sở hữu của Huione Group, trụ sở tại Phnom Penh (Campuchia). Nền tảng này được giới thiệu là công cụ hỗ trợ thanh toán an toàn giữa người mua và bán. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đây là nơi các băng nhóm tội phạm trao đổi dữ liệu bị đánh cắp, bán phần mềm giả mạo, công cụ AI tạo deepfake...

Dữ liệu cho thấy Huione Guarantee đã xử lý ít nhất 24 tỷ USD tiền mã hóa trong giai đoạn 2021-2024, thông qua ví điện tử liên kết với hàng nghìn kẻ lừa đảo.

 Một "nhà cung cấp" quảng cáo dịch vụ rửa tiền trên Huione Guarantee từ chiêu trò bẫy tình "mổ lợn". Ảnh: Elliptic.

Một "nhà cung cấp" quảng cáo dịch vụ rửa tiền trên Huione Guarantee từ chiêu trò bẫy tình "mổ lợn". Ảnh: Elliptic.

Nền tảng này hoạt động giống như sàn thương mại điện tử cho giới tội phạm mạng, cung cấp nhiều dịch vụ và phần mềm hỗ trợ hoạt động phạm tội. Đáng chú ý khi nhiều dịch vụ được bản địa hóa, giúp giả mạo cảnh sát hoặc nhân viên ngân hàng theo từng quốc gia, sử dụng ngôn ngữ bản địa và AI để tăng độ tin cậy.

Dù tuyên bố tách khỏi Huione Group vào cuối năm 2024 và đổi tên thành Haowang Guarantee, bằng chứng từ các nhà nghiên cứu cho thấy 2 đơn vị vẫn có mối liên hệ chặt chẽ.

Trước đó, bộ phận thanh toán của Huione Group, mang tên Huione Pay, từng công khai hỗ trợ các giao dịch trên Huione Guarantee, nhưng đã lặng lẽ gỡ bỏ thông tin trên website khi bị truyền thông và các tổ chức an ninh mạng chú ý.

Không chỉ kết nối các tổ chức tội phạm tại khu vực Mekong, cơ quan pháp luật còn phát hiện giao dịch liên quan đến Huione trong nhiều vụ án lừa đảo tại Australia, Canada, Nhật Bản, châu Âu...

Thời gian gần đây, Huione cũng phát hành stablecoin, một dạng tiền mã hóa gắn với USD, nhằm né tránh sự kiểm soát của ngân hàng và khó truy vết.

Theo UNODC, hàng trăm trung tâm lừa đảo tạo ra lợi nhuận gần 40 tỷ USD/năm. Hoạt động của chúng không chỉ giới hạn tại châu Á, mà còn lan sang nhiều khu vực. Điều này cho thấy các tổ chức tội phạm mạng đang tăng cường hợp tác, mở rộng quy mô nhanh chóng.

Phúc Thịnh

Nguồn Znews: https://znews.vn/tap-doan-lua-dao-truc-tuyen-mo-rong-tu-dong-nam-a-post1548674.html
Zalo