Khi ngân hàng không chỉ làm tín dụng
Năm 2025, nhiều ngân hàng đẩy mạnh mở rộng hệ sinh thái tài chính thông qua việc mua lại công ty bảo hiểm, chứng khoán, quản lý quỹ nhằm đa dạng hóa nguồn thu.
Thêm mảnh ghép trong hệ sinh thái ngân hàng
Năm 2025 đánh dấu một bước chuyển đáng chú ý trong chiến lược phát triển của nhiều ngân hàng thương mại trong nước: Từ tập trung tăng trưởng tín dụng truyền thống, sang tìm kiếm những "biên lợi nhuận" mới thông qua đầu tư vào hệ sinh thái tài chính, gồm bảo hiểm, quản lý quỹ, công ty đến công nghệ tài chính.

Nhiều ngân hàng đẩy mạnh mở rộng hệ sinh thái tài chính khi mua lại công ty bảo hiểm, chứng khoán, quản lý quỹ nhằm đa dạng hóa nguồn thu. Ảnh minh họa
Techcombank là một ví dụ. Sau cuộc chia tay với đối tác là một doanh nghiệp bảo hiểm lớn, nhà băng này đã tự gây dựng nên “đứa con” bảo hiểm của riêng mình bằng việc góp 80% vốn với các đối tác lập công ty bảo hiểm nhân thọ với vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng có tên gọi Công ty Cổ phần Bảo hiểm Nhân thọ Kỹ thương (TCLife). Theo kế hoạch, trong 2 năm đầu hoạt động, công ty dự kiến ghi nhận khoản lỗ 1.109 tỷ đồng và từ năm thứ 3 dự kiến ghi nhận mức lãi 605 tỷ đồng, năm thứ 4 là 357 tỷ đồng, năm thứ 5 với 597 tỷ đồng và năm thứ 6 mức 845 tỷ đồng. Sau 5 năm TCLife hoạt động, Techcombank dự kiến thu về 1.195 tỷ đồng lợi nhuận, tỷ suất sinh lời tương đương 23,4%. Tổng tài sản của TCLife trong năm đầu là 728 tỷ đồng, sang năm thứ 5 dự kiến lên đến 16.081 tỷ đồng.
Nhấn mạnh vào kế hoạch mở rộng kinh doanh này, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 vào cuối tháng 4 vừa qua, ông Jens Lottner - Tổng Giám đốc Ngân hàng Techcombank - cho biết, nếu không có gì thay đổi, đến cuối năm 2025, Techcombank sẽ giới thiệu ra thị trường các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Mục tiêu của ngân hàng đến năm 2035, sẽ đạt doanh thu bảo hiểm tăng gấp 4 lần so với năm 2024, đạt 84.000 tỷ đồng.
Góp vốn vào công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ đang là mục tiêu trọng tâm năm 2025 của khoảng 10 ngân hàng. Đơn cử, Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) vừa thông qua việc góp vốn, mua cổ phần của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ để gia tăng hệ sinh thái tài chính cho ngân hàng. Sacombank mới đây đã thông qua tờ trình của Hội đồng quản trị về phương án mua công ty chứng khoán để trở thành công ty con của ngân hàng. Dự kiến, nhà băng này sẽ bỏ số vốn đầu tư tối đa 1.500 tỷ đồng và tỷ lệ sở hữu trên 50% khi thương vụ thành công.
Hay SeABank, đại hội cổ đông 2025 vừa diễn ra, các cổ đông của ngân hàng cũng đã thông qua kế hoạch mua cổ phần của Công ty Cổ phần Chứng khoán ASEAN để doanh nghiệp này trở thành công ty con của SeABank.
Một nhà băng khác là VPBank cũng đã chốt phương án góp vốn, nhận chuyển nhượng phần vốn góp hoặc mua cổ phần để một công ty quản lý quỹ trở thành công ty con của ngân hàng. Nhấn mạnh với cổ đông, ông Bùi Hải Quân - Phó Chủ tịch HĐQT - cho biết, để hoàn thiện hệ sinh thái của ngân hàng, việc có thêm công ty bảo hiểm nhân thọ và quản lý quỹ là "hai mảnh ghép" còn thiếu. Bên cạnh đó, việc lập công ty bảo hiểm cũng giúp VPBank chủ động mô hình kinh doanh và chăm sóc khách hàng.
Đánh giá về các kế hoạch mở rộng hệ sinh thái của các ngân hàng, giới chuyên gia tài chính cho rằng, sự dịch chuyển này không có gì bất ngờ bởi sau nhiều năm tăng trưởng theo chiều rộng, hệ thống ngân hàng đang bước vào giai đoạn đòi hỏi phải nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, mở rộng nguồn thu ngoài lãi và gia tăng giá trị vòng đời khách hàng. Việc một số ngân hàng lên kế hoạch mua lại hoặc hợp tác chiến lược với các công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ... chính là những bước đi thể hiện rõ mục tiêu đó.
Tăng “lượng” nhưng đừng quên “chất”
Phát triển thêm các dịch vụ tài chính ngoài dịch vụ lõi là ngân hàng không phải điều mới mẻ. Thực tế hơn 10 năm trở lại đây, sự kết hợp rõ nét nhất trên thị trường tài chính là phân phối bảo hiểm qua ngân hàng với mô hình “bancassurance”. Tuy nhiên, với mô hình này, nhiều ngân hàng có lợi nhuận thu về đáng kể nhưng tai tiếng cũng lắm do áp lực bán chéo sản phẩm để tăng doanh thu đã khiến không ít khách hàng vay vốn phản ứng và cơ quan quản lý phải vào cuộc. Vì thế, thay vì “ăn xổi” bằng phí trả trước lớn từ các hãng bảo hiểm, năm 2025, xu hướng nổi lên là các ngân hàng chủ động nắm quyền chi phối hoặc ít nhất là tham gia điều hành sâu hơn trong các định chế tài chính ngoài ngân hàng, mở rộng hệ sinh thái để hỗ trợ dịch vụ tài chính khép kín. Điều này không chỉ giúp kiểm soát tốt hơn chất lượng sản phẩm, quy trình bán hàng mà còn tận dụng tệp khách hàng sẵn có và đồng bộ hóa dịch vụ.
Tuy nhiên, mặc dù được đánh giá là kênh đầu tư mang lại lợi nhuận tốt nhưng không phải ngân hàng nào cũng vội vàng “vung tiền” mua công ty bảo hiểm hay công ty quản lý quỹ. Thị trường đang chứng kiến sự thận trọng trong lựa chọn đối tác và mô hình hợp tác. Một số ngân hàng đang tập trung vào các thương vụ mà họ có thể nhanh chóng tích hợp hệ thống, tận dụng sẵn nền tảng công nghệ, tệp khách hàng tương đồng. Một số nhà băng khác lại tìm kiếm đối tác để khai thác các thị trường ngách như bảo hiểm sức khỏe kỹ thuật số, quỹ đầu tư ESG, hoặc các mô hình Fintech chuyên biệt.
Những thương vụ “nghìn tỷ” của “làng bank” trong năm nay không chỉ là câu chuyện tài chính đơn thuần. Chúng phản ánh cách mà các ngân hàng định vị vai trò của mình trong nền kinh tế số với tham vọng trở thành tập đoàn tài chính toàn diện, mang đến cho khách hàng đồng thời các giao dịch ngân hàng, đầu tư, bảo hiểm, vay tiêu dùng và quản lý tài sản chỉ qua một ứng dụng duy nhất.
Xu hướng mở rộng hệ sinh thái tài chính của các ngân hàng được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong những năm tới, góp phần vào sự phát triển bền vững của thị trường tài chính Việt Nam. Dù vậy, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, sở hữu thêm công ty con không quá khó với một ngân hàng thương mại. Điều cần làm chính là phát triển lành mạnh, minh bạch, có cơ chế giám sát đủ mạnh để đảm bảo an toàn cho toàn hệ thống ngân hàng.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay, các định chế tài chính trong nước và các ngân hàng đã tham gia sâu vào mảng bảo hiểm, nhất là bảo hiểm nhân thọ, bởi đây là phân khúc còn nhiều tiềm năng trong tương lai. Các công ty bảo hiểm của ngân hàng có thể tận dụng nguồn khách hàng dồi dào trong hệ sinh thái của mình và đối tác để mở rộng thị trường nhằm thúc đẩy doanh thu, lợi nhuận.