Góc khuất bên trong OpenAI sau cơn sốt ChatGPT: Khi danh tiếng vượt trước sự trưởng thành

Karen Hao tiết lộ góc khuất bên trong OpenAI sau khi từ công ty khởi nghiệp nhỏ bé trở thành gã khổng lồ trí tuệ nhân tạo (AI) nhờ ChatGPT gây bão internet toàn cầu.

Karen Hao là tác giả cuốn sách Empire of AI: Dreams and Nightmares in Sam Altman's OpenAI (Đế chế AI: Những giấc mơ và cơn ác mộng trong OpenAI của Sam Altman). Cuốn sách được viết dựa trên các cuộc phỏng vấn với khoảng 260 người và một kho tư liệu đồ sộ gồm thư từ, tài liệu, tin nhắn Slack.

Slack là một nền tảng nhắn tin dành cho công việc, thường được sử dụng trong các công ty để giao tiếp nội bộ giữa các nhóm và cá nhân.

Mọi email, tài liệu hoặc tin nhắn Slack được Karen Hao trích dẫn đều đến từ bản sao, ảnh chụp màn hình hoặc đúng nguyên văn như xuất hiện trong các vụ kiện.

Karen Hao đã liên hệ với tất cả nhân vật, công ty chính được đề cập trong cuốn sách để xin phỏng vấn và lấy ý kiến.

Nổi tiếng thế giới chỉ sau một đêm

Vào tháng 11.2022, tin đồn bắt đầu lan truyền trong nội bộ OpenAI rằng đối thủ Anthropic đang thử nghiệm và sắp tung ra một chatbot AI mới. Nếu không ra mắt chatbot AI trước, OpenAI có nguy cơ đánh mất vị trị dẫn đầu. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần của nhân viên đã làm việc vất vả để duy trì vị thế đó.

Trên thực tế, Anthropic không có kế hoạch phát hành sản phẩm nào trong thời gian ngắn thời điểm đó. Song với các lãnh đạo OpenAI, chỉ cần tin đồn đó cũng đủ để đưa ra quyết định: Công ty sẽ không chờ đợi để hoàn thiện mô hình ngôn ngữ lớn GPT-4 cho ChatGPT. Thay vào đó, họ sẽ tung ra phiên bản GPT-3.5 có khả năng trò chuyện do nhóm của John Schulman (đồng sáng lập OpenAI) phát triển, kết hợp với giao diện hoàn toàn mới từ đội ngũ Superassistant, chỉ hai tuần sau Lễ Tạ ơn.

Lễ Tạ ơn là ngày lễ quan trọng của người Mỹ, được tổ chức vào thứ Năm cuối cùng của tháng 11 hàng năm

Không ai thực sự lường trước được sự thay đổi trong xã hội mà ChatGPT sắp tạo ra. Các lãnh đạo công ty chỉ mong đợi ChatGPT sẽ là hiện tượng nhất thời. Tối trước ngày ra mắt ChatGPT cuối tháng 11.2022, họ còn cá cược xem sẽ có bao nhiêu người dùng thử chatbot AI này vào cuối tuần. Một số đoán là vài nghìn người, số khác đoán vài chục nghìn. Để chắc ăn, đội hạ tầng OpenAI đã chuẩn bị đủ máy chủ cho 100.000 người dùng.

Thứ Tư, ngày 30.11.2022, hầu hết nhân viên OpenAI thậm chí không biết ChatGPT đã được ra mắt. Thế mà ngay ngày hôm sau, số lượng người dùng ChatGPT bắt đầu tăng vọt.

Thành công ngay lập tức và vượt ngoài dự đoán của ChatGPT khiến tất cả thành viên OpenAI phải sững sờ. Các kỹ sư và nhà nghiên cứu của công ty vẫn không hiểu thể nổi lý do vì sao kể cả nhiều năm sau. GPT-3.5 không cải tiến quá nhiều so với GPT-3, phiên bản ra mắt từ hai năm trước, và đã được cung cấp cho các lập trình viên.

Sam Altman sau này thổ lộ rằng ông nghĩ ChatGPT sẽ được ưa chuộng nhưng "ít hơn một bậc về độ phổ biến" so với thực tế.

ChatGPT thành công hơn mong đợi của Sam Altman - Ảnh: FT

ChatGPT thành công hơn mong đợi của Sam Altman - Ảnh: FT

"Thật sốc khi nhiều người thích ChatGPT dù họ đã làm giảm chất lượng thứ mà chúng tôi từng dùng nội bộ và phát hành công khai", một cựu nhân viên OpenAI nhớ lại.

Chỉ trong năm ngày, Greg Brockman (đồng sáng lập kiêm Chủ tịch OpenAI) đã thông báo trên Twitter (hiện là X) rằng ChatGPT đạt mốc 1 triệu người dùng. Hai tháng sau, con số tăng lên 100 triệu, khiến ChatGPT trở thành ứng dụng tiêu dùng tăng trưởng nhanh nhất lịch sử thời điểm đó. ChatGPT đã biến OpenAI từ công ty khởi nghiệp đình đám trong ngành công nghệ thành cái tên nổi tiếng thế giới chỉ sau một đêm.

Áp lực đẩy căng thẳng nội bộ lên cao, số lượng nhân viên mới tăng vọt ngoài dự kiến

Tuy nhiên, chính thành công vang dội đó lại gây áp lực lên công ty, làm phân hóa các nhóm nội bộ ngày càng sâu sắc hơn chỉ sau 1 năm, đẩy căng thẳng trong tổ chức lên đến mức bùng nổ.

Khi ấy, OpenAI chỉ có khoảng 300 nhân viên. Do mỗi nhóm bị quá tải nghiêm trọng, các nhà quản lý liên tục đề xuất Sam Altman bổ sung nhân sự.

Ứng viên thì không thiếu. Sau khi ChatGPT gây sốt, số người muốn gia nhập OpenAI tăng đột biến. Thế nhưng, Sam Altman lo ngại việc mở rộng nhân sự quá nhanh sẽ phá vỡ văn hóa và định hướng sứ mệnh của công ty. Doanh nhân người Mỹ sinh năm 1985 kiên quyết duy trì một đội ngũ nhỏ nhưng tinh nhuệ.

Trong bản ghi nhớ năm 2020, ông viết: "Giờ đây, rất dễ bị cám dỗ để mở rộng quy mô tổ chức thật lớn. Chúng ta nên cố gắng hết sức để chống lại điều này. Những gì hiệu quả với chúng ta đến nay là sự nhỏ gọn, tập trung, tin tưởng cao, ít rườm rà và làm việc với cường độ cao. Việc có quá nhiều người và thủ tục quan liêu có thể giết chết ý tưởng hay hoặc khiến bộ máy trở nên trì trệ".

Sam Altman vẫn lặp lại điều đó với các lãnh đạo khác của OpenAI cuối năm 2022, nhấn mạnh trong các cuộc họp nhân sự rằng cần giữ tổ chức gọn nhẹ, duy trì tiêu chuẩn tuyển dụng cao và chỉ thêm khoảng 100 người. Các lãnh đạo khác phản đối. Khi đội ngũ của họ đang kiệt sức, nhiều người thấy cần phải có khoảng 500 nhân viên mới hoặc thậm chí nhiều hơn nữa.

Sau vài tuần, ban lãnh đạo OpenAI thống nhất về một con số ở giữa mức đó, từ 250 đến 300 nhân viên mới. Mức giới hạn đó nhanh chóng bị phá vỡ. Đến mùa hè, mỗi tuần có tới 30, thậm chí 50 người mới gia nhập OpenAI, gồm cả nhiều nhà tuyển dụng hơn để mở rộng quy mô tuyển nhân viên nhanh hơn nữa. Đến mùa thu, OpenAI đã vượt xa giới hạn tự đặt ra.

"OpenAI là công ty tuyệt vời nhất, nhưng cũng có thể là tồi tệ nhất"

Việc mở rộng đột ngột đã ảnh hưởng đến văn hóa của OpenAI. Một nhân viên tuyển dụng chỉ trích rằng áp lực tuyển người quá nhanh khiến họ phải hạ tiêu chuẩn chất lượng nhân tài.

"Nếu muốn biến công ty này thành Meta (chủ sở hữu Facebook – PV) thì ông đang làm rất tốt đấy", nhân viên này mỉa mai Sam Altman, ám chỉ đúng nỗi lo mà giám đốc điều hành OpenAI từng cảnh báo.

Việc mở rộng nhanh cũng kéo theo làn sóng sa thải. Một nhà quản lý mới nhận việc được hướng dẫn ghi lại nhanh hiệu suất kém của bất kỳ thành viên nhóm mình, nhưng chính anh cũng bị sa thải sau đó không lâu.

Các cuộc sa thải hiếm khi được thông báo công khai. Nhân viên chỉ phát hiện rằng khi tài khoản Slack của ai đó có màu xám, nghĩa là đã mất việc.

Số lượng nhân viên tăng đột ngột đã ảnh hưởng đến văn hóa của OpenAI - Ảnh: Insider

Số lượng nhân viên tăng đột ngột đã ảnh hưởng đến văn hóa của OpenAI - Ảnh: Insider

Với những nhân viên mới, bị cuốn theo niềm tin rằng đang gia nhập công ty khởi nghiệp đang bùng nổ và hái ra tiền, tình trạng hỗn loạn này mang dáng dấp của những vấn đề doanh nghiệp điển hình: Quản lý kém, ưu tiên khó hiểu và sự tàn nhẫn của một công ty sẵn sàng đối xử với nhân viên như những người có thể bị thay thế.

"Cảm giác an toàn về tâm lý gần như không tồn tại", một cựu nhân viên OpenAI gia nhập thời kỳ đó thổ lộ. Nhiều người chỉ cố trụ đến ngày hoàn thành 1 năm làm việc ở OpenAI để nhận được cổ phần. Song, điểm sáng là họ vẫn tin rằng đồng nghiệp của mình thuộc hàng xuất sắc nhất trong ngành AI, OpenAI sở hữu nguồn lực dồi dào và tầm ảnh hưởng toàn cầu, có thể tạo nên phép màu hiếm thấy nếu nội bộ hòa hợp.

"OpenAI là nơi tuyệt vời nhất, nhưng cũng có thể là tồi tệ nhất mà tôi từng làm việc", cựu nhân viên này nói.

"Mọi thứ luôn rất hỗn loạn"

Với một số nhân viên từng gắn bó từ những ngày đầu khi OpenAI còn là tổ chức phi lợi nhuận nhỏ gọn và có sứ mệnh rõ ràng, sự biến chuyển thành một tập đoàn vô hồn là điều gây sốc. Tổ chức mà họ từng biết đã không còn, thay vào đó là một thứ hoàn toàn xa lạ. "OpenAI giống Burning Man", Rob Mallery, cựu tuyển dụng viên nhận xét, ám chỉ lễ hội nghệ thuật sa mạc đã phát triển đến mức đánh mất tinh thần ban đầu.

"Tôi biết OpenAI có ý nghĩa nhiều hơn với những người có mặt từ đầu so với những người bây giờ", Rob Mallery nói.

Những năm đầu, OpenAI từng tạo một kênh Slack tên là #explainlikeimfive cho phép nhân viên hỏi ẩn danh về các chủ đề kỹ thuật. Khi số nhân viên OpenAI tăng đến gần 600, kênh này cũng trở thành nơi bày tỏ bất mãn ẩn danh.

Giữa năm 2023, một nhân viên viết rằng công ty đang tuyển quá nhiều người không thật sự đồng điệu với sứ mệnh hoặc đam mê phát triển AI tổng quát (AGI) - các hệ thống được cho có thể sánh ngang hoặc vượt qua khả năng của con người.

Một người khác phản hồi: "Tôi biết OpenAI bắt đầu xuống dốc từ lúc họ tuyển những người có thể nhìn thẳng vào mắt bạn". Câu này ám chỉ khi công ty bắt đầu tuyển người quá bình thường, không còn là nơi của những thiên tài lập dị, là lúc mọi thứ bắt đầu xuống dốc.

Khi OpenAI chuyên nghiệp hóa nhanh chóng và bị soi xét nhiều hơn, sự thiếu thống nhất ở cấp lãnh đạo ngày càng gây hậu quả. Công ty không còn hai nhánh Ứng dụng và Nghiên cứu, mà có các phòng ban đối ngoại, gồm đội truyền thông, đội pháp lý xử lý ngày càng nhiều vụ kiện, đội chính sách trải rộng khắp các châu lục.

OpenAI ngày càng cần một tiếng nói và thông điệp thống nhất để giao tiếp với thế giới. Song nhiều lần, thiếu định hướng chiến lược khiến việc truyền thông đến công chúng gây nhầm lẫn.

Cuối năm 2023, tờ The New York Times kiện OpenAI và Microsoft vì vi phạm bản quyền khi dùng hàng triệu bài viết của họ để huấn luyện mô hình AI. Phản hồi của OpenAI vào tháng 1, do đội pháp lý soạn thảo, mang giọng điệu phản công hiếm thấy, cáo buộc The New York Times "cố tình thao túng mô hình AI của chúng tôi" để tạo bằng chứng cho lập luận của họ. Cùng tuần đó, đội chính sách của OpenAI gửi bản điều trần đến Ủy ban Truyền thông và Kỹ thuật số của Thượng viện Anh, tuyên bố rằng sẽ là "bất khả thi" nếu không dùng nội dung có bản quyền để huấn luyện mô hình AI tiên tiến. Sau khi truyền thông tập trung vào từ "bất khả thi", OpenAI đã vội vàng rút lại ngôn ngữ này.

"Mọi thứ luôn rất hỗn loạn", một nhân viên thuộc phòng ban đối ngoại tiết lộ. Dù một phần trong số đó phản ánh những khó khăn thường gặp khi khởi nghiệp, OpenAI đã có tầm ảnh hưởng vượt xa giai đoạn chưa trưởng thành hoàn toàn.

"Tôi không biết liệu có chiến lược ưu tiên nào ở cấp lãnh đạo không nữa. Thành thật mà nói, tôi nghĩ mỗi người tự quyết. Rồi đột nhiên nó trông giống một quyết định chiến lược, nhưng thực ra chỉ là sự tình cờ. Đôi khi chẳng có kế hoạch nào cả mà chỉ là hỗn loạn", nhân viên này cho biết thêm.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/goc-khuat-ben-trong-openai-sau-con-sot-chatgpt-khi-danh-tieng-vuot-truoc-su-truong-thanh-232821.html
Zalo