Thương mại Mỹ - Trung nguội lạnh, cảng biển lớn vẫn vắng hàng

Dù Mỹ - Trung tạm hoãn áp thuế, thương mại tại cảng Los Angeles và Long Beach vẫn trầm lắng. Nhập khẩu giảm, tàu ít cập bến, bán lẻ Mỹ đối mặt giá cao và nguy cơ thiếu hàng.

Quang cảnh cảng Long Beach ở California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Quang cảnh cảng Long Beach ở California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Mặc dù Mỹ và Trung Quốc mới đây đạt được thỏa thuận tạm thời giảm mạnh mức thuế áp dụng đối với hàng hóa của nhau sau cuộc đàm phán cấp cao 2 ngày ở Geneva, Thụy Sĩ, nhưng hoạt động thương mại tại hai cảng biển nhộn nhịp nhất nước Mỹ là Los Angeles và Long Beach vẫn chưa cho thấy dấu hiệu phục hồi đáng kể.

Tại cuộc họp báo ngày 19/5, Giám đốc điều hành Cảng Los Angeles, ông Gene Seroka cho biết cảng này không kỳ vọng có sự bùng nổ hàng nhập khẩu trong thời gian thỏa thuận tạm hoãn thuế giữa Mỹ và Trung Quốc còn hiệu lực. Ông Seroka nói: “Sẽ chỉ có một chút gia tăng lượng đặt hàng từ châu Á”, song chủ yếu là hàng được sản xuất và được đặt trước khi Mỹ hồi đầu tháng 4 tuyên bố áp mức thuế 145% đối với hàng hóa nhập từ Trung Quốc.

Cảng Los Angeles và cảng gần đó là Long Beach chiếm khoảng 31% tổng lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển của Mỹ. Hoạt động vận chuyển tại hai cảng này không chỉ đóng vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn là chỉ báo quan trọng về "sức khỏe" thương mại của nền kinh tế Mỹ. Hai cảng này xử lý đủ loại hàng hóa từ đồ chơi, quần áo và phụ tùng ô tô nhập khẩu đến xuất khẩu bông thô, vật nuôi và thức ăn chăn nuôi.

Quang cảnh cảng Los Angeles ở California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Quang cảnh cảng Los Angeles ở California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Theo dữ liệu chính thức, trong 15 ngày đầu tháng 5, cảng Los Angeles và cảng Long Beach tiếp nhận 74 tàu container, giảm 11 tàu so với mức trung bình. Ông Seroka dự báo khối lượng hàng nhập khẩu trong cả tháng 5 này sẽ giảm đáng kể, sau khi ghi nhận mức giảm hơn 30% trong tuần đầu tiên của tháng. Còn Giám đốc điều hành Cảng Long Beach, ông Mario Cordero, ước tính mức sụt giảm lượng tàu container cập cảng này trong tháng 5 là trên 10%.

Tình trạng sụt giảm thương mại còn tác động rõ nét tới các nhà bán lẻ lớn như Walmart, tập đoàn bán lẻ lớn nhất của Mỹ đồng thời là đơn vị chiếm tỷ trọng vận chuyển hàng hóa container lớn nhất cả nước.

Theo thông báo mới nhất, Walmart sẽ tăng giá bán lẻ từ cuối tháng 5 nhằm bù đắp chi phí thuế, đồng thời cắt giảm đơn đặt hàng đối với các mặt hàng người tiêu dùng không sẵn sàng trả giá cao hơn.

Theo lãnh đạo các cảng nói trên, điều này đồng nghĩa với nguy cơ giảm lựa chọn hàng hóa trên kệ siêu thị, thiếu linh kiện sản xuất và ảnh hưởng đến việc làm tại các nhà máy Mỹ.

Theo dữ liệu của trung tâm nghiên cứu chính sách Budget Lab (thuộc Đại học Yale của Mỹ), người tiêu dùng nước này hiện đang phải gánh mức thuế nhập khẩu trung bình 17,8% và đây là mức cao nhất kể từ năm 1934.

Lan Anh - Nguyễn Hà/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thuong-mai-my-trung-nguoi-lanh-cang-bien-lon-van-vang-hang/374273.html
Zalo