Trên 'cánh đồng rác'...
Ở bãi rác có gì không? Có mùi rác và có cả 'mùi' tiền. Nói vậy, bởi rác tưởng như là thứ đã bỏ đi nhưng không, chính rác đã giúp một bộ phận người lao động biết kiếm tiền... trên rác. Họ, từng ngày cào rác, bới rác để... mưu sinh. Ở bãi rác Đông Nam, xã Đông Nam (TP Thanh Hóa) đã có hàng chục con người như thế...

Khó nhọc trên "cánh đồng rác" và thành quả sau một ngày làm việc.
1. Hàng chục là còn ít, có thời gian lên tới cả trăm người. Hiện ở bãi rác, phần lớn là người trên 50 tuổi, trước đây có cả thanh niên. “Nghề” vất vả quá nên nhiều người đã bỏ đi làm việc khác. Ở ô rác thứ 7 này, người trong “nghề” chủ yếu ở thôn Hạnh Phúc Đoàn, xã Đông Nam. Và họ, như chia sẻ của ông Lê Cao Thắng, Chủ tịch UBND xã Đông Nam thì dù không phải hộ nghèo, thậm chí trong số đó có một vài người gia đình rất ổn định về kinh tế nhưng vẫn đi bới rác vì họ coi đó như một thứ nghề.
Một thứ nghề chân chính. Chắc chắn rồi. Ấy vậy, vẫn có người cảm thấy ngại khi nói chuyện “nghề” như có ai đó đã buông thõng một câu, rằng: “chẳng còn nghề gì làm mới phải vào đây”.

Khó nhọc trên "cánh đồng rác" và thành quả sau một ngày làm việc.
“Nghề” bới rác hay móc rác với dụng cụ găng tay, liềm, giày ủng. Kể cũng lạ, phần lớn những lao động ở đây chẳng mấy ai phải mua găng tay hay giày ủng vì những món đồ này, họ thường xuyên nhặt được ở bãi rác. Như mới đây, bà Oanh cũng vừa “chạm” được một đôi ủng dường như hãy còn mới. Còn đôi găng tay thì cũng mới “lượm” được cách đây khoảng mươi ngày.
2. “Nghề” khó không? Không khó. Chỉ cần phập cái liềm vào túi rác và móc rác ra để tìm kiếm “sản phẩm”, coi như đã cơ bản xong một công đoạn. Sản phẩm ở bãi rác khá đa dạng là giấy vụn, vỏ chai, vỏ lon, nhựa,... nhưng nhiều nhất vẫn là bao bì xác rắn.
Ở ô rác thứ 7 với diện tích 18.000m2 này, mỗi ngày tiếp nhận 400 tấn rác thải sinh hoạt của toàn bộ khu vực TP Thanh Hóa và một số xã của huyện Quảng Xương. Vậy nên, trên “cánh đồng rác”, khoảng 60 con người làm công việc bới, móc rác, xem ra vẫn còn “khiêm tốn”. Trong khi đó, công việc lại được phân chia theo tổ. Cứ mỗi tổ có mặt ở bãi rác 10 ngày trong tháng. Như vậy, 1 lao động cũng chỉ làm việc 10/30 ngày. Mỗi ngày, tổ bảo vệ của Xí nghiệp xử lý môi trường thuộc Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa lại làm nhiệm vụ “điểm danh” các tổ “thu gom” phế liệu này. Sở dĩ có sự phân chia tổ và “điểm danh” để phòng, tránh trường hợp số người trong tổ vượt quá quy định sẽ ảnh hưởng đến an toàn lao động.
3. 200 - 300 nghìn đồng/ngày là thành quả lao động của 1 người thu gom phế liệu trên “cánh đồng rác”. Thậm chí, hôm nào may mắn thì lên 400 nghìn đồng. Nếu làm việc trong 10 ngày sẽ có số tiền khoảng 2 - 3 triệu đồng. Nhưng với số tiền từ bới rác, móc rác ấy, thực tế cũng đã giúp họ có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Tất nhiên, ngoài công việc ở “cánh đồng rác” thì thời gian còn lại, họ tiếp tục với đồng áng, chăn nuôi... Với người đã gắn bó “nghề” hơn 10 năm tại bãi rác này như bà Huê thì phơi phới niềm lạc quan, rằng: “Chỉ cần kiên trì, chịu khó là có thể “bơi” trong rác mà không thấy chán. Bảo chúng tôi “bám” vào rác để kiếm tiền cũng đúng. Đấy, tý nữa chủ phế liệu vào thu mua, lại trả tiền tươi và ngay. “Bám rác” mà để tạo ra tiền từ sự lao động chân chính thì khó, khổ mấy cũng làm”.

Khó nhọc trên "cánh đồng rác" và thành quả sau một ngày làm việc.
Ngoài bới rác, móc rác để tìm phế liệu thì còn may mắn nào nữa không, trên “cánh đồng rác” này? Tất nhiên là có. Có người nhặt được cả vàng, cả tiền như bà Vây, ông Vẩy... Bà Vây bảo: “Có lần, tôi bới trúng một tập phong bì đám cưới với tổng 3 triệu đồng hay lần khác là một chiếc ví, bên trong có 13 triệu... Vừa mừng vừa run vì không hình dung được lại nhặt được số tiền lớn thế...”.
Ấy thế mà, cũng có chuyện cười ra nước mắt, như sáng nay, ông Mùi phát liềm vào một bọc rác, bới ra thì có một cái xu-chiêng (áo nịt ngực phụ nữ). Ông Mùi giơ cao cái xu-chiêng rồi nói lớn: “Các bà ai có nhu cầu, cứ nói, tôi để lại cho giá rẻ”. Giữa nồng nặc mùi hôi thối của rác, bỗng sằng sặc những tiếng cười...
4. Chuyện “nghề” ở bãi rác, cũng chẳng thể tránh những phút chạnh lòng nhưng những người làm “nghề” ai cũng cho đó là bình thường. Ủng đi dưới chân nhưng thủy tinh thậm chí là đinh xuyên thấu chân hay giữa ruồi nhặng và đủ thứ mùi của rác, mọi người vẫn bình thản ngồi ăn cơm, tất cả cũng chỉ là “chuyện thường ngày ở... ô rác số 7”.

Khó nhọc trên "cánh đồng rác" và thành quả sau một ngày làm việc.
Tôi biết, sự xuất hiện của tôi ở bãi rác này đã khiến nhiều người không vui, thậm chí khó chịu. Âu cũng là điều dễ hiểu. Tâm lý của một số người ngại bị phơi bày trần trụi của một thứ nghề vừa được cho là bẩn, là khổ... Và hơn thế, có những người sợ tôi đến mang bãi rác đi, nếu vậy họ đâu còn cơ hội kiếm tiền trên... rác.
“Lao động là vinh quang, chẳng có gì phải ngại”. Tôi đã nghe ông Vẩy nói như thế trước khi tôi rời bãi rác Đông Nam. Trên “cánh đồng rác”, bới rác, móc rác không chỉ để tìm phế liệu mà chính người của “nghề” cũng đang góp phần trong phân loại rác...
Phải rồi, “lao động là vinh quang”.