Khai thác hiệu quả mùa du lịch Tết
Theo số liệu thống kê của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), dịp nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ngành du lịch cả nước đón khoảng 12,5 triệu lượt khách nội địa, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2024. Cùng với đó, lượng du khách nước ngoài cũng tăng khoảng 30%. Du khách tăng, chi tiêu 'mạnh tay' đã giúp 8 địa phương (tăng 5 địa phương so với năm trước) có doanh thu từ du lịch vượt 1.000 tỷ đồng chỉ trong 9 ngày nghỉ Tết.
Những con số nêu trên đã cho thấy, xu hướng người dân ngày càng ưa chuộng đi du lịch vào dịp Tết và dịp Tết đã thực sự trở thành một mùa du lịch không kém cao điểm du lịch hè.
Để phát triển ngành “công nghiệp không khói”, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, rất cần các giải pháp để thúc đẩy và khai thác hiệu quả mùa du lịch Tết.
Tuy nhiên, muốn đi du lịch thì phải có thời gian. Vì vậy, trước hết, lịch nghỉ Tết Nguyên đán hằng năm cần được tính toán, bố trí khoa học, hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động du lịch, dịch vụ.
Bên cạnh yếu tố thời gian, du lịch Tết cũng không thể phát triển nếu tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông, thiếu hoặc quá tải cơ sở lưu trú chất lượng, giá vé máy bay tăng cao và nạn “chặt chém” du khách-vốn là những vấn đề “đến hẹn lại lên” mỗi khi Tết đến, xuân về-không được giải quyết triệt để.
Để du khách hài lòng và mong muốn được quay trở lại, ngành du lịch và các địa phương cũng cần thiết kế các tour gắn với phong tục đón Tết cổ truyền, đồng thời mang đậm bản sắc văn hóa, làm nổi bật nét đẹp riêng có của mỗi dân tộc, vùng, miền, tránh tình trạng “hòa tan” hoặc làm mất đi bản sắc của mỗi vùng, miền như đã từng diễn ra.