Giữ 'hồn' thư pháp (Bài 1): Ước vọng đầu xuân gửi vào... thư pháp

Phong tục khai bút, xin chữ đầu xuân đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu trong những ngày đầu năm mới. Những nét chữ 'phượng múa rồng bay' của thầy đồ, chứa đựng ước vọng về năm mới nhiều thuận lợi, may mắn và bình an cho mọi người.

“Thầy đồ” cho chữ tại Lễ hội thư pháp Xuân Ất Tỵ 2025 tại TP Thanh Hóa.

“Thầy đồ” cho chữ tại Lễ hội thư pháp Xuân Ất Tỵ 2025 tại TP Thanh Hóa.

Mùa tết - mùa của yêu thương và sum vầy, là một “đại tiệc” sinh hoạt văn hóa, là nơi lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của mỗi miền quê và của cả dân tộc. Đầu xuân cho chữ là một mỹ tục truyền thống của người Việt.

Tương truyền, tục cho chữ xuất phát từ xa xưa, là thú chơi tao nhã của những nhà nho, thi sĩ viết chữ tặng nhau những khi tết đến, xuân về. Hay vào những dịp hội hè, khai trương, đình đám, họ ra câu đối để đối đáp nhau, làm thơ vịnh phú. Khi muốn xin chữ, thường người ta tìm đến những người hay chữ, học rộng biết nhiều, là người sống tu dưỡng đạo đức, được mọi người kính trọng. Để giữ lễ, người xin chữ chuẩn bị một lễ nhỏ (thường là cau trầu, chè thuốc) đến nhà thầy đồ, người xin chữ được thầy đồ xem xét tâm tư nguyện vọng và gia cảnh mà cho chữ thích hợp, mỗi chữ viết ra bằng cả Trí - Thần - Lực của thầy đồ nên ngoài ý nghĩa, còn là tác phẩm nghệ thuật thư pháp.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hữu Ngôn cho biết: "Từ xa xưa, thói quen xin chữ và cho chữ vào những ngày đầu năm mới của người Việt được coi là điều thiêng liêng, một việc quan trọng của gia đình. Điều đó đã trở thành nét đẹp trong văn hóa của các dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam từ nhiều thế kỷ, ngày nay nét đẹp này vẫn được nối tiếp, thừa kế và gìn giữ. Với người dân Việt Nam, sự hiện diện của thầy đồ, cùng với câu đối đỏ, cây nêu... là nét văn hóa đặc trưng để nhận diện tết. Thầy đồ là người giàu có về chữ nghĩa, trí tuệ. Đầu xuân, thầy cho lộc con chữ, lộc trí tuệ để khơi dậy khát vọng học hành, tiến tới, đặc biệt là lời chúc thành công trên con đường học tập. Và lời chúc đó không phải là “lời nói gió bay” mà được gìn giữ trên giấy đỏ, treo ở vị trí trang trọng trong nhà, để mỗi lần gia chủ nhìn thấy như một lời nhắc nhở, trở thành động lực phấn đấu trong một năm”.

Học sinh vui mừng nhận những con chữ may mắn đầu xuân.

Học sinh vui mừng nhận những con chữ may mắn đầu xuân.

Thư pháp thường được các thầy đồ viết trên nền giấy đỏ, bởi màu đỏ vốn là màu rực rỡ nhất và theo quan niệm của người phương Đông, màu đỏ là màu của sự sống và sự tái sinh, là biểu tượng của sự may mắn. Bởi vậy, những đồ dùng, vật dụng trong ngày tết thường có màu đỏ, như màu của hoa đào, câu đối, phong bao mừng tuổi, áo dài... Chữ xin được thể hiện lời chúc của người viết hoặc mong muốn của người xin. Thường người lớn thích xin các chữ “Phúc”, “Lộc”, “Thọ”... cầu mong sự bình yên cho gia đình con cháu. Người đi học thường xin chữ “Trí”, “Tài”, “Nhẫn”, “Đăng khoa”... Người buôn bán, kinh doanh xin chữ “Hưng”, “Thịnh”, “Phát”... Người thành đạt xin chữ “Nhẫn” để cầu tỉnh táo, “Công thành danh toại” để thăng quan, tiến chức. Người trung niên xin chữ “Tâm”, “Đức”... Nhiều câu thơ hay, nhiều ý tứ đẹp cũng được nhiều người ưa chuộng như các câu châm ngôn về mối quan hệ gia đình, về quan hệ xã hội như: “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, “Nước biển mênh mông không sánh bằng tình mẹ. Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha”... Người xin - cho chữ có thể là thư pháp Việt hoặc thư pháp Hán, tùy sở thích của mỗi người.

Ngày nay, chữ xin còn mang ý nghĩa trang trí cho ngôi nhà thêm phần sinh khí mới, thể hiện ước vọng của chủ nhà về một năm mới bình an, thuận lợi và may mắn.

Theo bà Trần Thị Liên, nhà nghiên cứu văn hóa, cho biết: “Các thư pháp gia quan niệm “Nhất tự thiên kim” (một chữ đáng giá nghìn vàng) “cho bạc, cho vàng không bằng chỉ nẻo, chỉ đàng cho đi”. Xin chữ cũng chính là xin nẻo, xin đàng đi đúng hướng để công thành, danh toại. Người cho chữ cũng phải có tâm và có tầm, hiểu được ý nghĩa của từng con chữ mới có thể chỉ đúng đường, đúng lối cho người xin chữ đạt được ước nguyện. Tục xin chữ - cho chữ bắt nguồn từ những người hiếu học, trân trọng nét chữ đẹp, nên ngày xuân xin chữ như một thứ phúc lộc may mắn, giỏi giang".

Theo các nhà nghiên cứu thì thư pháp chữ Việt được bắt đầu khoảng vài chục năm gần đây. Thư pháp chữ Việt là sự sáng tạo mang âm hưởng nguồn cội, là sự nối tiếp và kế thừa của thư pháp truyền thống. Hình thức trình bày, bố cục tương tự như thư pháp chữ Hán: Màu đen của mực tương phản với màu nền duy nhất, chữ quốc ngữ được bố trí trong khối tròn hoặc vuông, nội dung tư tưởng vẫn xoay quanh tư tưởng đạo đức nhân văn, từ những câu đối, lời hay ý đẹp...

Tại Thanh Hóa, những năm gần đây, ngày càng có nhiều người, nhất là những người trẻ quan tâm đến nghệ thuật thư pháp, trong đó chủ yếu là thư pháp chữ Việt. Họ tìm học thư pháp để tĩnh tâm, có thêm một kỹ năng, một nghề... nhưng tựu trung điều họ mong muốn là giữ gìn và lan tỏa vẻ đẹp của tiếng Việt. Với họ, nét chữ không chỉ truyền tải ngôn ngữ, mà còn là dấu ấn truyền thống và văn hóa của người dân Việt Nam. Bởi vậy, bằng sự sáng tạo, cái nhìn mới mẻ, cách thể hiện ấn tượng, họ đã và đang lan tỏa vẻ đẹp thư pháp chữ Việt ra cộng đồng và thế giới.

Những ước vọng đầu xuân được gửi vào những câu đối, câu chúc, lời hay ý đẹp bằng mực tàu trên giấy đỏ được viết bằng thư pháp là món quà tinh thần chào đón năm mới ý nghĩa. Đồng thời, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật thư pháp Việt Nam.

Bài và ảnh: Phan Vân

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/giu-hon-thu-phap-bai-1-nbsp-uoc-vong-dau-xuan-gui-vao-thu-phap-35398.htm
Zalo