Khắc phục tình trạng manh mún, tự phát trong phát triển du lịch nông nghiệp
Được đánh giá là lĩnh vực giàu tiềm năng, song các hoạt động du lịch nông nghiệp còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún. Sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng về thương hiệu… Tất cả những bất cập này cần sớm được khắc phục để nâng cao giá trị du lịch nông nghiệp…
Cơ hội cho kinh tế nông thôn bứt phá…
Là đất nước với hơn 60% số dân sống ở nông thôn, sở hữu nền sản xuất sinh thái nông nghiệp có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, Việt Nam có lợi thế lớn để phát triển du lịch nông nghiệp. Những cánh đồng lúa, vườn cây ăn quả, làng nghề truyền thống, trang trại, miệt vườn... trải dài từ Bắc vào Nam chính là cơ sở, tiền đề để phát triển du lịch nông nghiệp.
Nhận thức được lợi ích của du lịch nông nghiệp, thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chiến lược, chính sách thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, như Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trong đó giao Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch chủ trì và phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp; Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, đề ra nhiệm vụ là đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và nông thôn, du lịch sinh thái...
Phát huy nền tảng chính sách thông thoáng, thời gian qua, tại nhiều địa phương, các tổ chức, cá nhân đã bắt tay vào đầu tư, khai thác phát triển du lịch nông nghiệp.
Dẫn nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, bà Nguyễn Thị Lan Hương - chuyên gia của Viện cho biết, hầu hết địa phương trong cả nước đều rất quan tâm đến phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, đặc biệt với mô hình farmstay. Nhiều địa phương đã ban hành cơ chế đặc thù, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển loại hình du lịch này.
Do đó, ở những địa phương này đã hình thành một số cơ sở kinh doanh farmstay rất thành công, thu hút lượng khách lớn, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội và du lịch của địa phương.
Hiện nay, trong tổng thu nhập của người dân nông thôn, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 27%, thu nhập từ các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp và dịch vụ chiếm 73%.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Một số chương trình du lịch nông nghiệp điển hình đã trở thành thương hiệu thu hút du khách như: chương trình du lịch mùa lúa chín ở làng cổ Ðường Lâm (Hà Nội); tham quan làng tranh dân gian Ðông Hồ (Bắc Ninh); nông trường Mộc Châu (Sơn La); làng rau Trà Quế (Hội An, Quảng Nam); thưởng ngoạn ruộng bậc thang mùa lúa chín ở Mù Cang Chải (Yên Bái), Sa Pa (Lào Cai); du lịch trải nghiệm vườn rau thủy canh, đồi chè, hoa công nghệ cao ở Đà Lạt (Lâm Đồng); nuôi cấy ngọc trai tại vụng Tùng Sâu (Vịnh Hạ Long); khu đồi trà hoa vàng, ba kích tím ở huyện Ba Chẽ...
Nhiều sản phẩm từ ngành nông nghiệp như thực phẩm, đồ uống, hàng thủ công mỹ nghệ, hoa quả, bánh kẹo... của các vùng, miền đã được sử dụng trong hệ thống các nhà hàng, khách sạn của ngành du lịch.
Phát triển du lịch nông nghiệp đã đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội ngày càng rõ cho nhiều địa phương, doanh nghiệp. Thông qua việc tham gia trực tiếp vào các hoạt động du lịch nông nghiệp, người nông dân đã góp phần tạo nên sự phong phú, hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, đồng thời có mức thu nhập cao hơn so với hoạt động nông nghiệp thuần túy
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình
Theo PGS,TS. Bùi Thị Nga (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), việc phát triển du lịch nông nghiệp giúp người nông dân chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp kết hợp giải trí, trải nghiệm, mang lại hiệu quả cao cho cả hai ngành nông nghiệp và du lịch. Đặc biệt, khi đời sống người dân được nâng cao, xu thế họ muốn quay lại ở các vùng nông nghiệp, nông thôn nhiều hơn, thay vì tìm đến các thành phố lớn, gây mất cân đối cơ cấu vùng...
Do đó, “du lịch nông nghiệp sẽ ngày càng trở nên phổ biến và trở thành lĩnh vực nhiều triển vọng, đa lợi ích. Bên cạnh góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, giải quyết đầu ra tại chỗ cho ngành nông nghiệp và góp phần giảm thiểu tình trạng ly hương, thúc đẩy hội nhập và xuất khẩu tại chỗ” – bà Nga cho biết.
Đơn cử như tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy, nhu cầu khách du lịch mong muốn được tham quan trải nghiệm ở khu nông trại miệt vườn tăng đều mỗi năm từ 20 - 30%. Còn tại tỉnh Quảng Nam, mỗi năm du lịch nông nghiệp đón khoảng 300 nghìn lượt khách, chiếm gần 5% tổng lượng khách tham quan du lịch trên địa bàn.
“Các mô hình phát triển du lịch nông nghiệp giúp đem lại thu nhập cao hơn cho bà con nông dân, trở thành một phương thức giảm nghèo, hướng tới phát triển bền vững” - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh cho biết.
Tăng cường liên kết, đồng hành trong phát triển du lịch nông thôn
Thời gian qua, nhiều địa phương đã chú trọng phát triển du lịch nông nghiệp và đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, công tác quy hoạch, phát triển khu, điểm du lịch nông nghiệp ở một số địa phương còn thiếu trọng tâm, trọng điểm và dàn trải. Công tác lựa chọn địa điểm xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp chưa đánh giá đúng tiềm năng lợi thế, tính đặc trưng nên chưa phát huy hiệu quả.
“Điều đáng tiếc là dù giàu tiềm năng, song hoạt động du lịch nông nghiệp tại nhiều nơi vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, trùng lặp, sản phẩm chưa thực sự hấp dẫn du khách” - đại diện Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, các ý kiến cho rằng, một phần là do cơ sở vật chất, hạ tầng cho du lịch nông thôn một số nơi vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của du khách, thiếu đồng bộ; thực trạng giao thông một số nơi (đường vào thôn, bản...) còn hạn chế, vấn đề xử lý nước thải, rác thải còn thiếu và yếu; nhà vệ sinh còn chưa đáp ứng yêu cầu; ở một số nơi vẫn còn thiếu nước sạch…
Sự hợp tác giữa doanh nghiệp lữ hành và các điểm đến cung cấp hoạt động du lịch nông nghiệp còn hạn chế. Việc liên kết phát triển du lịch nông nghiệp giữa các địa phương trong tỉnh và giữa các địa phương trong cả nước chưa được triển khai hiệu quả. Nhiều điểm du lịch nông nghiệp gặp khó khăn trong việc kết nối với doanh nghiệp lữ hành để hoàn thiện, xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp cũng như thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế…
Theo TS. Jackie Ong (Đại học RMIT), mặc dù Việt Nam có nguồn tài nguyên phong phú nhưng ngành du lịch nông nghiệp hiện nay vẫn thiếu tính chuyên nghiệp. Các hoạt động thường diễn ra tự phát ở quy mô nhỏ và thiếu chiến lược thương hiệu.
“Các vấn đề về kết nối đặt ra thách thức khi sự hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch và điểm đến vẫn chưa chặt chẽ. Điều này cản trở tạo ra các sản phẩm du lịch tích hợp và hấp dẫn cả khách trong nước và quốc tế” - TS. Jackie Ong lưu ý.
Trên cơ sở nhận diện rào cản, thách thức, một số giải pháp để phát triển du lịch nông nghiệp ở Việt Nam được các chuyên gia đề xuất như: Quy hoạch, phát triển các địa điểm phù hợp làm khu, điểm du lịch nông nghiệp trên cơ sở đánh giá đúng tiềm năng, lợi thế, tính đặc trưng để phát huy hiệu quả khả năng của từng vùng, địa phương trong cả nước, tránh tình trạng tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, trùng lặp của sản phẩm; nâng cao tính hấp dẫn đối với du khách và góp phần tạo ra thương hiệu du lịch nông nghiệp Việt Nam. Nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng cho du lịch nông thôn để đáp ứng nhu cầu của du khách; cải thiện giao thông ở những nơi chưa thuận lợi; bổ sung hệ thống biển báo điểm du lịch; chú ý cung cấp đủ điện và nước sạch…
PGS,TS Bùi Thị Nga cho rằng, cần cải tiến và không ngừng nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu của du khách để tăng mức chi của du khách đối với sản phẩm du lịch nông nghiệp và các dịch vụ ngoài tour, dịch vụ bổ trợ.
Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp lữ hành và các điểm đến cung cấp hoạt động du lịch nông nghiệp. Thúc đẩy liên kết phát triển du lịch nông nghiệp giữa các địa phương trong tỉnh và giữa các địa phương trong cả nước; tạo điều kiện kết nối điểm với doanh nghiệp lữ hành để hoàn thiện, xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp cũng như thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Nhấn mạnh nông dân là chủ thể của phát triển du lịch nông thôn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh đặt câu hỏi làm thế nào hỗ trợ được người sản xuất khai thác được giá trị du lịch trong hoạt động của sản xuất, bởi “ngoài nhiệm vụ trồng cây gì, nuôi con gì để nâng cao hiệu quả kinh tế thì bây giờ gắn thêm nhiệm vụ là khai thác được du lịch ở trong trang trại”.
Do đó, ông Lê Quốc Thanh đề nghị lực lượng khuyến nông phải cập nhật thêm, ghi nhận thêm, chia sẻ thêm những cái kinh nghiệm của các nhà quản lý, các chuyên gia để mang về ứng dụng ngay trong các hoạt động tại cơ sở. Đồng thời, khuyến nông quốc cần mở những lớp đào tạo những lực lượng khuyến nông am hiểu thêm về kiến thức du lịch nông nghiệp cơ bản để kịp thời hỗ trợ, đồng hành với nông dân trong chuyển đổi sang loại hình dịch vụ mới này.