Lý do mới phát sinh khiến Trung Quốc tạm dừng nhập sầu riêng Thái Lan

Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan cho biết xuất khẩu sầu riêng của nước này sang thị trường Trung Quốc đang gặp trở ngại do một vấn đề mới phát sinh trong quá trình kiểm tra hải quan.

Trong ảnh: Sầu riêng được bày bán tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong ảnh: Sầu riêng được bày bán tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ngày 11/1, tờ Thansettakij dẫn lời nguồn tin từ Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan tiết lộ rằng các trạm kiểm soát hải quan Trung Quốc đang được lệnh kiểm tra chặt chẽ kết quả xét nghiệm chất cơ bản vàng 2 (basic yellow 2) trên các loại trái cây nhập khẩu.

Nguồn tin cho biết rằng Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã yêu cầu các trạm kiểm soát hải quan trên toàn quốc từ chối nhập khẩu sầu riêng Thái Lan nếu không xuất trình được kết quả xét nghiệm. Mới đây, lô sầu riêng Thái Lan xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng khi tới sân bay quốc tế Ngô Vu Nam Ninh (Quảng Tây) đã bị cơ quan chức năng nước này từ chối.

Ông Rapibhat Chandarasrivongs, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan Rapibhat Chandarasrivongs cho biết, vấn đề về chất cơ bản vàng 2 sẽ được đưa ra thảo luận trong cuộc họp do Bộ trưởng Narumon Pinyosinwat của bộ này chủ trì vào ngày 13/1 nhằm tìm kiếm cách thức tháo gỡ để tiếp tục duy trì thương mại giữa Thái Lan và Trung Quốc.

Chất cơ bản vàng 2 hay còn được gọi là chất vàng O có tên hóa học là Auramine O, công thức hóa học là C17H21N3. Auramine O là một loại thuốc nhuộm diarylmethane. Ở dạng tinh khiết, chất nàycó tinh thể màu vàng kim, rất dễ tan trong nước và trong ethanol. Chất cơ bản vàng 2 được dùng trong nhuộm vải, giấy, quét tường và không có khuyến cáo hay được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm. Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố hợp chất hữu cơ này bao gồm các chất gây ung thư nhóm 2B. Cơ quan Ung thư quốc tế (IARC) đã xếp chất này vào hàng gây ung thư nhóm 3, tức là khả năng gây ung thư cao.

Thời gian qua, sầu riêng được đánh giá là loại sản phẩm xuất khẩu đem lại nguồn lợi rất lớn của Thái Lan, chiếm từ 60-70% tổng lượng hoa quả xuất khẩu. Trong đó, Trung Quốc được xác định là thị trường quan trọng bậc nhất của Thái Lan.

Theo tờ SCMP, sầu riêng là loại quả được đông đảo người tiêu dùng ở Trung Quốc đón nhận nồng nhiệt, coi sầu riêng là “vua” của các loại trái cây. Cơn sốt sầu riêng càng trở nên nóng hơn sau khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2022, giúp Trung Quốc dễ dàng nhập khẩu trái cây tươi từ các quốc gia Đông Nam Á, trong đó nguồn cung chính vẫn là Việt Nam và Thái Lan.

Theo Bangkokpost, trong 9 tháng đầu năm 2024, sản lượng xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan sang Trung Quốc đạt gần 755.000 tấn, trị giá 3,73 tỷ USD, sụt giảm 14,1% về lượng và giảm 13,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay, sầu riêng Thái Lan đang gặp phải sự bám đuổi gắt gao đến từ sầu riêng Việt Nam. Ngày 8/1, trang CNBC đưa tin Việt Nam đã trở thành “gã khổng lồ” mới trên thị trường sầu riêng toàn cầu, với giá trị xuất khẩu đạt 3,3 tỷ USD năm 2024.

Vào năm 2023, diện tích trồng sầu riêng tại Thái Lan hiện nay đạt hơn 163.000ha với sản lượng 1,53 triệu tấn/năm. Sầu riêng chiếm 69% tổng số lượng trái cây xuất khẩu của Thái Lan, tương đương hơn 991.557 tấn, trong đó Trung Quốc là thị trường nhập khẩu sầu riêng lớn nhất.

Vừa qua, Cơ quan Xúc tiến kinh tế số Thái Lan (Depa) đã khởi động dự án "sầu riêng kỹ thuật số". Động thái này nhằm giúp người nông dân trồng sầu riêng tại Thái Lan giải quyết những khó khăn trong việc trồng sầu riêng bằng cách sử dụng các ứng dụng để ghi lại, lưu trữ và theo dõi dữ liệu cây trồng, qua đó giúp tăng sản lượng, chất lượng cũng như mức độ tin tưởng của khách hàng vào loại hoa quả "vua" này.

Bình Thanh/Báo Tin tức (Theo Bangkokpost)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/ly-do-moi-phat-sinh-khien-trung-quoc-tam-dung-nhap-sau-rieng-thai-lan-20250112162514473.htm
Zalo