Tổng thống Trump ưu ái Nhật Bản hay 'nước cờ bậc thầy' của Tokyo?

Chắc chắn sẽ không có nhiều ngoại lệ trong những chính sách phục vụ mục tiêu 'nước Mỹ trên hết' của Tổng thống Trump. Cách hành xử khôn khéo của lãnh đạo Nhật Bản thông qua nhiều hoạt động ngoại giao chính thức đã khiến Tokyo phần nào 'thở phào' trước nhiều 'búa thép' của Washington.

Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru tại Nhà Trắng ngày 7/2. (Nguồn: Asia News)

Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru tại Nhà Trắng ngày 7/2. (Nguồn: Asia News)

Sự ưu ái với đồng mình Đông Á?

Mới đây, ông Takatoshi Ito, cựu Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản (hiện là Giáo sư tại Khoa Quan hệ quốc tế và công chúng thuộc Đại học Columbia, Giáo sư cao cấp tại Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia sau Đại học ở Tokyo) đã viết một bài bình luận trên tờ Bangkok Post cho rằng, hai nước đồng minh của Mỹ ở Đông Á là Nhật Bản và Hàn Quốc cần chuẩn bị sẵn sàng cho sự thay đổi trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Donald Trump.

Hai tuần đầu tiên trong nhiệm kỳ này của ông Trump được đánh dấu bằng một loạt chỉ thị và sắc lệnh hành pháp.

Sáng kiến của nhà lãnh đạo về việc trục xuất những người nhập cư trái phép dù gây tranh cãi, nhưng đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của công chúng trong nước. Trong khi đó, các hành động khác như nỗ lực mới của ông nhằm mua lại đảo Greenland và giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama, đã làm xôn xao dư luận quốc tế.

Đúng như dự đoán, ông Trump đã đưa ra một loạt mức thuế quan mới. Đáng chú ý nhất là nhà lãnh đạo đã thực hiện các lời đe dọa trong chiến dịch tranh cử của mình và tuyên bố áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trước khi nhậm chức, ông Trump đã đe dọa sẽ áp thuế lên tới 60% đối với hàng hóa Trung Quốc, công bố kế hoạch áp thuế đối với các chất bán dẫn do Đài Loan (Trung Quốc) sản xuất. Những động thái này cho thấy rõ ràng các liên minh địa chính trị không có nhiều ý nghĩa với ông Trump nếu không phục vụ cho lợi ích của nước Mỹ.

Giáo sư Takatoshi Ito cho rằng, điều kỳ lạ là nhà lãnh đạo Mỹ vẫn im lặng về Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đồng minh lớn của Washington ở Đông Á.

Cả hai nước đều có thể sớm thấy những áp lực mới, vì ông Trump đã kêu gọi hai nước này chi nhiều hơn cho quốc phòng kể từ nhiệm kỳ đầu tiên của mình.

Tuy nhiên, hiện tại, việc ông Trump dường như không quan tâm đến Nhật Bản và Hàn Quốc có thể có lợi cho họ.

Theo Giáo sư Takatoshi Ito, đây chắc chắn là một sự "nhẹ nhõm" cho Hàn Quốc khi đang rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị trong nước sau vụ luận tội và bắt giữ cựu Tổng thống Yoon Suk Yeol. Về phần mình, chính phủ Nhật Bản đang hành động thận trọng, tìm cách duy trì mối quan hệ chặt chẽ với ông Trump trong khi cân nhắc các nhượng bộ có thể có để tránh bị áp thuế.

Mọi trạng thái đều có thể thay đổi

Giáo sư Takatoshi Ito gợi lại, trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, Thủ tướng Nhật Bản khi đó là Abe Shinzo đã vun đắp mối quan hệ bền chặt với Tổng thống Mỹ, gắn kết với nhau thông qua môn golf và khẳng định là đồng minh đáng tin cậy tại các diễn đàn quốc tế. Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru hiện nay không có quan hệ cá nhân gần gũi với ông Trump.

Trong nỗ lực gắn kết với chính quyền mới ở Washington, Tokyo đã cử Ngoại trưởng Takeshi Iwaya đến dự lễ nhậm chức của ông Trump. Ngoại trưởng Iwaya đã gặp người đồng cấp Mỹ Marco Rubi.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, hai bên đã thảo luận về các cách tăng cường quan hệ song phương và hợp tác an ninh, bao gồm “những nỗ lực chung chống lại các hành động gây bất ổn" ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, Giáo sư Takatoshi Ito cho rằng, những thủ tục ngoại giao như vậy có thể không đủ để giúp Nhật Bản thoát khỏi các chiến thuật thương mại của ông Trump. Tokyo phải chuẩn bị đưa ra một số nhượng bộ khi ông Trump chuyển sự chú ý sang Đông Á.

Ví dụ, Nhật Bản có thể tăng nhập khẩu khí đá phiến và các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ, giống như Trung Quốc từng làm để xoa dịu căng thẳng thương mại trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Nhật Bản hiện là nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Mỹ và các doanh nghiệp Nhật Bản có thể sẽ vui vẻ tăng cường đầu tư để tạo ra việc làm tại Mỹ.

Theo Giáo sư Takatoshi Ito, mặc dù Nhật Bản và Hàn Quốc cho đến nay vẫn nằm ngoài tầm ngắm của ông Trump, nhưng điều đó có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Các nhà hoạch định chính sách hai nước Đông Á phải sẵn sàng hành động nhanh chóng và có chiến lược để xoa dịu nhà lãnh đạo Mỹ cũng như nắm bắt các cơ hội kinh tế tiềm năng.

Hai bên xác định lại một số điểm then chốt của Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ, coi liên minh hai nước là nền tảng của hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. (Nguồn: Fortune ASIA)

Hai bên xác định lại một số điểm then chốt của Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ, coi liên minh hai nước là nền tảng của hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. (Nguồn: Fortune ASIA)

Chuyến thăm giải tỏa áp lực

Những lo ngại của Giáo sư Takatoshi Ito đã phần nào được giải tỏa trong chuyến thăm tới Mỹ của Thủ tướng Ishiba nhằm củng cố quan hệ đồng minh và thiết lập quan hệ cá nhân với Tổng thống Donald Trump.

Trước chuyến thăm, giới chức Nhật Bản cũng nhấn mạnh Thủ tướng Ishiba muốn hai bên khẳng định bản chất vững chắc của mối quan hệ đồng minh, nhận được sự đảm bảo rõ ràng về liên minh quân sự chung với Mỹ đồng thời nỗ lực thiết lập quan hệ cá nhân với Tổng thống Trump mặc dù sở thích khác nhau. Ông Trump là người đam mê chơi golf trong khi ông Ishiba lại có sở thích sưu tầm các mô hình tàu chiến, máy bay bằng nhựa.

Cuộc gặp thượng đỉnh đã diễn ra tại Nhà trắng vào ngày 8/2 và hai nhà lãnh đạo dành thời gian tổ chức cuộc họp báo chung để công bố kết quả của hội nghị. NHK cho hay, tại hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng, đặc biệt là về hợp tác an ninh.

Hai bên xác định lại một số điểm then chốt của Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ, coi liên minh hai nước là nền tảng của hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhất trí thúc đẩy hợp tác an ninh song phương, tăng cường khả năng răn đe và ứng phó của liên minh.

Báo giới Nhật Bản cũng nêu bật thành công của một trong hai mục tiêu quan trọng nhất tại hội đàm là các thỏa thuận về kinh tế. Theo đó, những lo ngại về chính sách thuế quan của Mỹ đã được giảm thiểu, với việc Tổng thống Trump cho rằng, hai bên có thể nhanh chóng giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại lên tới khoảng 100 tỷ USD thông qua các thỏa thuận mua bán dầu và khí đốt.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Ishiba cũng đã giải thích rõ hơn với Tổng thống Trump về các khoản đầu tư lớn của Nhật Bản tại Mỹ, góp phần tạo ra một lượng lớn việc làm cho người dân nền kinh tế lớn nhất thế giới và bày tỏ mong muốn hai bên sẽ hướng tới xây dựng một mối quan hệ hợp tác phù hợp với lợi ích quốc gia của cả hai nước.

Chắc chắn chuyến thăm thành công tới Mỹ của Thủ tướng Ishiba phần nào giúp Tokyo "thờ phào" trước những quyết định giật gân làm hoang mang cả thế giới, trong đó có sắc lệnh ngày 10/2 áp thuế 25% đối với toàn bộ nhôm và thép nhập khẩu vào nước này. Tuy nhiên, những lời cảnh báo của Giáo sư Takatoshi Ito không vô ích, Nhật Bản vẫn cần một chiến lược ứng phó bài bản với bất kỳ chiến lược nào của ông Trump, kể cả khi đã siết chặt quan hệ đồng minh.

(theo Bangkok Post, NHK)

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tong-thong-trump-uu-ai-nhat-ban-hay-nuoc-co-bac-thay-cua-tokyo-303951.html
Zalo