Hệ thống tên lửa phòng không SIPER: 'Lá chắn bầu trời' đáng tin cậy cho châu Âu
Các hệ thống phòng không như SIPER chứng minh sự tự lực ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ trong công nghệ quốc phòng và khả năng cung cấp giải pháp đáng tin cậy cho việc bảo vệ bầu trời châu Âu.
Thổ Nhĩ Kỳ đang nổi lên là một cường quốc công nghiệp quốc phòng với nhiều sản phẩm phòng thủ tiên tiến và độc đáo để phản ứng với các mối đe dọa khác nhau, bao gồm các hệ thống phòng không tầm xa.
Kể từ khi tham gia "Sáng kiến Lá chắn bầu trời châu Âu" (ESSI) vào tháng 2 năm ngoái, Ankara hiện có thể cung cấp các hệ thống tên lửa phòng không do chính mình sản xuất để nâng cao năng lực của dự án ESSI do Đức dẫn đầu.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ tham gia ESSI đặc biệt đáng chú ý vì vị trí địa lý quan trọng của nước này tại "ngã ba" của châu Âu, châu Á và Trung Đông.
Nằm ở sườn Đông Nam của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp khả năng cảnh báo sớm và phản ứng nhanh cần thiết chống lại các mối đe dọa tên lửa xuất hiện từ các khu vực nhiều xung đột như Trung Đông và Kavkaz, củng cố thế trận an ninh tập thể của NATO.
Ngoài vị thế chiến lược, Thổ Nhĩ Kỳ còn mang đến những đóng góp công nghệ có giá trị cho ESSI.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_296_51451098/1780bdeb88a561fb38b4.jpg)
![Cấu trúc và hoạt động của một khẩu đội phòng thủ tên lửa SIPER. Ảnh: Turkiye Today](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_296_51451098/d4ca61a154efbdb1e4fe.jpg)
Cấu trúc và hoạt động của một khẩu đội phòng thủ tên lửa SIPER. Ảnh: Turkiye Today
![Mục tiêu chính của dự án SIPER là đáp ứng nhu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ đối với các hệ thống phòng không tầm xa. Ảnh: Defence Industry Europe](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_296_51451098/3f638808bd4654180d57.jpg)
Mục tiêu chính của dự án SIPER là đáp ứng nhu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ đối với các hệ thống phòng không tầm xa. Ảnh: Defence Industry Europe
Trong thập kỷ qua, ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã có những bước tiến đáng kể trong việc phát triển các hệ thống phòng không nội địa, tăng cường khả năng hỗ trợ kiến trúc phòng thủ tên lửa của châu Âu.
Với các công ty quốc phòng lớn như Roketsan và Aselsan, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát triển và triển khai thành công một loạt các hệ thống phòng không hiện đại được thiết kế riêng để chống lại các mối đe dọa đang phát triển.
![Thử nghiệm đầu tiên với tên lửa SIPER Block 2 ở Sinop, miền Bắc Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Hurriyet Daily News](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_296_51451098/2dc89ba3aeed47b31efc.jpg)
Thử nghiệm đầu tiên với tên lửa SIPER Block 2 ở Sinop, miền Bắc Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Hurriyet Daily News
![Hệ thống phòng không SIPER có thể khai hỏa các loại tên lửa với tầm bắn từ 100-150 km, nhắm vào mục tiêu ở độ cao lên tới 30 km. Ảnh: Defence Turk X/Twitter](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_296_51451098/0c7fbd14885a6104384b.jpg)
Hệ thống phòng không SIPER có thể khai hỏa các loại tên lửa với tầm bắn từ 100-150 km, nhắm vào mục tiêu ở độ cao lên tới 30 km. Ảnh: Defence Turk X/Twitter
Hệ thống HISAR-A và HISAR-O cung cấp các giải pháp phòng không tầm ngắn và tầm trung có khả năng chống lại các mối đe dọa trên không, bao gồm máy bay có người lái, máy bay không người lái (UAV/drone) và tên lửa.
Trong khi đó, đối với phòng thủ tầm xa, Thổ Nhĩ Kỳ có hệ thống phòng không SIPER, khai hỏa các loại tên lửa SIPER Block 1 và SIPER Block 2 với tầm bắn từ 100-150 km.
Các phiên bản trong tương lai của hệ thống, như SIPER Block 3, dự kiến có thể đạt tầm bắn 180 km, nhắm đến vai trò phòng thủ tên lửa đạn đạo.
Với hệ thống SIPER, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng góp đáng kể vào phòng thủ tên lửa tầm trung và tầm xa trong dự án ESSI của châu Âu.
Ngoài ra, Ankara đã đầu tư vào các giải pháp phòng không tầm cao và nhiều lớp, chẳng hạn như hệ thống Çelik Kubbe ("Steel Dome"), một mạng lưới chỉ huy và kiểm soát tích hợp hoàn toàn được thiết kế để tăng cường phối hợp hoạt động.
Những tiến bộ này chứng minh sự tự lực ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ trong công nghệ quốc phòng và khả năng cung cấp các khả năng tinh vi cho ESSI, củng cố chiến lược phòng thủ tên lửa tổng thể của NATO và hình thành "lá chắn bầu trời" đáng tin cậy cho châu Âu.
Về "Sáng kiến Lá chắn bầu trời châu Âu" (ESSI), đây là một chương trình phòng thủ tên lửa do Đức dẫn đầu và có sự tham gia của nhiều quốc gia châu Âu. ESSI nhằm mục đích tăng cường kiến trúc phòng thủ tên lửa và không quân của châu Âu thông qua việc tích hợp nhiều hệ thống phòng không khác nhau từ các quốc gia tham gia.
Việc bổ sung Thổ Nhĩ Kỳ vào sáng kiến vào tháng 2/2024 đánh dấu sự mở rộng đáng kể về phạm vi địa lý và năng lực hoạt động của ESSI.
Được thiết kế để chống lại nhiều mối đe dọa trên không, bao gồm tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và máy bay không người lái (UAV/drone), ESSI tìm cách tăng cường khả năng răn đe và ứng phó chung của NATO.
Sáng kiến này thúc đẩy khả năng tương tác giữa các hệ thống phòng thủ của châu Âu bằng cách kết hợp các công nghệ hiện có và mới, chẳng hạn như hệ thống phòng không IRIS-T SLM, Patriot và Arrow-3.
Bằng cách hợp nhất nhiều quốc gia châu Âu dưới một "chiếc ô phòng thủ" duy nhất, ESSI không chỉ củng cố khả năng bảo vệ của châu Âu trước các mối đe dọa trên không mà còn hợp lý hóa việc mua sắm quốc phòng, giảm chi phí và tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng đồng minh.
Minh Đức (Theo Army Recognition, TurDef)