IEA đánh giá tác động của lệnh trừng phạt mới của Mỹ với dầu mỏ Nga
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa hạ nhẹ dự báo sản lượng dầu của Nga trong năm nay, dù các lệnh trừng phạt năng lượng từ phương Tây đang được siết chặt. Cơ quan có trụ sở tại Paris này cho rằng Nga sẽ tìm cách né luật để duy trì xuất khẩu.
Khi các lệnh hạn chế của Mỹ đối với hai nhà xuất khẩu dầu lớn của Nga và một phần đáng kể của đội tàu chở dầu "bí mật" của nước này chính thức có hiệu lực vào cuối tháng này, IEA cảnh báo rằng, “những thủ thuật vận chuyển mới nhằm duy trì các hoạt động xuất khẩu, cùng với gián đoạn trong chuỗi cung ứng hàng hải toàn cầu, có thể làm suy yếu hiệu quả của các biện pháp trừng phạt này”.
Theo dự báo mới nhất của IEA, sản lượng dầu của Nga trong năm 2025 sẽ đạt trung bình 9,25 triệu thùng/ngày, chỉ giảm 150.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó.
Chính quyền Biden trước đây đã áp đặt các lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất từ trước đến nay đối với ngành năng lượng Nga hồi đầu tháng 1, nhằm giúp Ukraine có lợi thế hơn trong bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào với Điện Kremlin. Hàng loạt tàu chở dầu, nhà giao dịch, cũng như hai nhà khai thác lớn là Gazprom Neft PJSC và Surgutneftegas PJSC đã bị đưa vào danh sách đen. Các công ty bảo hiểm quan trọng của Nga cũng bị nhắm đến, và các nhà cung cấp dịch vụ dầu khí của Mỹ được lệnh rút lui khỏi thị trường này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố muốn sớm đạt được một thỏa thuận hòa bình ở Ukraine và gọi cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Tư tuần này là “rất hiệu quả”. Tuy nhiên, chính quyền mới của Mỹ vẫn chưa cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào về việc nới lỏng áp lực trừng phạt đối với Nga.
Theo ước tính của IEA, các tàu bị Mỹ đưa vào danh sách đen năm ngoái đã vận chuyển khoảng 1,5 triệu thùng dầu thô Nga mỗi ngày, cùng với khoảng 200.000 thùng sản phẩm dầu mỏ.
Ngay sau khi lệnh trừng phạt có hiệu lực, các khách hàng mua dầu Nga đã tạm dừng giao dịch để đánh giá rủi ro, khiến lượng dầu Nga tồn đọng trên biển gia tăng đột biến, đặc biệt là tại Trung Quốc. Điều này cũng khiến mức chiết khấu giá dầu Nga so với các chuẩn quốc tế nới rộng hơn.
Tuy nhiên, tình hình đã dần ổn định, “có lẽ vì các nhà giao dịch tranh thủ giai đoạn chuyển tiếp để hoàn tất các lô hàng đã lên tàu trước ngày 10/1”, theo báo cáo của IEA. Trong tháng 1, nguồn cung dầu thô của Nga tăng lên 9,2 triệu thùng/ngày, và giá bán vượt qua mức trần 60 USD/thùng.
IEA dự báo rằng, “các biện pháp né luật để duy trì khối lượng xuất khẩu của Nga có thể xuất hiện trong những tuần tới”, sau khi giai đoạn chuyển tiếp của lệnh trừng phạt kết thúc vào ngày 27/2.
Ngoài ra, IEA cũng chỉ ra rằng nguồn cung dầu thô của Nga còn được hỗ trợ bởi việc tiêu thụ dầu trong nước giảm, do hàng loạt cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine nhắm vào các nhà máy lọc dầu. Cơ quan này đã điều chỉnh giảm dự báo sản lượng chế biến dầu thô của Nga trong quý 1, với mức giảm 170.000 thùng/ngày, do ảnh hưởng của các cuộc tấn công này.