Huyện Lạc Sơn (Hòa Bình): Phát huy quyền làm chủ của người dân để xây dựng nông thôn mới
Ngay từ đầu năm 2024, các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị của huyện Lạc Sơn đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các xã thực hiện các tiêu chí theo lộ trình kế hoạch đã đề ra nhằm làm cho kinh tế nông thôn phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân tăng lên, môi trường xanh, sạch, đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Trong thời gian qua, huyện Lạc Sơn phát huy được quyền làm chủ của người dân trong xây dựng nông thôn mới gắn với việc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, đồng thời đẩy mạnh việc tuyên truyền về mục tiêu, nội dung các cơ chế chính sách của chương trình, thường xuyên cập nhật, đưa tin về các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới.
Qua đó để phổ biến những nội dung cơ bản của chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Lạc Sơn và phong trào thi đua “Huyện Lạc Sơn chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Nhà sạch vườn đẹp, môi trường trong lành, ngõ xóm văn minh”; “Xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp”; “Thanh niên tình nguyện, sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp” và các cuộc vận động: “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu”; và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Đến nay đã có 10 khu dân cư kiểu mẫu, 38 vườn mẫu đã được công nhận tiếp tục xây dựng, chỉnh trang ngày thêm xanh, sạch, đẹp. Triển khai đến 23/23 đơn vị xã đăng ký kế hoạch xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và vườn mẫu thực hiện trong năm 2024.
Đến thời điểm này, huyện có 15 sản phẩm được chứng nhận OCOP, trong đó có 1 sản phẩm 4 sao, 14 sản phẩm 3 sao. Các sản phẩm đều khẳng định và giữ vững chất lượng, thương hiệu, có sức tiêu thụ tốt. Nhờ quan tâm nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì, nhiều sản phẩm OCOP của huyện đã tham gia vào chuỗi cung ứng trong các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chuỗi thực phẩm sạch tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố. Riêng sản phẩm OCOP 4 sao "Tinh bột nghệ Nhưng Vần" đã có mặt tại thị trường xuất khẩu.
Ông Bùi Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn nhấn mạnh: “Xây dựng nông thôn mới là chương trình lớn, phát triển kinh tế - xã hội mang tính toàn diện, được các cấp, ngành quan tâm, chủ động tham mưu tích cực. Từ đó, phát hiện nhiều sáng kiến, cách làm hay, trở thành phong trào rộng khắp và tự giác trong nhân dân”.
“Hiện nay, trên địa bàn có nhiều mô hình mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân, như gà đồi xã Hương Nhượng, Quyết Thắng, Vũ Bình; chuỗi liên kết nông sản chủ lực như: mía, tinh bột nghệ, rau các loại, chuối… tiêu thụ trong nước và xuất khẩu”, ông Tùng chia sẻ thêm.
Nhằm góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đang được huyện thúc đẩy với việc chú trọng phát triển sản phẩm có tiềm năng, lợi thế, khuyến khích và hỗ trợ các chủ thể áp dụng khoa học công nghệ vào quy trình sản xuất, chế biến; hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại. Huyện phấn đấu mỗi năm có thêm ít nhất 5 sản phẩm OCOP được chứng nhận.
Việc phát huy quyền làm chủ của người dân có vai trò quyết định trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, bền vững. Trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhân dân huyện Lạc Sơn đã thực hiện cứng hóa đường giao thông nông thôn được 271,803km/1.980,05km, bằng 13,73%.
Trong đó: Đường trục xã đã cứng hóa 6,212km/303,477km, bằng 2,047%; đường trục xóm đã cứng hóa được 25,884km/563,767km, bằng 4,591%; đường ngõ xóm đã cứng hóa được 97,06km/542,68km, bằng 17,886%; đường trục chính nội đồng đã cứng hóa được 141,64km/492,476km, bằng 28,762%; Đường nhựa hóa, bê tông hóa được 921,662km/1980,05km, bằng 46,54% còn lại là đường đất 786,706km/1980,05km, bằng 39,73%. Đến nay có 11/23 xã đạt tiêu chí,...
Ông Bùi Văn Thơm, Trưởng xóm chia sẻ: Để đạt được các tiêu chí còn thiếu, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể xóm đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và nhận được sự ủng hộ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh việc cải tạo vườn tạp, chỉnh trang sân vườn, các hộ đóng góp làm tuyến đường cờ Tổ quốc tạo cảnh quan tươi đẹp, làm biển báo trên trục đường xóm. Công tác vận động người dân thuộc nhóm đối tượng tham gia đóng bảo hiểm y tế tự nguyện với hình thức đa dạng, hiệu quả cao, góp phần tăng tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân đạt 100%.
Trong 6 tháng đầu năm 2024 đến nay có 11 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới là xã Nhân Nghĩa, Xuất Hóa, Tân Mỹ, Ân Nghĩa, Hương Nhượng, Yên Nghiệp, Thượng Cốc, Yên Phú, Tân Lập, Vũ Bình, Văn Nghĩa. Xã đạt từ 10-13 tiêu chí có 12 xã là Ngọc Sơn, Định Cư, Chí Đạo, Tuân Đạo, Mỹ Thành, Miền Đồi, Ngọc Lâu, Quý Hòa, Tự Do, Bình Hẻm; số tiêu chí bình quân đạt 15,22 tiêu chí/xã.
Kết quả thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao; xã đạt từ 10-14 tiêu chí có 04 xã là xã Nhân Nghĩa, Tân Lập, Yên Phú, Tân Mỹ. Xã đạt dưới 10 tiêu chí có 06 xã là xã Vũ Bình, Xuất Hóa, Thượng Cốc, Yên Nghiệp, Hương Nhượng, Ân Nghĩa; số tiêu chí bình quân đạt 9,9 tiêu chí/xã.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Nguyễn Trọng Xuân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chia sẻ: “Huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo nhằm xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ các thành viên phụ trách các xã, xóm, thôn. Địa phương chọn xã Vũ Lâm làm xã điểm của tỉnh và huyện. Chọn 4 xã thuộc 4 vùng khác nhau làm điểm xây dựng NTM”.
Đánh giá về việc thực hiện chỉ đạo này, ông Xuân cho biết thêm: “Đến nay, huyện cơ bản hoàn thành quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, nhưng tại 28 xã công tác quy hoạch vẫn chưa được cụ thể hóa một cách đồng bộ”.
Trong thời gian tới, huyện Lạc Sơn tiếp tục phát huy dân chủ, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tạo điều kiện cho “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và cùng hưởng lợi trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tiến tới xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện theo hướng văn minh, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Phát huy dân chủ trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới đúng như lời Bác Hồ dạy “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” với phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” cùng với những nỗ lực và quyết tâm phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và vườn mẫu trong năm 2024.