Hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2025:Chăm lo tối đa đời sống người lao động
Nhiều hoạt động chăm lo đời sống công nhân, người lao động đã, đang được các cấp, ngành, đơn vị chú trọng thực hiện trong Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2025 (từ ngày 1-5 đến 31-5). Đặc biệt, các đơn vị luôn chú trọng tới việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động nhằm giảm thiểu tối đa tai nạn lao động.

Trao quà cho công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Chương Mỹ. Ảnh: Minh Khuê
Quan tâm thiết thực
Chị Nguyễn Thị Tình, 46 tuổi (ở phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), hiện là công nhân tại Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội chi nhánh Cầu Diễn (URENCO 7). Hằng ngày, chị làm công việc quét rác tại tuyến phố Nguyễn Văn Giáp, Cầu Diễn, chủ yếu vào khung giờ từ 4h chiều đến 11-12h đêm.
Chị Tình chia sẻ: “Làm công nhân môi trường, chúng tôi phải làm việc trong môi trường khói bụi độc hại, tiếp xúc với nước thải, rác, cống rãnh… Nhưng chúng tôi trân trọng công việc này, luôn ý thức trách nhiệm của mình là phải hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao. Tại công ty, tôi được cấp các phương tiện bảo vệ cá nhân khi làm việc, như: Quần áo bảo hộ lao động phổ thông; mũ, nón chống mưa nắng; khẩu trang lọc bụi; găng tay, ủng cao su; áo mưa; áo phản quang, xà phòng… Bản thân tôi cũng nhiều lần được tập huấn về công tác an toàn, vệ sinh lao động. Tôi thấy rất hữu ích”.
Còn với chị Vương Thị Hợi (Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thạch Thất), sự quan tâm của chính quyền các cấp với người lao động có hoàn cảnh khó khăn là sự động viên rất lớn. “Tôi là viên chức, chồng tôi làm nghề tự do. Trong 3 con của tôi, có một cháu khiếm thị bẩm sinh, nay 8 tuổi, đang theo học ở Trung tâm Khiếm thị Bàn tay khéo léo (quận Hai Bà Trưng). Hằng tuần, gia đình phải bố trí ít nhất vài buổi đưa đón cháu đi học. Vợ chồng tôi luôn nhận được sự quan tâm của các địa phương, đơn vị, nhất là trong Tháng Công nhân năm 2025”.
Đây là hai trong số hàng nghìn công nhân, người lao động nhận được sự hỗ trợ nhân Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2025. Hơn cả giá trị bằng tiền, các món quà này là sự ghi nhận, động viên kịp thời, khẳng định sự quan tâm, chăm lo của lãnh đạo đơn vị, cộng đồng xã hội đối với người lao động.
Giảm thiểu tai nạn lao động
Cùng với các phần quà tặng, tiền hỗ trợ công nhân và gia đình công nhân trong Tháng Công nhân năm 2025, các cấp, ngành, đơn vị luôn chú trọng thực hiện tốt chủ đề Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2025: “Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”.
Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của một đơn vị điển hình làm tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động, Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật Công ty Điện lực Ba Đình (Tổng công ty Điện lực Hà Nội) Nguyễn Ngọc Phú cho biết: “Công ty chúng tôi luôn chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, huấn luyện và thực hiện xây dựng môi trường làm việc an toàn, thân thiện, hiệu quả, bền vững. Trong đó, yếu tố con người mang tính quyết định, bao gồm việc tuân thủ các quy trình, quy định hiện hành và kỷ luật lao động khi tham gia thực hiện các công việc tại hiện trường. Tổ chức tập huấn, diễn tập các phương án chữa cháy, phương án cấp cứu tai nạn lao động và xử lý sự cố, phân định rõ chế độ trách nhiệm trong công tác an toàn, vệ sinh lao động”.
Theo Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Nội vụ) Chu Thị Hạnh, nếu chủ động thực hiện tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động, tình trạng tai nạn lao động chắc chắn sẽ giảm, đỡ tốn kém chi phí xã hội và bảo đảm được sức khỏe để người lao động làm việc lâu dài, có thu nhập ổn định, bền vững. Hiện nay, nhiệm vụ giảm tai nạn lao động thực sự không dễ dàng, đòi hỏi phải nâng cao nhận thức, quyết tâm hành động của mỗi người trong chúng ta.
Thực tế những năm gần đây, vẫn còn nhiều người sử dụng lao động chưa quan tâm, chú ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro. Nhiều người lao động chưa được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn.
Để giảm tai nạn lao động, theo Phó Trưởng ban Chính sách, pháp luật và Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Hồ Thị Kim Ngân, các cấp chính quyền cần thúc đẩy thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động tại địa phương, bố trí nguồn lực về nhân sự, tài chính trong bối cảnh sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị. Đặc biệt, cần quan tâm đến khu vực không có quan hệ lao động, tuyên truyền tới các hộ sản xuất, trang trại, ngư dân, các ngành có nhiều nguy cơ, rủi ro cao như khai khoáng, xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, điện… Đồng thời, chú trọng công tác an toàn, vệ sinh tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng. Đây cũng là một trong những cách chăm lo tốt nhất cho người lao động.