Kết thúc hoạt động của cấp huyện từ 1-7-2025
Từ ngày 1-7-2025, Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện cũng sẽ kết thúc.
Thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa có Báo cáo 263 liên quan đến thực hiện Nghị quyết 190/2025 của Quốc hội về xử lý vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Giảm 100% cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện
Báo cáo nêu ra một số kết quả nổi bật đạt được trong quá trình triển khai. Trong đó, liên quan đến cơ cấu tổ chức của Chính phủ, báo cáo cho biết đã ban hành 21/22 nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của 14 bộ gồm hai cơ quan ngang bộ và năm cơ quan thuộc Chính phủ.
Đến nay, Chính phủ cũng đang hoàn thiện Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ, tổ chức mô hình thanh tra hai cấp gồm Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh; bộ, sở và UBND huyện sẽ không còn cơ quan thanh tra.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: PHẠM THẮNG
Tổ chức bộ máy bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã giảm 13/13 tổng cục và tổ chức tương đương (tương ứng giảm 100%).
Giảm 5.193 cục và tổ chức tương đương (tương ứng giảm 77,6%); giảm 219 vụ và tổ chức tương đương (tương ứng giảm 54,1%). Giảm 3.303 chi cục và tương đương chi cục (tương ứng giảm 91,7%). Giảm 203 đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó, sắp xếp giảm 79/203 đơn vị sự nghiệp công lập, tương ứng giảm 38%).
“Riêng Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện sắp xếp tổ chức bên trong theo quy định của bộ” – báo cáo nêu.
Chính phủ cho hay tổ chức bộ máy của Chính phủ khóa XV (nhiệm kỳ 2021-2026), tổ chức bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ sau sắp xếp đã cơ bản bảo đảm tinh gọn, giảm cấp trung gian. Cùng đó là bảo đảm nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện, chịu trách nhiệm chính gắn với giảm biên chế và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (gọi chung là cán bộ).
Theo báo cáo của Chính phủ, hiện các địa phương đã hoàn thiện phương án sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, bảo đảm tương đồng với việc sắp xếp các bộ, ngành ở Trung ương.
Tính đến ngày 10-3, các địa phương giảm 343 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh (tương ứng giảm 29,1%), giảm 1.454 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện (tương ứng giảm 17,5%).
Thực hiện Nghị quyết 60 của Hội nghị 11 Trung ương khóa XIII, từ ngày 1-7-2025 sẽ giảm 100% cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện. Đây cũng là thời điểm Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) có hiệu lực thi hành và hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện cũng kết thúc.
Phấn đấu giảm tối thiểu 20% CC,VC hưởng lương từ ngân sách
Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ cơ bản giữ nguyên biên chế của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; biên chế của UBND cấp tỉnh, cấp huyện sau sắp xếp, bảo đảm ổn định để đi vào hoạt động và thực hiện tinh giản biên chế theo Kết luận 40/2022 của Bộ Chính trị.
Sau sắp xếp tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị, nhất là khối hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập phấn đấu giảm tối thiểu 20% công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Trước mắt giữ nguyên số lượng biên chế cán bộ cấp huyện và cấp xã hiện có trước sắp xếp để bố trí cho các đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp. Trong đó, đội ngũ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp huyện hiện nay được bố trí làm nòng cốt tại các đơn vị cấp xã mới. Đồng thời rà soát, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm trong thời hạn năm năm cơ bản theo đúng quy định.
Về số lượng cấp phó của các cơ quan, tổ chức khi sắp xếp tổ chức bộ máy có thể nhiều hơn số lượng tối đa theo quy định hiện hành nhưng cũng phải đảm bảo đúng quy định sau 5 năm thực hiện. Việc này nhằm tạo điều kiện cho bố trí, sắp xếp, đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành hoạt động của các Bộ, ngành, địa phương sau sắp xếp.
Nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ cho các bộ, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Cụ thể, việc ban hành một số văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện các quy định về tổ chức bộ máy cần có thời gian, thực hiện theo quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Điều này dẫn đến tình trạng bị động ở một số nơi, làm giảm tính đồng bộ khi triển khai kiện toàn tổ chức bộ máy ở các cơ quan.
Một số ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật chuyên ngành còn cần có sự phối hợp quản lý của nhiều bộ nhưng công tác phối hợp còn hạn chế nên hiệu lực, hiệu quả chưa cao.
Đáng chú ý, việc giảm biên chế là thách thức, khó khăn trong bối cảnh tính chất, khối lượng công việc của các ngành, lĩnh vực ngày càng nhiều, chất lượng yêu cầu ngày càng cao. Chất lượng đội ngũ cán bộ, kể cả đội ngũ lãnh đạo, quản lý ở một số ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị, địa phương còn hạn chế, chưa thực sự bảo đảm so với yêu cầu trong tình hình mới.