Hướng ra biển lớn

Hướng ra biển là một giấc mơ lớn. Giấc mơ ấy, nếu được hoạch định, quản lý chặt chẽ sẽ mang đến một diện mạo mới, một sức bật mới khi Hải Dương hợp nhất với TP Hải Phòng.

Đồng chí Lê Ngọc Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương kiểm tra, khảo sát hướng tuyến dự án xây dựng tuyến đường tốc độ cao nối tỉnh Hải Dương với TP Hải Phòng (ảnh minh họa)

Đồng chí Lê Ngọc Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương kiểm tra, khảo sát hướng tuyến dự án xây dựng tuyến đường tốc độ cao nối tỉnh Hải Dương với TP Hải Phòng (ảnh minh họa)

Khi chủ trương hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng được công bố, không ít người dân Hải Dương đã tự hỏi chúng ta sẽ được gì từ sự thay đổi này? Trong muôn vàn câu trả lời, một lợi thế nổi bật không thể không nhắc đến đó là hướng ra biển, một cánh cửa mới mở ra cho vùng đất xứ Đông.

Từ bao đời nay, Hải Dương được biết đến là vựa lúa, vựa rau, vùng đặc sản vải thiều, cá lồng... Hải Dương cũng từng là "tứ trấn" bảo vệ kinh thành Thăng Long và hiện nằm ở vị trí trung tâm đồng bằng sông Hồng, thuộc tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Với vị trí địa lý đặc biệt như vậy nhưng Hải Dương vẫn thiếu một yếu tố khác là giáp biển. Vì thế, khát vọng “vươn ra biển lớn” sẽ trở thành hiện thực khi Hải Dương hợp nhất với Hải Phòng. Hai địa phương hợp nhất thì sẽ chung một lợi thế là có biển, có cảng biển, có vùng đánh bắt, nuôi thủy hải sản, vựa lúa, vựa rau. Hải Dương được đặt vào vị trí địa kinh tế hoàn toàn mới, trở thành một phần của không gian biển Đông Bắc đầy tiềm năng.

Điều này không chỉ có ý nghĩa về địa lý mà còn mở ra động lực phát triển mới. Trước hết, các ngành kinh tế biển từ khai thác, nuôi thủy hải sản, dịch vụ cảng biển, logistics, du lịch biển đều sẽ là cơ hội.

Hải Dương sẽ được kết nối trực tiếp vào bản đồ du lịch ven biển Bắc Bộ. Ngoài đến Đồ Sơn, Cát Bà, du khách còn có thể trải nghiệm chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc, làng nghề gốm Chu Đậu… Những sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái sẽ trở nên hấp dẫn hơn khi gắn kết với không gian biển.

Không thể không nhắc đến logistics, một ngành đang được coi là “xương sống” của chuỗi cung ứng toàn cầu. Hải Dương vốn nằm trên hành lang kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, có nhiều khu công nghiệp lớn nhưng vẫn phải phụ thuộc vào cảng Hải Phòng. Nhờ hợp nhất mà mối liên kết này không chỉ là hợp tác mà trở thành một khối thống nhất, mở ra cơ hội phát triển các trung tâm logistics, kho vận, dịch vụ hậu cần hiện đại ngay trên đất Hải Dương, rút ngắn khoảng cách, giảm thủ tục, tăng tốc độ giao thương.

Tất nhiên, lợi thế đi kèm với thách thức. Việc “ra biển” không chỉ có thêm diện tích mặt nước, mở rộng không gian phát triển mà đòi hỏi phải thay đổi tư duy, chính sách, nguồn nhân lực. Chính quyền địa phương cần xây dựng quy hoạch không gian biển và đồng bằng châu thổ hợp lý, hài hòa giữa khai thác và bảo tồn, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Quan trọng hơn, khi biển mở ra, dòng vốn đầu tư sẽ đổ về, các dự án ven biển, các khu đô thị, khu du lịch… sẽ mọc lên ngay tại Hải Dương. Để có thể tận dụng lợi thế của những vựa lúa, vựa rau khi kết hợp với vùng nuôi tôm cá, cần phải xây dựng mối liên kết hoàn chỉnh có tác động tương hỗ để cùng phát triển.

Hướng ra biển là một giấc mơ lớn sắp thành hiện thực. Giấc mơ ấy, nếu được hoạch định khôn ngoan, quản lý chặt chẽ sẽ mang đến một diện mạo mới, một sức bật mới cho cả hai địa phương sau hợp nhất. Nhưng nếu thiếu tầm nhìn, dễ dẫn đến phát triển tự phát, manh mún, khai thác quá mức, gây ô nhiễm môi trường, xung đột lợi ích.

Vì thế, khi bàn về “lợi thế biển” sau sáp nhập, cần nhìn nhận không chỉ ở khía cạnh kinh tế mà cả văn hóa, xã hội, môi trường. Biển không chỉ là tài nguyên, biển còn là không gian sống, là nguồn nuôi dưỡng văn hóa, tâm hồn. Hãy để giấc mơ hướng ra biển của Hải Dương không chỉ là giấc mơ làm giàu mà là giấc mơ phát triển bền vững, bao trùm, hài hòa giữa con người và thiên nhiên.

SƠN NGUYỄN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/huong-ra-bien-lon-411367.html
Zalo