Vốn tín dụng chính sách hỗ trợ người dân Nam Trực phát triển kinh tế

Từ nguồn vốn cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Nam Trực đã có thêm điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo ở địa phương; đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nam Trực (trái) hướng dẫn hộ vay vốn sản xuất, kinh doanh.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nam Trực (trái) hướng dẫn hộ vay vốn sản xuất, kinh doanh.

Để phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, NHCSXH huyện Nam Trực đã chú trọng phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt các chương trình cho vay ủy thác. Thông qua đó, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở chuyển tải kịp thời, thuận tiện, an toàn nguồn vốn tín dụng CSXH đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Các tổ chức chính trị - xã hội đã phát huy thế mạnh trong việc tham gia bình xét đối tượng, quản lý, đôn đốc, kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn vay, trả nợ, trả lãi của người vay, giúp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. NHCSXH huyện cũng chủ động xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch hàng năm, chuyển tải nguồn vốn kịp thời đến với đối tượng thụ hưởng và tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn nhằm mang lại hiệu quả cao nhất; chú trọng hướng dẫn nghiệp vụ cho vay và triển khai đầy đủ văn bản chỉ đạo liên quan đến chương trình tín dụng chính sách đến cấp ủy, chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể; qua đó nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc phối hợp quản lý, hướng dẫn, thẩm định hồ sơ, đảm bảo cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích và sử dụng hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương. Hàng năm, căn cứ vào nhu cầu vốn vay từ các địa phương, Phòng giao dịch thực hiện linh hoạt các giải pháp cân đối vốn tín dụng từ cấp trên giao, đẩy nhanh việc thu hồi các khoản vay đến hạn để tổ chức quay vòng, giải ngân vốn đến các đối tượng lao động có nhu cầu vay.

Tính đến hết tháng 4/2025, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Nam Trực đạt hơn 542,2 tỷ đồng với 13.505 hộ còn dư nợ. Dư nợ các chương trình tín dụng tập trung vào cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (194,9 tỷ đồng), cho vay giải quyết việc làm (104,7 tỷ đồng) cho vay hộ mới thoát nghèo (119,5 tỷ đồng), cho vay hộ cận nghèo (66,1 tỷ đồng). Chất lượng tín dụng được kiểm soát, tỷ lệ nợ xấu thấp chỉ chiếm 0,15% tổng dư nợ. Từ đầu năm 2025, NHCSXH huyện đã giải ngân được trên 83,5 tỷ đồng cho hơn 1.200 lượt hộ vay vốn để đầu tư các mô hình sinh kế, sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện.

Đặc biệt, bám sát chỉ đạo của Chi nhánh NHCSXH tỉnh, phòng giao dịch NHCSXH huyện đã tích cực đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi giải quyết việc làm theo Nghị quyết số 142/2024/NQ-HĐND ngày 10/12/2024 của HĐND tỉnh quy định về chính sách tín dụng ưu đãi giải quyết việc làm bền vững trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2024-2030. Đến hết tháng 4/2025, NHCSXH huyện đã giải ngân được 6,15 tỷ đồng cho 65 hộ vay vốn, trong đó giải ngân được 6 tỷ đồng cho 63 hộ vay vốn giải quyết việc làm và 150 triệu đồng cho 2 hộ vay vốn xuất khẩu lao động.

Chị Bùi Thị Phượng ở thôn Bình Yên 1, xã Nam Thanh cho biết: Bình quân mỗi tháng xưởng của gia đình tái chế, cô đúc hơn 30 tấn nhôm, do đó nhu cầu về vốn nhập nguyên liệu luôn cao. Được Hội Phụ nữ xã tư vấn, gia đình chị Phượng đã được tiếp cận và vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình giải quyết việc làm của NHCSXH huyện ngay trong tháng 3/2025. “Vay vốn tại NHCSXH vừa không cần tài sản đảm bảo, lãi suất ưu đãi, thời gian vay dài nên gia đình giảm bớt áp lực trả nợ, tập trung vào sản xuất, kinh doanh, tăng thêm doanh thu” - chị Phượng cho biết thêm. Trước đây, điều kiện kinh tế của gia đình anh Nguyễn Xuân Diệu, thôn Xối Tây, xã Nam Thanh rất khó khăn. Đã nhiều lần anh có ý định đi xuất khẩu lao động nhưng do chi phí cao nên gia đình không thể xoay sở được. Đến đầu tháng 4/2025, nhờ cán bộ NHCSXH huyện hướng dẫn, gia đình anh Diệu được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi để đi xuất khẩu lao động Nhật Bản. Chị Vũ Thị Huyền (vợ anh Diệu) cho biết: “Nhờ có vốn vay ưu đãi của ngân hàng, chúng tôi đã thực hiện được kế hoạch đi lao động ở nước ngoài. Với công việc mới bên Nhật Bản, hy vọng kinh tế gia đình sẽ sớm được cải thiện; đồng thời có chút vốn để phát triển kinh tế, có điều kiện sửa chữa nhà cửa, ổn định cuộc sống”.

Thời gian tới, NHCSXH huyện Nam Trực tiếp tục tập trung giải ngân nguồn vốn các chương trình theo chỉ tiêu được giao; chủ động tham mưu cho UBND huyện quan tâm chỉ đạo dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương bổ sung ủy thác qua ngân hàng để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Triển khai kịp thời các giải pháp hiệu quả để chuyển tải kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách đến các đối tượng được thụ hưởng. Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức mạng lưới hội, đoàn thể tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là thường xuyên kiểm tra sử dụng vốn của các hộ vay, đảm bảo các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn; phấn đấu “không để ai bị bỏ lại phía sau” vì thiếu vốn.

Bài và ảnh: Đức Toàn

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202505/von-tin-dung-chinh-sach-ho-tronguoidan-nam-truc-phat-trien-kinh-te-a6025a5/
Zalo