Có một 'thủ phủ' sầu riêng mới sau sáp nhập tỉnh thành

Sau sáp nhập hành chính, 'bản đồ sầu riêng' cả nước sẽ có thay đổi, hình thành một 'thủ phủ sầu riêng' mới.

 Đặc sản trái sầu riêng Việt Nam cơm vàng, hạt lép. Ảnh: Minh Mẫn.

Đặc sản trái sầu riêng Việt Nam cơm vàng, hạt lép. Ảnh: Minh Mẫn.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, hiện diện tích trồng sầu riêng trên cả nước ra đạt gần 169.000 ha với sản lượng khoảng 1,55 triệu tấn/năm. Con số này đã cao gấp đôi so với định hướng phát triển cây sầu riêng trong Đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030.

Trước khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, top 5 địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất cả nước lần lượt là Đắk Lắk, Lâm Đồng, Tiền Giang, Đồng Nai, Đắk Nông.

"Thủ phủ sầu riêng" mới

Trước thời điểm sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, Đắk Lắk là địa phương đang dẫn đầu cả nước về diện tích trồng sầu riêng. Theo thống kê từ địa phương, đến cuối năm 2024, diện tích trồng sầu riêng của tỉnh này đạt 38.800 ha, với sản lượng khoảng 316.000 tấn.

Theo Cục Thống kê tỉnh Đắk Lắk, năm 2023, lợi nhuận thu về từ loại cây ăn trái này đạt khoảng 0,7 tỷ đồng/ha, nông dân tỉnh này đã thu về khoảng trên 15.000 tỷ đồng từ sầu riêng.

Xếp thứ 2 cả nước là Lâm Đồng với hơn 25.600 ha trồng sầu riêng, sản lượng đạt hơn 175.000 tấn.

Bên cạnh đó, 3 tỉnh nằm trong top 5 địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất cả nước hiện nay là Tiền Giang khoảng 19.900 ha, Đồng Nai đạt 12.700 ha và Đắk Nông hơn 12.200 ha.

Tuy nhiên, cục diện này sẽ ghi nhận thay đổi lớn sau khi các địa phương thực hiện phương án sắp xếp, sáp nhập. Theo đó, một "thủ phủ sầu riêng" mới sẽ được hình thành với Lâm Đồng vươn lên vị trí dẫn đầu cả nước.

Cụ thể, theo đề án sắp xếp, sáp nhập, Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận sẽ hợp nhất và lấy tên là tỉnh Lâm Đồng, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Lâm Đồng hiện nay. Sau sáp nhập, diện tích trồng sầu riêng của tỉnh này sẽ đạt hơn 41.100 ha, chính thức vượt qua Đắk Lắk.

 Vùng trồng sầu riêng tại Lâm Đồng tập trung nhiều nhất ở các huyện Đạ Huoai, Di Linh, Bảo Lâm. Ảnh: Báo Lâm Đồng.

Vùng trồng sầu riêng tại Lâm Đồng tập trung nhiều nhất ở các huyện Đạ Huoai, Di Linh, Bảo Lâm. Ảnh: Báo Lâm Đồng.

Trong khi đó, Đắk Lắk sau khi hợp nhất với Phú Yên, tổng diện tích sầu riêng ước đạt 39.600 ha, xếp vị trí thứ 2 trên "bản đồ sầu riêng" cả nước.

Đồng Tháp góp mặt ở vị trí thứ 3 khi "về chung nhà" với Tiền Giang, nâng tổng diện tích trồng sầu riêng lên 24.000 ha. Trước đó, Đồng Tháp là địa phương có diện tích sầu riêng khiêm tốn với khoảng 4.100 ha.

Đồng Nai vẫn giữ vị trí thứ 4 nhưng khi sáp nhập với Bình Phước, tổng diện tích trồng sầu riêng mới đạt khoảng 20.200 ha.

Trong khi đó, sau khi Cần Thơ hợp nhất với Sóc Trăng và Hậu Giang, địa phương này đã xuất hiện trong top 5, với tổng diện tích trồng sầu riêng gần 7.700 ha.

- Bảng xếp hạng top 5 địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất cả nước:

Xuất khẩu sầu riêng gặp khó

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, diện tích trồng sầu riêng của nước ta có xu hướng tăng nhanh trong vài năm trở lại đây. Nếu như năm 2020, tổng diện tích sầu riêng cả nước chỉ hơn 71.000 ha thì đến cuối năm 2023, con số này đã tăng gấp đôi lên 151.000 ha. Đến nay, diện tích đã khoảng 169.000 ha.

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho biết loại trái cây này đã giúp hàng nghìn nông dân có thu nhập tốt, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, sản lượng dồi dào là một trong nhiều lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu sang thị trường chủ lực là Trung Quốc, trong bối cảnh quốc gia này liên tục mở rộng nguồn cung, gần đây nhất có Lào và Indonesia.

Năm nay, ngoài sầu riêng tươi nguyên trái, các doanh nghiệp Việt Nam đã đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc.

Theo đó, ngày 24/3, lô hàng 24 tấn sầu riêng đông lạnh của Công ty cổ phần nông sản Nam Đô (Đắk Lắk) đã hoàn tất thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc. Ngoài ra, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vina T&T Group, cho biết công ty ông cũng đang chờ giấy phép từ phía Trung Quốc để xuất khẩu mặt hàng này.

 Sầu riêng đông lạnh được kỳ vọng giúp nâng cao kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này. Ảnh: Công ty Nam Đô.

Sầu riêng đông lạnh được kỳ vọng giúp nâng cao kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này. Ảnh: Công ty Nam Đô.

Tuy nhiên, sầu riêng Việt Nam đang phải đối mặt với khó khăn lớn khi chưa kiểm soát được dư lượng Cadimi và chất vàng O có trong trái sầu riêng. Đồng thời, thị trường Việt Nam vẫn thiếu năng lực hệ thống kiểm nghiệm đáp ứng sản lượng sầu riêng lớn, mã số vùng trồng theo quy định... Trong khi đây đều là yêu cầu bắt buộc của thị trường xuất khẩu chủ lực Trung Quốc.

Hệ quả, 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng, chỉ đạt khoảng 20% kế hoạch đề ra. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng cả nước chỉ đạt khoảng 120-130 triệu USD từ đầu năm, với khối lượng xuất khẩu ước tính 35.000 tấn.

Đáng chú ý, tình trạng này kéo giá sầu riêng chính vụ tại vườn rớt thảm trong thời gian qua, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái và không bằng 1/4 giá xuất khẩu.

Trước tình trạng này, Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa tổ chức cuộc họp khẩn nhằm đề ra các giải pháp để giữ vững thị trường và nâng cao giá trị ngành hàng.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc nhằm tháo gỡ các vướng mắc kỹ thuật, đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng, phê duyệt cơ sở đóng gói và phòng kiểm nghiệm đạt chuẩn phục vụ xuất khẩu...

Về phương án lâu dài, Bộ xác định hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý xuất khẩu nông sản. Trong đó, quy định chi tiết về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, kiểm nghiệm và giám định chất lượng.

Bên cạnh đó, ông Duy nhấn mạnh ngành sầu riêng cần được tái cơ cấu theo hướng bền vững, tiêu chuẩn kỹ thuật cần được chuẩn hóa từ sản xuất, thu hoạch, chế biến đến khâu xuất khẩu; khuyến khích xuất khẩu sầu riêng đông lạnh để gia tăng giá trị sản phẩm và giảm thiểu phụ thuộc vào trái tươi.

"Giữ vững thị trường sầu riêng không thể dựa vào tăng trưởng nóng mà cần hệ thống pháp lý vững vàng, tiêu chuẩn kỹ thuật đồng bộ và bộ máy quản lý chủ động, minh bạch. Các cơ quan chuyên môn phải sát cánh cùng doanh nghiệp, đồng hành với địa phương và phối hợp liên ngành để bảo vệ thị trường, nâng cao giá trị và từng bước xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt Nam trên bản đồ nông sản thế giới", ông Duy khẳng định.

Thảo Liên

Nguồn Znews: https://znews.vn/co-mot-thu-phu-sau-rieng-moi-sau-sap-nhap-tinh-thanh-post1552316.html
Zalo