Hợp tác và đối thoại để bảo đảm quan hệ thương mại bền vững và cân bằng
Dù Mỹ đã tạm hoãn áp dụng thuế đối ứng với các đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam, nhưng tác động tiêu cực từ chính sách thuế mới của Mỹ vẫn rất lớn. Trong bối cảnh đó, hợp tác và đối thoại là điều quan trọng để bảo đảm quan hệ thương mại bền vững và cân bằng.
Chủ động, kịp thời tháo gỡ vướng mắc
Hiện nay, Mỹ là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và cũng là thị trường trọng điểm mà nhiều doanh nghiệp Việt hướng tới để thúc đẩy các hoạt động xuất nhập khẩu. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt gần 119 tỷ USD, tăng 23,3% so với năm 2023. Năm 2025, Việt Nam dự kiến sẽ tăng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ lên mức 125-130 tỷ USD, với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, đồ gỗ mỹ nghệ, máy móc - thiết bị, điện tử, nông - lâm - thủy sản.

Cuộc gặp của Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc với Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer
Chính vì thế, việc Mỹ áp thuế đối ứng lên tới 46% với Việt Nam đương nhiên sẽ tác động tiêu cực đến quan hệ kinh tế - thương mại song phương và lợi ích của người dân, doanh nghiệp hai nước, nếu mức thuế này được đưa vào áp dụng. Điều này đặt ra những thách thức không nhỏ nhưng Việt Nam đã vào cuộc một cách chủ động, kịp thời và có những bước đi hợp lý để tháo gỡ vướng mắc.
Hiểu rõ mối quan tâm của phía Mỹ về thâm hụt thương mại trong quan hệ với Việt Nam, chúng ta đã chủ động giảm 23 dòng thuế nhập khẩu (nhiều dòng thuế có thuế suất 0%, hoặc thấp hơn mức thuế quan mà Mỹ áp với Việt Nam), tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Mỹ đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Mặt khác, chúng ta nỗ lực thúc đẩy cân bằng cán cân thương mại hai nước thông qua các hợp đồng mua hàng hóa. Hiện Việt Nam đang triển khai mua 250 máy bay Boeing và một số máy bay quân sự, mua khí hóa lỏng (LNG) với trị giá 6 tỷ USD cùng nhiều hàng hóa, thiết bị khác trị giá trên 90 tỷ USD…
Ngay sau khi Mỹ công bố chính sách thuế đối ứng toàn cầu hôm 2-4 vừa qua, ngay sáng hôm sau, Thường trực Chính phủ đã họp khẩn để đánh giá tình hình, tác động từ chính sách thuế của Mỹ, đưa ra các giải pháp thích ứng với tình hình. Ngay trong ngày hôm đó, Tổ công tác về tăng cường hợp tác, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Mỹ do Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng đã được Thủ tướng ký quyết định thành lập.
Đặc biệt, tối 4-4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong cuộc điện đàm, Tổng Bí thư khẳng định, Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Mỹ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, đồng thời đề nghị Mỹ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, tiếp tục nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Mỹ mà Việt Nam có nhu cầu và khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty của Mỹ tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam.
Theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã ngay lập tức tới Mỹ để tiếp tục cụ thể hóa các nội dung trong điện đàm với Tổng thống Mỹ. Với tư cách Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm để trao đổi về các vấn đề kinh tế - thương mại song phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã có các cuộc làm việc với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick. Kết quả là Việt Nam và Mỹ đã nhất trí khởi động đàm phán thỏa thuận thương mại đối ứng, trong đó bao gồm các thỏa thuận về thuế quan, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại song phương phát triển ổn định, bền vững, đáp ứng lợi ích của người dân và doanh nghiệp hai nước.
Trong thời gian trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì 4 cuộc họp của Thường trực Chính phủ về việc ứng phó với chính sách thuế quan mới của Mỹ, cũng như các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Ngay sau khi có kết quả từ chuyến đi Mỹ của Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu thành lập ngay đoàn đàm phán với phía Mỹ về thỏa thuận thương mại đối ứng do Bộ trưởng Công Thương làm Trưởng đoàn; chủ động xây dựng kịch bản, phương án đàm phán phù hợp, với tinh thần bảo đảm tối đa lợi ích quốc gia, dân tộc và lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Cơ hội tái cấu trúc lại nền kinh tế
Có thể nói Việt Nam đã vào cuộc một cách kịp thời, chủ động, với sự tham gia từ phía các đồng chí lãnh đạo đất nước đến các cấp, các ngành, trong việc xử lý các vấn đề nảy sinh do chính sách thuế đối ứng mới của Mỹ. Chúng ta cũng thể hiện tinh thần nhất quán là luôn tôn trọng và cầu thị trong ngoại giao kinh tế và trong mối quan hệ đối với các đối tác kinh tế, trong đó có Mỹ; khẳng định hợp tác và đối thoại là điều cần thiết để bảo đảm quan hệ thương mại bền vững và cân bằng.
Trước mắt, việc Mỹ tạm dừng áp thuế đối ứng với các quốc gia, trong đó có Việt Nam, trong 90 ngày là một bước đi tích cực nhưng thách thức chưa phải đã qua. Muốn vượt qua khó khăn, chúng ta phải vươn lên mạnh mẽ, càng khó khăn, càng phải đoàn kết, càng phải chung sức, đồng lòng để thích ứng với tình hình thương mại quốc tế khó khăn, bất ổn, như lời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Mức thuế đối ứng mà Mỹ đưa ra cho thấy điều nước này quan tâm là Việt Nam làm gì để tăng nhập khẩu từ Mỹ. Vì thế, chúng ta có thể xem xét tăng mua các mặt hàng mà Mỹ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như khí hóa lỏng (LNG), máy bay, ngô, đậu tương, trái cây, thịt bò, thịt gà …
Bên cạnh hàng hóa, cũng cần tiếp tục giải quyết hiệu quả các vướng mắc của doanh nghiệp Mỹ và các vấn đề phía Mỹ quan tâm; rà soát, xử lý các vấn đề có tính chất phi thuế quan; điều chỉnh các quy định liên quan bản quyền, sở hữu trí tuệ; chống hàng giả, hàng nhái, hàng đội lốt xâm nhập thị trường để xuất đi thị trường thứ 3…
Cũng cần phải thấy rằng xuất khẩu là động lực tăng trưởng quan trọng phải thúc đẩy, nhưng không phải động lực duy nhất mà còn nhiều động lực quan trọng khác. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, nhưng không phải là thị trường duy nhất. Vì thế, bên cạnh việc đàm phán, thúc đẩy hợp tác, giải quyết các tranh chấp thương mại với Mỹ, Việt Nam cũng cần thúc đẩy quan hệ thương mại với các nước, đối tác trên toàn thế giới, trong đó có 17 Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Tăng cường quảng bá, phổ biến nội dung của 17 hiệp định thương mại tự do, đẩy mạnh hơn việc xúc tiến thương mại sang các thị trường mới như Trung Đông, Nam Á, Ai Cập, Nam Mỹ...; cơ cấu lại, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng là những vấn đề mà chúng ta cần quan tâm.
Bên cạnh đó, khó khăn hiện nay còn là cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng nhanh và bền vững; tái cấu trúc doanh nghiệp; đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng; giúp doanh nghiệp Việt Nam lớn lên, tham gia sâu vào các thị trường lớn, chuỗi cung ứng lớn của thế giới. Đây chính là thời cơ để Việt Nam chuyển đổi để có thể vươn mình.