Doanh nghiệp châu Âu lạc quan vào đàm phán thuế Việt-Mỹ
Trước động thái về thuế quan của Mỹ, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam vẫn luôn lạc quan và tin tưởng vào chính sách và sự đàm phán của Việt Nam với Mỹ.
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết, 46% thuế đối ứng mà Mỹ áp với Việt Nam ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu của Việt Nam và các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam đã phản ứng rất nhanh sau khi Mỹ ra quyết định áp thuế và có những động thái đàm phán với Mỹ một cách nhanh chóng.
Ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết: "Chúng ta có thể thấy rằng Việt Nam rất chủ động, có những phản ứng nhanh. Chỉ trong vài tiếng đầu sau khi Mỹ thông báo, Việt Nam đã tổ chức một cuộc họp lãnh đạo cấp cao về vấn đề này và trao đổi trực tiếp với các đối tác của mình tại Mỹ, cũng như đưa ra các đề xuất rất rõ ràng, mang tính xây dựng để giảm thuế, tổ chức các đối thoại tiếp theo với Mỹ. Điều này cho thấy sự kiên quyết và nhanh chóng của chính phủ Việt Nam".
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra quyết định dừng áp thuế 90 ngày đối với 75 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam, việc tạm dừng thuế này cũng chỉ mang tính chất tạm thời của Mỹ và các doanh nghiệp Châu Âu vẫn luôn lạc quan, tin tưởng vào chính sách và đàm phán của Chính phủ Việt Nam.
Ông Julien Guerrier, Đại sứ EU tại Việt Nam cho rằng: "Những tác động của chính sách thuế của Mỹ đối với các doanh nghiệp châu Âu thể hiện qua những phản hồi từ khảo sát mới đây. Phần lớn doanh nghiệp đều lạc quan. Tôi cho rằng tác động của thuế quan từ Mỹ là khá nhỏ đối với cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam".
"Mỹ chiếm 13% tổng kim ngạch thương mại thế giới. Vẫn còn 87% các đối tác thương mại khác vẫn muốn theo quy tắc mà và giao thương thương mại. Tôi nghĩ rằng chúng ta đang thương thảo thêm các hiệp định thương mại. Chúng tôi muốn theo sự phát triển, thúc đẩy sự phát triển thương mại cùng với các đối tác FTA, với Việt Nam, với các đối tác thương mại FTA trong tương lai và giảm thuế quan, giảm những rào cản thuế quan với những vùng khác trên thế giới bao gồm cả trên các thị trường đơn lẻ", Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết thêm.
Ông Thibaut Giroux, Chủ tịch Công ty CCIFV tin tưởng rằng: "Điều duy nhất chúng ta nên làm là thận trọng và hy vọng chúng ta có thể duy trì sự lạc quan. Chúng ta nên nhớ rằng trong mọi cuộc chiến thương mại đều có kẻ thua cuộc, nhưng trong mọi cuộc chiến cũng có kẻ chiến thắng. Điều đó không có nghĩa là, Việt Nam chắc chắn sẽ là người chiến thắng, nhưng vẫn có những cơ hội".
Các chuyên gia Việt Nam và châu Âu cho rằng, thế giới luôn ở trong trạng thái biến đổi. Do vậy, thuế quan mà Mỹ áp cho các quốc gia cũng chỉ là một trong số nhiều những điều rủi ro có thể xảy ra đối với bất kỳ quốc gia nào. Thay vì thụ động thì Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam cần phải chủ động để ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
Dành lời khuyên cho các doanh nghiệp, ông Bruno Jaspaert nói: "Đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Tôi khuyên các doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam đang hoạt động tại đây nên đặc biệt xem xét lại chuỗi cung ứng của mình và đảm bảo rằng chuỗi này có khả năng chống chịu tốt trong tương lai".
Trong nhiều năm qua, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Riêng trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ đạt trên 119 tỷ đô la Mỹ, chiếm hơn 29% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù Mỹ là thị trường lớn nhưng không phải là thị trường duy nhất. Do vậy, Chính phủ và doanh nghiệp cần có sự chủ động trong mọi tình huống có thể xảy ra và không phụ thuộc vào bất kỳ chuỗi cung ứng hay thị trường nào.