Những 'trụ cột' của thị trường trong tuần giao dịch nhiều biến động
Thị trường chứng khoán vừa trải qua tuần giao dịch giàu cảm xúc, khi giảm sâu không phanh rồi quay xe tăng phi mã. Động lực cho sự phục hồi chính là sự tỏa sáng của loạt cổ phiếu lớn nhóm VN30.

Thị trường giảm điểm mạnh vào đầu tuần, trước khi phục hồi ở 2 phiên cuối tuần giao dịch. Ảnh: Tùng Dương - MekongASEAN
Tại Việt Nam, trong tuần giao dịch thứ 2 của tháng 4 (từ 7-11/4) chỉ có 4 phiên giao dịch, khi phiên thứ 2 ngày 7/4 là ngày nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương. Trong phiên 7/4, thị trường chứng khoán thế giới diễn biến tiêu cực, ở châu Á, các chỉ số lớn như Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc), Nikkei 225 của Nhật Bản, Kospi của Hàn Quốc đồng loạt giảm điểm mạnh.
Chứng khoán Việt Nam bước vào phiên 8/4 và 9/4 với áp lực bán khủng khiếp, khiến chỉ số VN-Index giảm gần kịch biên độ trong phiên 8/4, tương ứng 77,88 điểm, và giảm thêm 39,5 điểm trong phiên 9/4 (-3,4%). Trong 2 phiên, VN-Index giảm 117,38 điểm về còn 1.094,3 điểm, qua đó có lần đầu tiên về dưới ngưỡng 1.100 điểm kể từ cuối năm 2023.
Trái với tâm lý thoát hàng, bán bằng mọi giá ở phiên 9/4, thị trường chứng khoán phiên 10/4 "vỡ òa" sau thông tin Mỹ hoãn áp thuế đối ứng mức cao với nhiều nước trong 90 ngày. VN-Index bật tăng gần 74 điểm (6,77%), nhà đầu tư tranh nhau mua trắng cả bên bán. Phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index tiếp tục giữ được đà hồi phục mạnh mẽ khi tăng 54,12 điểm, thanh khoản cũng bùng nổ với hơn 38.000 tỷ đồng giá trị trên sàn HOSE.

VN-Index thủng đáy 1.100 trước khi phục hồi trong 2 phiên cuối tuần. Ảnh: SSI Iboard
Người hùng VN30
Sau 2 phiên đầu tuần giảm rất mạnh, cổ phiếu VN30 phục hồi mạnh mẽ phiên thứ năm ngày 10/4. Phiên này, chỉ số VN30-Index lập kỷ lục vô tiền khoáng hậu, khi tăng kịch biên độ 6,9%, tương đương mức tăng 80,61 điểm lên 1.249,29 điểm. Toàn bộ 30 mã VN30 đều tăng trần trắng bên bán. Nhiều nhà đầu tư tranh thủ chốt danh mục trong phiên 11/4, tuy nhiên VN30-Index vẫn tăng tiếp 60,65 điểm, với 28 mã tăng bao gồm 5 mã tăng kịch biên độ.
Tuần trước, cả nhóm VN30 chỉ có mỗi VIC tăng điểm với biên độ chưa tới 1%. Tuần này, VN30 quay trở lại làm động lực lớn giúp thị trường cắt cầu giảm và tăng điểm mạnh mẽ. Cả nhóm có tổng cộng 15 mã tăng, với 11 mã tăng trên 3% trong tuần vừa qua.
Dẫn đầu đà tăng của cả nhóm là cổ phiếu SAB của Sabeco. Anh cả ngành bia rượu tuần này giao dịch một cách ấn tượng, khi chỉ giảm 1,73% trong phiên 8/4 – phiên cả thị trường giảm sàn, là cổ phiếu tăng mạnh nhất trong phiên VN-Index mất 38,5 điểm ngày 9/4, khi tăng 3,52%. Kết quả, SAB tăng 13,03% lên 49.000 đồng/CP, là cổ phiếu tăng mạnh thứ 2 sàn HOSE trong tuần qua.

Diễn biến cổ phiếu SAB trong nửa năm trở lại đây. Ảnh: SSI Iboard
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 dự kiến diễn ra vào ngày 24/4/2025, ban lãnh đạo Sabeco sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch tăng tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2024 từ 35% lên 50%, tức tăng số tiền chi trả cổ tức từ 4.489 tỷ đồng lên 6.413 tỷ đồng, nguồn vốn được lấy từ khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup cũng có tuần giao dịch đáng nhớ. Tương tự SAB, VIC không giảm sàn phiên 8/4 mà giảm 5,49%, trước khi bật tăng 3 phiên sau đó, bao gồm 2 phiên tăng trần ngày 10 và 11/4.
Kết quả, VIC tăng 11,66% lên lên 65.100 đồng/CP, tương đương vốn hóa 248.920 tỷ đồng – mức cao nhất kể từ tháng 8/2023. Dữ liệu từ VN-Index cho thấy, VIC trực tiếp đóng góp cho VN-Index 4,91 điểm và là cổ phiếu đóng góp tích cực nhất cho VN-Index trong tuần vừa qua.

Theo sau VIC và SAB, hàng loạt cổ phiếu VN30 tăng điểm tích cực trong tuần qua là BID (2,08%), VRE (3,19%), TCB (3,5%), TPB (3,53%), LPB (3,79%), SSB (4,17%), ACB (4,41%), FPT (4,87%) và VHM (6,36%).
Ở chiều ngược lại, BCM của Becamex IDC là cổ phiếu giảm mạnh nhất nhóm VN30 trong tuần vừa qua, khi có 2 phiên giảm sàn trước khi tăng trần ngày 10/4. Dù vậy, với việc giảm thêm 1,65% ngày thứ 6, BCM đánh rơi tổng cộng 8,85% về còn 59.700 đồng/CP.

Cổ phiếu BCM bị đẩy về dưới ngưỡng 60.000 đồng/CP. Ảnh: SSI Iboard
HĐQT Becamex IDC ngày 10/4 có nghị quyết thông qua việc tạm hoãn đợt chào bán thêm 300 triệu cổ phiếu ra công chúng để tăng vốn điều lệ. Lý do tạm hoãn đợt chào bán là “nhằm đảm bảo lợi ích của công ty và cổ đông trong điều kiện thị trường chứng khoán không thuận lợi cho đợt chào bán”.
Theo sau BCM, một ông lớn khu công nghiệp khác là GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam giảm 5,97% trong tuần vừa qua về còn 26.000 đồng/CP – mức thấp nhất kể từ tháng 2/2024.
Sàn HOSE: Nhóm xuất nhập khẩu, khu công nghiệp tiếp tục bị ảnh hưởng
Với hai phiên giảm mạnh giảm đầu tuần, và hai phiên trả điểm ngay sau đó, các cổ phiếu tăng, giảm mạnh nhất sàn HOSE trong tuần vừa qua chủ yếu giao động quanh ngưỡng 10%.
Bên cạnh hai mã vốn hóa lớn SAB và VIC, nhiều cổ phiếu tăng điểm tích cực khác có thể kể đến là DRH (17,37%) của CTCP DRH Holdings, PGI (12,89%) của Bảo hiểm Petrolimex, VPS (11,82%) của CTCP Thuốc sát trùng Việt Nam, FIR của Địa ốc First Real.

Hai cổ phiếu trong ngành vật liệu xây dựng là LBM của CTCP Khoáng sản và Vật liệu xây dựng Lâm Đồng và DHA của CTCP Hòa An cũng tăng ấn tượng trong tuần vừa qua với tỷ lệ 11,4% và 12,77%.
Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư vẫn đang cẩn trọng với các nhóm ngành có khả năng chịu tác động của chính sách thuế quan của Mỹ, như xuất nhập khẩu, may mặc, khu công nghiệp, thủy sản, bao gồm các cái tên như AGM (-13,27%) của CTCP Xuất nhập khẩu An Giang, SIP (-12,08%) của CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG, MSH (-11,61%) của CTCP May Sông Hồng, LHG (-10,37%) của CTCP Long Hậu, VHC (-10,09%) của CTCP Vĩnh Hoàn.
Sàn HNX: Cổ phiếu khoáng sản trở lại mặt đất
Với biên độ tối đa lên đến 10% mỗi phiên, cổ phiếu sàn HNX chứng chiến nhiều biến động trong tuần giao dịch vừa qua.
Với 4 phiên giảm sàn liên tiếp, cổ phiếu PGN của CTCP Phụ Gia Nhựa dẫn đầu đà giảm của sàn HNX khi mất đi 33% về còn 8.100 đồng/CP. Ở tuần trước, BKC của CTCP Khoáng sản Bắc Kạn và KSV của Tổng Công ty Khoáng sản TKV - CTCP lần lượt dẫn đầu sàn HNX khi tăng 39,45% và 37,29%. Sang tuần này, BKC và KSV lần lượt giảm 18,29% và 18,13%.

Nhiều cổ phiếu dù tăng điểm tích cực trong 2 phiên cuối tuần, nhưng với 2 phiên giảm sàn trước đó, vẫn phải góp mặt trong top những mã giảm mạnh như NRC của CTCP Tập đoàn Danh Khôi, KDM (-22,11%) của CTCP Tập đoàn GCL, CTP (-21,53%) của CTCP Hòa Bình Takara.
Ở chiều ngược lại, hầu hết các mã tăng điểm đều là cổ phiếu vốn hóa nhỏ với thanh khoản bé, như PGT (20,22%) của CTCP PGT Holdings, NFC (18,39%) của CTCP Phân lân Ninh Bình, SGC (17,54%), SGC (17,54%) của CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang…