Hồn quê trong chợ tết

Khi những cành đào đua nhau khoe sắc, cũng là lúc mọi người gác lại công việc đi chợ sắm tết. Những phiên chợ tết ngày cuối năm trở nên rực rỡ sắc màu, không chỉ là nơi giao thương, mà còn là bức tranh lưu giữ nét văn hóa truyền thống tự bao đời của người dân Việt.

Mặt hàng thổ cẩm được bày bán tại chợ Cửa khẩu quốc tế Na Mèo (Quan Sơn).

Mặt hàng thổ cẩm được bày bán tại chợ Cửa khẩu quốc tế Na Mèo (Quan Sơn).

Vượt hành trình hàng trăm cây số đường dốc, uốn lượn quanh co, sáng sớm tinh mơ của ngày thứ 7 chúng tôi có mặt tại chợ Cửa khẩu quốc tế Na Mèo, xã Na Mèo (Quan Sơn). Bất chấp cái rét buốt lạnh của vùng cao, bà con dân tộc ở vùng biên giới hai huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) và Viêng Xay (Lào) đến chợ từ rất sớm để mua bán, trao đổi hàng hóa. Bước chân vào trong chợ, chúng tôi lạc vào không gian ngập tràn hàng hóa từ những sản vật của bà con dân tộc hai nước Việt - Lào như cam, quýt chuối, đu đủ, rau xanh, bầu, bí, măng rừng, lá dong, đến các loại thực phẩm như gà, lợn rừng và các mặt hàng thổ cẩm, đồ thủ công mỹ nghệ, chiếu...

Trong số các mặt hàng được bày bán tại chợ, có lẽ các sản phẩm làm từ dệt thổ cẩm vẫn là lựa chọn số đông của người mua. Ai cũng muốn tìm mua cho mình những bộ váy áo, hay những chiếc túi, chiếc khăn để diện vào dịp tết. Bà Lò Thị Quyền ở xã Sơn Điện (Quan Sơn), tiểu thương bán hàng dệt thổ cẩm tại chợ Cửa khẩu quốc tế Na Mèo cho biết: Thường lệ, chợ được tổ chức vào ngày thứ 7 hằng tuần. Khác với ngày thường, những phiên chợ ngày giáp tết có phần tấp nập, nhộn nhịp hơn, sức mua của người dân cũng tăng lên. Do đó, tôi cũng mang đến chợ nhiều mặt hàng được làm từ dệt thổ cẩm để bán như, túi, khăn, váy, quần áo... Từ bao đời nay, dệt thổ cẩm là nghề không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt và trở thành bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số chúng tôi. Do đó, khi bán mặt hàng này tôi không chỉ mong muốn góp phần bảo tồn được nét văn hóa truyền thống của bà con, mà còn muốn giới thiệu, quảng bá sản phẩm dệt thổ cẩm đến đông đảo bạn bè, du khách.

Là người cũng đến chợ từ sáng sớm để mua sắm, chị Vi Thị Hà ở huyện Quan Sơn cho biết: "Tôi đang học Đại học Hồng Đức dưới thành phố. Dịp này tôi đã sắp xếp thời gian để sớm được trở về nhà đi chợ tết. Ở đây có đủ các loại sản vật mang đậm nét văn hóa của người dân hai huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) và Viêng Xay (Lào), tôi được thỏa sức lựa chọn các mặt hàng. Ngoài ra, phiên chợ không chỉ là nơi diễn ra hoạt động trao đổi, mua bán các sản phẩm thiết yếu, mà còn là không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Đôi khi chúng tôi đến chợ không chỉ để mua sắm, mà đơn giản chỉ là để hòa vào không khí rộn ràng, gặp gỡ bạn bè để chuyện trò, thăm hỏi nhau.

Trong tiết trời lất phất mưa bụi, khi những con đường rợp màu cờ đỏ, phiên chợ ngày tết ở xã Yên Ninh (Yên Định) cũng trở nên rộn ràng tiếng cười nói, chào nhau của cả người bán, người mua. Bà Nguyễn Thị Giang, tiểu thương ở chợ cho biết: Đặc trưng của chợ quê là tính tự cung, tự cấp. Hầu hết những món hàng được bày bán ở chợ đều do người nông dân tự tay làm ra, từ vài nải chuối, trái bưởi, mớ trầu hay buồng cau hái ở vườn nhà. Có khi là mấy cái rổ, rá tự đan người dân cũng mang ra chợ bán. Chợ tết ở quê cũng không thể thiếu hoa tươi, cây cảnh, đào, quất... Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, chợ vào những ngày giáp tết sẽ họp từ sáng sớm tinh mơ cho đến trưa. Đi chợ ngày tết không chỉ để mua bán sản vật vườn quê, mà còn giao lưu văn hóa, trao đổi, chia sẻ với nhau những chuyện vui buồn năm cũ. Nơi đây cũng chính là sợi dây vô hình giúp tình làng, nghĩa xóm được xích lại gần hơn.

Tết đến, xuân về, các phiên chợ quê lại càng nhộn nhịp. Từ người già đến con trẻ ai ai cũng nô nức đi chợ tết, người thì tranh thủ mua cành đào về trang trí nhà cửa, người thì mua bó lạt, bó lá dong để gói bánh chưng. Những em bé cũng háo hức theo sau bố mẹ chọn quần áo mới... Cứ thế, những phiên chợ quê ngày tết như một bức tranh xã hội thu nhỏ. Ngoài thực hiện vai trò chính là nơi giao thương, đây còn là nơi gặp gỡ, lưu giữ hồn quê Việt, nơi để những người con xa xứ tìm lại hương vị quê nhà.

Phiên chợ tết cũng là dịp nhắc nhở thế hệ trẻ hướng về cội nguồn với những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp được gìn giữ từ lâu đời.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/hon-que-trong-cho-tet-34974.htm
Zalo