Tết Việt - Tết của tình yêu thương và sự kết nối

Làm việc tại Việt Nam và được đón Tết nguyên đán là cơ hội quý báu để các nhà ngoại giao nước ngoài trải nghiệm sâu hơn những nét đẹp văn hóa của dải đất hình chữ S. Và dù mới đến hay đã gắn bó được một vài năm, mỗi khi Tết đến - Xuân về, các đại sứ nước ngoài đều có chung cảm nhận về tinh thần của người Việt Nam lạc quan chào đón một năm mới an lành, hạnh phúc, thịnh vượng.

Phu nhân Ngô Phương Ly và các nhà ngoại giao tham gia chương trình ngoại giao văn hóa "Bản hòa ca Tết Việt”.

Phu nhân Ngô Phương Ly và các nhà ngoại giao tham gia chương trình ngoại giao văn hóa "Bản hòa ca Tết Việt”.

Gắn bó với Việt Nam đến nay gần 10 năm, qua hai thời kỳ (làm Tham tán - Công sứ Đại sứ quán LB Nga tại Việt Nam năm 2010-2014, làm Đại sứ LB Nga tại Việt Nam từ tháng 3/2021), Đại sứ Gennady Stepanovich Bezdetko không chỉ nói tiếng Việt thành thạo mà còn khá am hiểu về văn hóa Việt. Điều mà Đại sứ Gennady Stepanovich Bezdetko ấn tượng nhất chính là phong tục tập quán đón Tết ở mỗi vùng miền của Việt Nam vừa có điểm chung nhưng lại cũng có nhiều nét riêng. “Tết ở mỗi vùng miền có khác biệt nhưng không đáng kể, chẳng hạn như ở miền Bắc trang trí cây đào và ở miền Nam là cây mai. Tôi rất thích Việt Nam. Tôi yêu những truyền thống của Việt Nam và những thói quen ấy đã trở nên quen thuộc với tôi”. Cũng theo Đại sứ Gennady Stepanovich Bezdetko, ông mong, trong ngày 23 tháng Chạp, ông Công ông Táo lên trời báo cáo đúng với Ngọc Hoàng những điều xảy ra trong năm qua.

Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Gennady Stepanovich Bezdetk.

Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Gennady Stepanovich Bezdetk.

Trong khi đó, phu nhân Đại sứ LB Nga tại Việt Nam Elena Bezdetko lại cảm phục cách mà người Việt Nam quan tâm đến tất cả những tục lệ liên quan đến Tết. “Cho dù hai dân tộc chúng ta có hai nền văn hóa khác nhau, nhưng tôi đã sớm nhận ra nhiều điểm chung. Đó là người Việt Nam và người Nga đều coi việc đón năm mới là ngày lễ của gia đình. Vì thế, việc đón năm mới được chuẩn bị rất lâu từ trước đó. Các bạn Việt Nam của tôi đều đặc biệt cẩn thận, tỉ mỉ trang trí nhà bằng những cây quất và cành đào, chuẩn bị mâm cơm ngày lễ với các món ăn truyền thống, dâng lên bàn thờ gia tiên. Tôi rất ấn tượng với không khí đón năm mới rộn ràng trên toàn đất nước Việt Nam. Khắp nơi được trang trí theo truyền thống Phương Đông. Những ngày giáp Tết, người dân miền Bắc thì nô nức đi sắm đào, quất còn người dân miền Nam thì lại có thú chơi hoa mai. Những chương trình văn hóa - giải trí, các lễ hội được tổ chức tưng bừng ở khắp mọi miền đất nước. Mỗi năm, tôi đều nóng lòng chờ đón thời gian này để thêm một lần nữa trải nghiệm niềm vui đón mùa xuân tại một đất nước gần gũi với chúng tôi như quê hương của mình”, phu nhân Elena Bezdetko kể.

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet diện áo dài và trang trí cành đào cho ngày Tết.

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet diện áo dài và trang trí cành đào cho ngày Tết.

Còn Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet thì cho hay, trong một năm rưỡi sống ở Hà Nội, ông rất ấn tượng về sự năng động ở thành phố này bởi Hà Nội luôn giữ được cái hồn, giữ được sự cổ kính riêng có của mình, đặc biệt là ở khu phố trung tâm. Về đời sống văn hóa của người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung thì theo Đại sứ Olivier Brochet, rất phong phú và tinh tế. Đặc biệt, năm 2025, khi lần thứ 2 đón Tết Nguyên đán tại Việt Nam, Đại sứ Olivier Brochet đã quyết định sắm một bộ áo dài và tự tay trang trí cành đào, hoa cắm trong nhà. "Bất cứ khách quốc tế nào khi đến Việt Nam, nhìn thấy phụ nữ Việt Nam mặc áo dài đều trầm trồ thán phục. Tôi cũng không phải là ngoại lệ. Sau này, tôi mới phát hiện ra rằng nam giới cũng có thể mặc áo dài chứ không chỉ phụ nữ. Tôi đã quyết định may cho mình một bộ áo dài và diện luôn từ dịp lễ Giáng sinh. Vì là lần đầu tiên mặc áo dài nên tôi vẫn hơi lóng ngóng và cảm thấy như trở về tuổi 20, khi lần đầu tiên được diện âu phục. Nhưng tôi nghĩ rằng, sau một vài dịp Tết nữa, tôi sẽ cảm thấy thân thuộc với áo dài Việt Nam hơn", Đại sứ Olivier Brochet nói.

Kể thêm về những lần đi chợ hoa, thăm vườn quất, vườn đào, Đại sứ Oliver Brochet vừa cười vừa cho hay: "Tôi rất ấn tượng với khả năng của người Việt Nam khi họ có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to trên xe máy. Tôi đã chụp rất nhiều hình ảnh này”. Và chính những hình ảnh rất đỗi đời thường ấy lại giúp Đại sứ Olivier Brochet cảm nhận được thêm những giá trị tinh thần mà người Việt Nam nâng niu, gìn giữ qua từng năm và thể hiện vào mỗi dịp Tết. Đó là tình cảm gia đình, bè bạn, quý trọng thầy cô giáo, người cao tuổi…

Tham gia chương trình ngoại giao văn hóa "Bản hòa ca Tết Việt” do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức vào trung tuần tháng 1 tại Hà Nội nhân dịp đón Xuân mới và chuẩn bị Tết cổ truyền Ất Tỵ 2025, Đại sứ Ai Cập tại Việt Nam Amal Abdel Kader Elmorsi Salama nhấn mạnh, Tết Nguyên đán là lễ hội lớn nhất, ý nghĩa nhất trong năm của người Việt. Các đại sứ cũng như các cán bộ ngoại giao nước ngoài dù sinh sống và làm việc ở Việt Nam nhiều năm hay mới đến Việt Nam lần đầu đều có chung cảm xúc hào hứng và những trải nghiệm khó quên trong những dịp này.

Đại sứ Ai Cập tại Việt Nam Amal Abdel Kader Elmorsi Salama ấn tượng trước những bản sắc văn hóa đặc sắc của người Việt hội tụ trong Tết nguyên đán. Ảnh: VGP

Đại sứ Ai Cập tại Việt Nam Amal Abdel Kader Elmorsi Salama ấn tượng trước những bản sắc văn hóa đặc sắc của người Việt hội tụ trong Tết nguyên đán. Ảnh: VGP

Bản thân Đại sứ Amal Abdel Kader Elmorsi Salama cũng vô cùng ấn tượng trước những bản sắc văn hóa đặc sắc của người Việt hội tụ trong Tết Nguyên đán bởi đây là dịp để gia đình, bạn bè sum vầy, thể hiện lòng kính trọng đối với các bậc cao niên, đồng thời đánh dấu sự khởi đầu của mùa Xuân, mang đến niềm vui và hạnh phúc, khuyến khích tinh thần hòa bình, hợp tác và hữu nghị giữa mọi người. Đánh giá cao những thành tựu kinh tế - xã hội mà Việt Nam đã đạt được trong những năm qua, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng và mức sống của người dân ngày càng được nâng cao, Đại sứ Amal Abdel Kader Elmorsi Salama cũng gửi gắm niềm tin về một năm mới hòa bình, thịnh vượng, hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia và dân tộc trên thế giới và tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục thành công trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Iain Frew lại khẳng định, trong dịp Tết Nguyên đán, cách mà người Việt Nam tạo ra mối liên kết với gia đình, với quê hương hoặc làng quê và kết nối với truyền thống cùng lịch sử của đất nước thực sự quan trọng. “Điều khiến tôi ấn tượng về Tết cổ truyền Việt Nam nữa là cách mà dịp lễ này tượng trưng cho sự đổi mới. Khi mọi người kết nối với gia đình, họ suy ngẫm về năm đã qua, lập kế hoạch cho năm tới. Việc đó được thể hiện ngay trong hoạt động thả cá chép, đảm bảo rằng, trong năm qua, các Táo quân hài lòng với các gia đình. Tôi thích điều này vì nó đưa mọi người lại gần với nhau, giúp các thành viên trong gia đình gắn bó với nhau hơn nữa”, Đại sứ Iain Frew cho biết.

Năm 2023, trong cái Tết đầu tiên ở Việt Nam, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Iain Frew tự gói bánh chưng. Ảnh: UK Embassy

Năm 2023, trong cái Tết đầu tiên ở Việt Nam, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Iain Frew tự gói bánh chưng. Ảnh: UK Embassy

Khi được hỏi về việc có điểm tương đồng nào giữa Giáng sinh ở Anh và Tết cổ truyền ở Việt Nam, Đại sứ Iain Frew nhấn mạnh rằng: “Giáng sinh ở Anh cũng là thời điểm các gia đình sum họp. Mọi người chú trọng đến việc ở bên nhau, dành thời gian cho nhau, cùng nhau ăn uống. Chúng tôi cũng có một số truyền thống thường diễn ra vào dịp năm mới mà tôi thấy giống ở Việt Nam. Chẳng hạn người Anh thường quét nhà, phủi sạch bụi để xua đuổi hết điều xui trong năm cũ; mở cửa nhà để chào đón năm mới. Sau giao thừa, mọi người cũng thường sang nhà hàng xóm để chào đón năm mới cùng nhau, gửi tới nhau những lời chúc mừng năm mới. Những hoạt động đó đã giúp xây dựng cộng đồng đoàn kết. Khoảnh khắc này thật sự ấm áp”.

Một điểm nữa mà Đại sứ Iain Frew thích về Tết Việt là những chợ hoa xuất hiện khắp nơi quanh Hà Nội cùng những đồ trưng bày đẹp mắt. Vì thế, gần 3 năm ở Việt Nam, cứ vào dịp cuối năm, Đại sứ Iain Frew vẫn cùng các nhân viên Đại sứ quán trang trí các cây đào, cây quất bởi việc này luôn mang lại cho ông một cảm giác ấm áp. “Năm 2023 là cái Tết đầu tiên của tôi ở Việt Nam. Tôi đã gói bánh chưng và viết câu đối Tết cùng các cán bộ của Đại sứ quán. Ẩm thực của Tết Việt thực sự thú vị vì một số món ăn thường ít khi được ăn trong suốt cả năm như bánh chưng. Tôi thích vị bánh chưng có gạo nếp kết hợp với đậu xanh và thịt, hay món xôi gấc được nén trong khuôn có hình hoa ở trên, đậu xanh ở giữa và những hạt vừng nhỏ rắc xung quanh… Năm 2024 tôi lại có cơ hội đến Làng gốm Bát Tràng và tự tay nặn hình rồng bằng gốm để kỷ niệm năm Giáp Thìn. Năm nay, tôi dự định đến chùa để tìm hiểu văn hóa đi lễ chùa cầu may của người Việt Nam”, Đại sứ Iain Frew chia sẻ.

Huyền Chi

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/tet-viet-tet-cua-tinh-yeu-thuong-va-su-ket-noi-i757466/
Zalo