Tết ở trạm gác tàu
Những ngày cận Tết Nguyên đán, trên những chuyến tàu xuôi ngược Bắc - Nam chở đầy niềm hân hoan đoàn tụ, đưa dòng người hối hả trở về bên gia đình để đón một mùa xuân ấm áp, ít ai biết rằng, sự an toàn của mỗi hành trình ấy còn in đậm dấu ấn của những người gác chắn tàu, những con người thầm lặng ngày đêm miệt mài với công việc.
Trên đường Hoàng Thị Loan (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng), bất kể mưa nắng, bà Trương Thị Hới (50 tuổi, quê ở tỉnh Quảng Bình) vẫn cần mẫn bên cột gác chắn, lặng lẽ thực hiện nhiệm vụ giữ nhịp lưu thông an toàn. Đối với bà, mỗi lần hạ chắn, bật tín hiệu cảnh báo là một lần góp phần mang đến sự an tâm cho chuyến tàu hồi hương, chở theo niềm vui đoàn tụ của hàng trăm gia đình trong những ngày giáp Tết.
Trước Tết, gia đình bà Hới đã tranh thủ về quê thăm hỏi người thân, bởi năm nay, gia đình bà sẽ ở lại Đà Nẵng, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xuyên Tết. “Đêm giao thừa này tôi sẽ trực 12 tiếng ở đây, từ khoảng 6 giờ chiều tới 7 giờ sáng hôm sau. Nghề này là vậy, dù không được đoàn tụ cùng đại gia đình trong những ngày Tết, nhưng khi hoàn thành công việc và góp phần giữ an toàn cho những chuyến tàu đoàn viên cũng khiến tôi thấy ấm lòng", bà Hới chia sẻ.
Trạm gác Trung Nghĩa (quận Liên Chiểu) chỉ rộng hơn 5 mét vuông, nhưng đây là nơi bà Hới và những đồng nghiệp sẽ đón cái Tết Nguyên đán năm nay. Công tác trang trí đón Tết cũng đơn giản vô cùng. Dù không có không khí Tết rộn ràng như những nơi khác, nhưng bà vẫn dành chút thời gian sắp xếp lại góc làm việc như để mang một chút không khí xuân vào nơi này.
“Ngày 25 Tết, tôi đã tranh thủ lúc rảnh rỗi đi mua ít bánh mứt, hoa quả... để chuẩn bị Tết cho gia đình. Cả nhà đều bận rộn với lịch làm việc và công tác dịp này, nên chúng tôi không có nhiều thời gian để cùng nhau dạo phố, sắm sửa như các gia đình khác", bà Hới cho biết.
Cũng như bà Hới, bà Phan Thị Hảo (42 tuổi, quê ở thành phố Huế) luôn tự hào vì được góp phần giữ gìn an toàn cho những chuyến tàu xuôi ngược. Bà Hảo cho biết, công việc này tuy không quá nặng nhọc như nhiều nghề khác, nhưng phải thức khuya thường xuyên. Vào dịp lễ, Tết, khi các chuyến tàu được tăng cường để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách, công việc lại càng thêm vất vả.
“Tết này, tuy không được sum họp bên gia đình lớn nhưng tôi vẫn đón giao thừa tại trạm gác quen thuộc, bên những chuyến tàu nối dài hành trình hồi hương”, bà Hảo nói.
Tính đến thời điểm hiện tại, bà Phan Thị Hảo đã có 12 năm gắn bó với nghề gác chắn tàu, trải qua gần một thập kỷ đón Tết cổ truyền cùng những người đồng nghiệp tại trạm gác. Với bà, mỗi cái Tết xa quê hương là một kỷ niệm đáng nhớ, gắn liền với trách nhiệm giữ an toàn cho những chuyến tàu “chở Tết” đi muôn nơi.
“Mỗi ca trực, tôi đều phải giữ sự tập trung tuyệt đối, bởi chỉ một phút lơ là cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Những ngày Tết, dù mệt nhọc gấp bội, nhưng nhìn thấy các chuyến tàu qua lại an toàn, tôi cảm thấy công sức mình bỏ ra thật xứng đáng”, bà Hảo nói.
Ngoài công việc gác chắn tàu, cả bà Hới và bà Hảo đều tranh thủ làm thêm những công việc khác trong dịp Tết để tăng thu nhập, phần nào trang trải chi phí và mua sắm thêm cho gia đình. Những việc như dọn vệ sinh, nhổ cỏ dại hay thu gom rác thải dọc hai bên đường ray đều được các bà tận dụng từng khoảng thời gian rảnh rỗi để làm.
Với những nhân viên gác chắn đường tàu, dù công việc có vất vả, song nhờ vào lòng yêu nghề, sự tận tụy và tinh thần trách nhiệm, họ đã vượt qua mọi khó khăn để mang lại sự bình an cho mỗi chuyến tàu, giúp người dân có một kỳ nghỉ Tết trọn vẹn và an lành bên gia đình.