Hội chứng mệt mỏi dùng thuốc gì?
Hội chứng mệt mỏi là biểu hiện sự thiếu hụt năng lượng, mệt mỏi không rõ nguyên nhân, không liên quan tới gắng sức và không giảm khi nghỉ ngơi. Mệt mỏi hoặc kiệt sức cũng có thể là triệu chứng của nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau, cần được đánh giá để tìm hiểu nguyên nhân…
1. Hội chứng mệt mỏi là gì?
Ngày nay, cuộc sống bận rộn, công việc và trách nhiệm gia đình khiến họ không có thời gian thư giãn kết hợp với thói quen ngủ kém nên nhiều người thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, suy sụp hoặc kiệt sức.
NỘI DUNG::
1. Hội chứng mệt mỏi là gì?
2. Một số phương pháp điều trị không dùng thuốc cho hội chứng mệt mỏi mạn tính
3. Thuốc nào được dùng trong hội chứng mệt mỏi?
3.1 Thuốc không kê đơn
3.2 Thuốc theo toa
4. Lưu ý khi dùng thuốc điều trị hội chứng mệt mỏi
Ở một số người, tình trạng mệt mỏi mạn tính không thể chỉ giải thích bằng lối sống. Mệt mỏi có thể là triệu chứng của nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau, bao gồm căng thẳng cực độ, ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, hội chứng chân không yên, hội chứng ruột kích thích, viêm khớp dạng thấp, bệnh tim, bệnh đa xơ cứng hoặc thậm chí là một tình trạng phổ biến như đau họng. Điều trị tình trạng bệnh lý có thể giúp giảm mệt mỏi.
Một số ít cá nhân mắc phải tình trạng được gọi là hội chứng mệt mỏi mạn tính (CFS). Tình trạng mệt mỏi kéo dài ít nhất sáu tháng và không thể giải thích bằng các nguyên nhân khác. Tình trạng mệt mỏi trở nên tồi tệ hơn sau khi gắng sức về mặt thể chất hoặc tinh thần nhưng không cải thiện sau khi nghỉ ngơi. Các triệu chứng CFS khác có thể bao gồm giấc ngủ không sảng khoái, chóng mặt khi ngồi thẳng dậy sau khi nằm (không dung nạp tư thế đứng), khó khăn về trí nhớ và khả năng tập trung.
Nguyên nhân chính xác của hội chứng mệt mỏi mạn tính vẫn chưa được biết, nhưng các chuyên gia tin rằng nó được kích hoạt bởi sự kết hợp của các yếu tố tâm lý và thể chất. Không có một xét nghiệm nào để chẩn đoán hội chứng mệt mỏi mạn tính. Thay vào đó, bác sĩ thường sẽ tiến hành khám sức khỏe và làm các xét nghiệm để loại trừ các vấn đề sức khỏe khác là nguyên nhân tiềm ẩn trước khi chẩn đoán CFS.
Phương pháp điều trị bao gồm cải thiện các triệu chứng, có thể là tăng cường năng lượng, giảm đau, cải thiện giấc ngủ hoặc cung cấp hỗ trợ về mặt cảm xúc…

Nguyên nhân chính xác của hội chứng mệt mỏi mạn tính vẫn chưa được biết, nhưng các chuyên gia tin rằng nó được kích hoạt bởi sự kết hợp của các yếu tố tâm lý và thể chất.
2. Một số phương pháp điều trị không dùng thuốc cho hội chứng mệt mỏi mạn tính
Trước khi bắt đầu dùng thuốc điều trị chứng mệt mỏi mạn tính, bạn có thể thử một số giải pháp dễ dàng như:
- Thực hành vệ sinh giấc ngủ tốt (đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, ngủ ít nhất 7-8 tiếng vào ban đêm, tránh uống rượu và caffeine trước khi đi ngủ).
- Ăn uống lành mạnh, cân bằng; uống đủ nước để đảm bảo đủ nước cho cơ thể và tham gia chương trình tập thể dục thường xuyên.
- Giảm căng thẳng trong cuộc sống bằng cách thiền, hít thở sâu, yoga, thái cực quyền, đi bộ ngoài trời, đọc một cuốn sách hay, nghe nhạc thư giãn hoặc tham gia các nhóm hỗ trợ để giải quyết căng thẳng.
3. Thuốc nào được dùng trong hội chứng mệt mỏi?
Không có cách chữa khỏi hội chứng mệt mỏi mạn tính. Tuy nhiên, nhiều loại thuốc không kê đơn và thuốc theo toa, cũng như các liệu pháp thay thế, có thể giúp làm giảm các triệu chứng của rối loạn này.
3.1 Thuốc không kê đơn
- Acetaminophen:Loại thuốc này có thể được sử dụng để làm giảm đau đầu, đau nhức cơ và đau khớp. Các tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm buồn nôn, nôn, phát ban và tổn thương gan ở liều cao. Liều tối đa hàng ngày an toàn nhất của thuốc là 3.000 mg. Những người khỏe mạnh có thể dùng tới 4.000 mg mỗi ngày. Vượt quá 4.000 mg acetaminophen mỗi ngày có thể dẫn đến tổn thương gan.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID):Nhóm thuốc này có thể được sử dụng để làm giảm các triệu chứng của hội chứng mệt mỏi mạn tính như đau. Các thuốc thường dùng như ibuprofen, naproxen… Các tác dụng phụ tiềm ẩn bao gồm buồn nôn, nôn, ợ nóng, loét dạ dày, chảy máu đường tiêu hóa và tổn thương thận.
- Thuốc kháng histamin:Những loại thuốc này như benadryl, sominex… có thể được sử dụng tạm thời như thuốc hỗ trợ giấc ngủ trong một số trường hợp. Chúng cũng có thể giúp giảm buồn nôn. Tác dụng phụ có thể bao gồm buồn ngủ, chóng mặt, khô miệng và nhịp tim nhanh.
- Melatonin:Melatonin là một loại hormone mà cơ thể sản xuất tự nhiên, có liên quan đến việc điều chỉnh nhịp sinh học chịu trách nhiệm cho các kiểu ngủ và thức; có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ và giúp bạn bớt mệt mỏi trong ngày. Thuốc cũng được sử dụng để làm giảm tình trạng lệch múi giờ và các vấn đề về giấc ngủ do làm việc theo ca. Melatonin thường có hiệu quả và được dung nạp tốt. Do đó, đây là một giải pháp ngắn hạn tốt cho các vấn đề về giấc ngủ. Tuy nhiên, có rất ít thông tin về việc sử dụng melatonin trong thời gian dài.
-L-Carnitine:Chất này đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất năng lượng bằng cách vận chuyển axit béo vào tế bào. Một số người được hưởng lợi từ các chất bổ sung như L-carnitine cho các triệu chứng như mệt mỏi, đau đớn và trầm cảm.

Có rất nhiều loại thuốc được dùng trong hội chứng mệt mỏi mạn tính, người bệnh nên dùng theo chỉ định của bác sĩ.
3.2 Thuốc theo toa
- Thuốc hỗ trợ giấc ngủ: Có nhiều loại thuốc có thể được sử dụng để điều trị chứng mất ngủ ở những người mắc hội chứng mệt mỏi mạn tính. Ngủ đủ giấc vào ban đêm có thể giúp bạn bớt mệt mỏi vào ban ngày. Trước tiên, bác sĩ sẽ đảm bảo bạn có thói quen ngủ tốt. Những thói quen này bao gồm đi ngủ đúng giờ và ngủ trong phòng ngủ yên tĩnh, tối và mát mẻ, hạn chế thời gian sử dụng màn hình trước khi đi ngủ.
Thuốc hỗ trợ giấc ngủ không kê đơn cũng có thể được khuyến nghị để cải thiện giấc ngủ. Nếu các biện pháp này không hiệu quả, bác sĩ có thể kê đơn thuốc như eszopiclone, zolpidem…
Giống như tất cả các loại thuốc theo toa, những loại thuốc này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ. Người dùng nên trao đổi với bác sĩ để cân nhắc các rủi ro và lợi ích cũng như tìm hiểu các phương pháp điều trị khác.
- Thuốc kích thích hệ thần kinh trung ương:Một số loại thuốc là chất kích thích, làm tăng hoạt động của các chất hóa học trong não. Ví dụ bao gồm modafinil, armodafinil… Những loại thuốc này có thể giúp làm giảm các triệu chứng như mệt mỏi, buồn ngủ ban ngày, các vấn đề về trí nhớ và sương mù não. Tác dụng phụ của thuốc kích thích có thể bao gồm mất ngủ, huyết áp cao, nhịp tim nhanh, đau đầu và chán ăn.
- Thuốc chống trầm cảm:Liều thấp của các loại thuốc như amitriptyline, nortriptyline, trazodone… được sử dụng trong hội chứng mệt mỏi mạn tính do tác dụng làm dịu của chúng. Tuy nhiên, những loại thuốc này có thể mất 4-6 tuần để có hiệu quả. Các tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm khô miệng, chóng mặt, nhịp tim nhanh, huyết áp cao...
- Thuốc giãn cơ: Các thuốc giãn có như flexeril, cyclobenzaprine có thể giúp giảm các triệu chứng như co thắt cơ và đau. Các tác dụng phụ tiềm ẩn bao gồm buồn ngủ, chóng mặt, vấn đề về tiểu tiện, sưng chân và các vấn đề về trí nhớ ngắn hạn.
- Thuốc chống co giật:Các loại thuốc như gabapentin, pregabalin có thể hữu ích với chứng đau và hội chứng chân không yên. Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm buồn ngủ, chóng mặt và tăng cân.
- Thuốc benzodiazepine:Các thuốc như clonazepam, alprazolamthúc đẩy giấc ngủ và làm giảm lo âu. Thuốc này cũng có thể giúp điều trị co thắt cơ và hội chứng chân không yên. Các tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm chóng mặt, buồn ngủ, phản ứng chậm, phối hợp kém và phụ thuộc khi sử dụng trong thời gian dài.
- Thuốc an thần-thuốc ngủ:Zolpidemlà thuốc an thần gây ngủ giúp làm giảm các vấn đề về giấc ngủ (thuốc có thể giúp bạn ngủ nhanh hơn và ngủ sâu hơn). Các tác dụng phụ tiềm ẩn bao gồm buồn nôn, tiêu chảy, nhức đầu, buồn ngủ vào ban ngày, dung nạp và phụ thuộc thuốc.
4. Lưu ý khi dùng thuốc điều trị hội chứng mệt mỏi
Một số lưu ý cần ghi nhớ trong quá trình điều trị hội chứng mệt mỏi mạn tính bao gồm:
- Dùng thuốc đúng theo chỉ dẫn: Không dùng liều lớn hơn hoặc nhỏ hơn hoặc dùng thuốc nhiều hơn hoặc ít hơn so với chỉ định.
- Hãy liên hệ với bác sĩ nếu tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc không biến mất.
- Trao đổi với bác sĩ trước khi ngừng dùng bất kỳ loại thuốc nào.
- Không sử dụng thuốc theo toa của người khác hoặc chia sẻ thuốc của bạn với người khác.
- Cung cấp cho bác sĩ danh sách đầy đủ các loại thuốc của bạn đang dùng, bao gồm thuốc theo toa, thuốc không kê đơn và thực phẩm chức năng để giúp tránh tương tác thuốc.