Chẩn đoán sớm bệnh thận mạn tính: Cơ hội vàng đang bị bỏ lỡ

Bệnh thận mạn tính nếu không phát hiện sớm sẽ tiến triển âm thầm đến giai đoạn cuối rất nhanh, mọi người nên khám sức khỏe tổng quát hàng năm, đặc biệt chú ý đến xét nghiệm, cận lâm sàng để tầm soát bệnh thận.

Chỉ chưa đến 10% người mắc bệnh thận mạn tính (CKD) biết mình mang bệnh. Trong khi đó, theo thống kê, Việt Nam có đến 8,7 triệu người trưởng thành đang âm thầm sống chung với căn bệnh nguy hiểm này. CKD không chỉ gây suy giảm sức khỏe nghiêm trọng, làm giảm tuổi thọ, mà còn khiến hàng trăm ngàn người lâm vào cảnh kiệt quệ vì chi phí điều trị.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với BS.CKII Vũ Thị Minh Hoa – Trưởng khoa Thận - Lọc máu Bệnh viện Nguyễn Tri Phương về “cơ hội vàng” để kiểm soát bệnh hiệu quả, giúp giảm gánh nặng cho người bệnh, gia đình và cả hệ thống y tế.

PV: Thưa bác sĩ, bệnh thận mạn tính so với các bệnh phổ biến khác như thế nào? Bác sĩ có thể chia sẻ số liệu chung ở Việt Nam? Và tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, số lượng bệnh nhân bệnh thận mạn như thế nào?

BS.CKII Vũ Thị Minh Hoa: Bệnh thận mạn tính hiện nay là một bệnh rất phổ biến. Hầu như ở bất kỳ chuyên khoa nào, chúng tôi cũng gặp bệnh nhân mắc bệnh thận mạn ở nhiều giai đoạn khác nhau. Nếu xét trong nhóm các bệnh mạn tính không lây, bệnh thận mạn đứng bên cạnh các bệnh lý phổ biến như tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp và rối loạn chuyển hóa.

BS.CKII Vũ Thị Minh Hoa - Trưởng khoa Thận - Lọc máu Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

BS.CKII Vũ Thị Minh Hoa - Trưởng khoa Thận - Lọc máu Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Theo một nghiên cứu quốc tế được công bố năm 2020, Việt Nam có khoảng 8,7 triệu người mắc bệnh thận mạn, tương đương với khoảng 12,8% dân số. Tức là, cứ 10 người thì có hơn 1 người đang mắc căn bệnh này. Tỷ lệ này được đánh giá là cao so với mặt bằng chung của thế giới.

Trên toàn cầu, CKD ảnh hưởng đến khoảng 850 triệu người và đã trở thành nguyên nhân tử vong xếp thứ 19 vào năm 2013, xếp thứ 12 vào năm 2017. Dự đoán đoán đến năm 2040 sẽ xếp vị trí thứ 5. Hiện nay, bệnh thận gây tử vong đứng top 10 nguyên nhân tử vong hàng đầu thế giới.

Tỷ lệ tử vong do bệnh này cũng rất đáng báo động. Người ta ước tính có từ 5 đến 10 triệu người mắc bệnh thận mạn tử vong mỗi năm. Điều đó cho thấy mức độ nghiêm trọng và cần được quan tâm của căn bệnh này.

Tại Khoa Thận - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, chúng tôi từng khảo sát cho thấy có khoảng 70% bệnh nhân đến khám thuộc diện mắc bệnh thận mạn. Còn lại là các trường hợp bị tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm thận…, dù chưa đủ tiêu chí chẩn đoán CKD nhưng có nguy cơ cao dẫn đến suy thận mạn trong tương lai.

Khu chạy thận nhân tạo theo tiêu chuẩn Nhật Bản ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Khu chạy thận nhân tạo theo tiêu chuẩn Nhật Bản ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

PV: Bệnh thận mạn tính ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe và cuộc sống của bệnh nhân, thưa bác sĩ?

BS.CKII Vũ Thị Minh Hoa: Bệnh thận mạn là bệnh mạn tính nên ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe thể chất, tinh thần và tài chính. Khi chức năng thận suy giảm, cơ thể rối loạn nhiều mặt: người bệnh cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, thiếu máu, tăng huyết áp, rối loạn xương, suy giảm khả năng lọc độc tố. Các chất thải tích tụ lâu ngày sẽ gây tổn thương nhiều cơ quan như não, tim, phổi, gan...

Ở giai đoạn nặng, người bệnh có thể bị tiểu ít, phù toàn thân, thậm chí suy đa cơ quan. Khi đã bước sang giai đoạn cuối, họ buộc phải lọc máu định kỳ để duy trì sự sống. Quá trình này rất vất vả và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày. Sau mỗi lần lọc máu, nhiều người rất mệt, không thể làm việc như bình thường. Về lâu dài, đặc biệt là với người trẻ tuổi, chất lượng sống và khả năng lao động bị giảm sút nghiêm trọng.

Chi phí điều trị là một gánh nặng khác. Với người có BHYT, mỗi tháng vẫn phải chi thêm khoảng 2-4 triệu đồng (tùy mức hưởng của BHYT). Còn không có BHYT, chi phí có thể từ 10 đến 20 triệu mỗi tháng, chưa kể các kỹ thuật cao cấp. Nhiều gia đình kiệt quệ vì phải xoay xở nuôi người bệnh.

Ngoài ra, người thân cũng bị ảnh hưởng lớn. Việc chăm sóc bệnh nhân suy thận mạn kéo dài nhiều năm, mất rất nhiều thời gian, công sức trong việc đưa đi khám, chăm sóc cho người thân. Tình trạng kiệt sức, căng thẳng ở người chăm sóc cũng là vấn đề đáng quan tâm.

PV: Như bác sĩ chia sẻ, bệnh thận mạn không có triệu chứng điển hình. Vậy có những cách thức nào để phát hiện ra bệnh và ngăn ngừa bệnh tiến triển?

BS.CKII Vũ Thị Minh Hoa: CKD thường diễn tiến âm thầm, không triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu, nên rất dễ bị bỏ qua. Do đó, chiến lược hiệu quả nhất là phát hiện sớm và điều trị sớm. Việc khám sức khỏe định kỳ, ít nhất mỗi năm một lần, là rất cần thiết – đặc biệt với các nhóm nguy cơ cao như người có tiền sử gia đình mắc bệnh thận, người bị đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, béo phì...

Hiện nay, việc tầm soát bệnh khá đơn giản, chỉ cần xét nghiệm máu và nước tiểu để đo creatinine huyết thanh, tính eGFR và kiểm tra albumin niệu. Các xét nghiệm này có chi phí hợp lý, dễ thực hiện tại các cơ sở y tế ban đầu. Việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm giúp việc điều trị đạt hiệu quả rõ rệt, làm chậm tiến triển đến giai đoạn cuối, giảm nguy cơ tử vong. Đặc biệt, hiện có những phương pháp điều trị mới đã chứng minh hiệu quả rõ rệt về mặt lâm sàng và chi phí.

Một bước tiến đáng chú ý là nhóm thuốc SGLT-2i, đơn cử như trong nghiên cứu Dapa CKD, có sự tham gia của bệnh nhân Việt Nam – cho thấy thuốc giúp giảm 39% nguy cơ bệnh tiến triển và 31% nguy cơ tử vong. Bộ Y tế cũng đã đưa nhoims thuốc này vào hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh thận mạn từ tháng 8/2024. Tuy nhiên, cần lưu ý nhóm thuốc phải có sự chỉ định của bác sĩ, không phải người dân tự ý sử dụng.

Bệnh thận mạn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe thể chất, tinh thần và tài chính của người bệnh

Bệnh thận mạn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe thể chất, tinh thần và tài chính của người bệnh

PV: Trong những năm gần đây, đã có những thay đổi gì trong việc quản lý bệnh thận mạn tính tại Việt Nam? Những thay đổi này tác động như thế nào đến việc chẩn đoán sớm và điều trị bệnh?

BS.CKII Vũ Thị Minh Hoa: Nhìn chung, có những thay đổi tích cực trong việc quản lý bệnh thận mạn tại Việt Nam, bao gồm việc nâng cao nhận thức, tầm soát sớm và cập nhật phác đồ điều trị.

Nhận thức của giới chuyên môn về bệnh thận mạn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Không chỉ bác sĩ chuyên khoa thận, mà các chuyên khoa khác như tim mạch, nội tiết cũng bắt đầu chú trọng sàng lọc và theo dõi chức năng thận của bệnh nhân.

Các hướng dẫn điều trị mới được cập nhật, giúp chuẩn hóa quy trình chẩn đoán và điều trị. Những loại thuốc mới cũng đã có mặt tại Việt Nam, mở ra hy vọng mới trong việc kiểm soát bệnh hiệu quả hơn. Tuy nhiên, trở ngại vẫn là chi phí – nhiều thuốc chưa được BHYT chi trả đầy đủ, khiến không phải bệnh nhân nào cũng tiếp cận được.

Tỷ lệ người dân chủ động khám sức khỏe, kiểm tra chức năng thận cũng đã tăng, nhưng nhìn chung vẫn còn thấp. Một phần là do thiếu kiến thức, phần khác là do tâm lý chủ quan, đặc biệt khi chưa có triệu chứng.

Bên cạnh đó, thói quen ăn uống không hợp lý như lạm dụng thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, thực phẩm không rõ nguồn gốc… cũng là yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ tổn thương thận. Có những trường hợp rất đáng tiếc: người bệnh đã được cảnh báo nhưng vẫn theo đuổi các phương pháp truyền miệng, uống thuốc không rõ nguồn gốc, dẫn đến tổn thương thận không hồi phục và phải chạy thận suốt đời.

Nếu được sàng lọc sớm và can thiệp kịp thời, người mắc bệnh thận mạn sẽ tránh được các biến chứng

Nếu được sàng lọc sớm và can thiệp kịp thời, người mắc bệnh thận mạn sẽ tránh được các biến chứng

PV: Hiện nay tại Bệnh viện của bác sĩ có tiến hành hoạt động chẩn đoán sớm hay không? Người bệnh hoặc người muốn chẩn đoán sớm có thể đăng ký như thế nào?

BS.CKII Vũ Thị Minh Hoa: Tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, chúng tôi thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề cho bệnh nhân – đặc biệt là người mắc bệnh mạn tính – để nâng cao hiểu biết về bệnh thận, chế độ ăn uống, sinh hoạt và điều trị.

Người dân hoàn toàn có thể đến các cơ sở y tế có đủ năng lực để được làm xét nghiệm tầm soát sớm bệnh thận mạn. Việc khám định kỳ không chỉ giúp phát hiện sớm bệnh thận, mà còn phát hiện được các bệnh lý mạn tính khác liên quan. Hiện nay, tình trạng sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng, thuốc bổ sung trôi nổi theo quảng cáo vẫn còn rất phổ biến. Việc dùng các sản phẩm này mà không có chỉ định dễ gây hại cho gan, thận và nhiều hệ cơ quan khác.

Bệnh thận mạn nếu không phát hiện sớm sẽ tiến triển âm thầm đến giai đoạn cuối rất nhanh. Vì vậy, tôi khuyên mọi người – dù khỏe mạnh – vẫn nên khám sức khỏe tổng quát hàng năm, đặc biệt chú ý đến xét nghiệm, cận lâm sàng để tầm soát bệnh thận. Với người đã có bệnh, cần tuân thủ điều trị, thay đổi lối sống và tái khám định kỳ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của bác sĩ!

Từ năm 2023, chương trình “CAREME – Yêu lấy mình” do AstraZeneca phối hợp cùng Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã triển khai các chương trình khám sàng lọc bệnh tim mạch, thận cho người dân tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

Riêng năm 2024, hơn 200.000 người được sàng lọc các yếu tố nguy cơ liên quan đến thận, xác định sớm gần 10.000 bệnh nhân. Trong đó, đáng chú ý, 10% có kết quả UACR/eGFR ban đầu dương tính, cho thấy vai trò của việc sàng lọc sớm và can thiệp kịp thời, giúp người bệnh tránh được các biến chứng và ngăn chặn sự tiến triển của bệnh đến giai đoạn cuối (ESKD).

Tháng 11/2024, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đề xuất đưa bệnh thận mạn và một số bệnh không lây nhiễm khác vào danh mục các bệnh trong Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2026 - 2035, xây dựng chiến lược, kế hoạch tổng thể phòng chống hiệu quả các bệnh mạn tính có tỉ lệ thương tật và tử vong cao.

PV/VOV.VN (thực hiện)

Nguồn VOV: https://vov.vn/suc-khoe/chan-doan-som-benh-than-man-tinh-co-hoi-vang-dang-bi-bo-lo-post1193344.vov
Zalo