Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phòng, chống rửa tiền theo chuẩn mực quốc tế

Ngày 15/5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội thảo trực tiếp và trực tuyến lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 09/2023/TT-NHNN ngày 28/7/2023 của Thống đốc NHNN Hướng dẫn một số điều của Luật phòng chống rửa tiền.

Bà Nguyễn Thị Minh Thơ, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền phát biểu tại Hội thảo

Bà Nguyễn Thị Minh Thơ, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền phát biểu tại Hội thảo

Theo bà Nguyễn Thị Minh Thơ, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền (NHNN), trong thời gian qua, công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thể hiện ở cả trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và lẫn tổ chức thực thi, cả hoạt động quản lý giám sát, tổ chức triển khai trong nước và hoạt động hợp tác quốc tế. Trong đó, sau hơn hai năm thực thi Luật Phòng, chống rửa tiền 2022, Thông tư 09 đã đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn thực hiện các nghĩa vụ của đối tượng báo cáo.

Tuy nhiên, thực tiễn triển khai đã cho thấy một số nội dung cần được điều chỉnh, cập nhật để đảm bảo phù hợp hơn với thực tế, đồng thời đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quốc tế, đặc biệt là những khuyến nghị của các tiêu chuẩn toàn cầu được quốc tế công nhận về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố (FATF).

Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 09/2023/TT- NHNN là vấn đề vô cùng cấp thiết. Bởi một trong những trọng tâm công tác hiện nay là thực hiện cam kết quốc tế của Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là liên quan đến Hành động số 5: “Thực hiện hành động để giải quyết những thiếu hụt liên quan đến khuôn khổ pháp lý của Việt Nam về các quy định và yêu cầu giám sát FI, DNFBP về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố; các biện pháp phòng ngừa, đặc biệt là đối với các khuyến nghị 10, 11, 12, 16, 20 thuộc bộ chuẩn mực của FATF”. Đây là nền tảng quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố theo chuẩn mực quốc tế

Song song với việc hoàn thiện khung pháp lý, vấn đề thực tiễn đặt ra là tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc chính của đối tượng báo cáo trong quá trình triển khai Thông tư 09/2023/TT-NHNN. Việc giải quyết các vướng mắc này sẽ giúp các tổ chức, cá nhân tuân thủ quy định một cách hiệu quả và thuận lợi hơn. Đồng thời hỗ trợ công tác giám sát, nâng cao hiệu quả từ phía NHNN và các cơ quan quản lý chuyên ngành, bà Nguyễn Thị Minh Thơ khẳng định.

Dự thảo Thông tư mới này sửa đổi, bổ sung các nội dung quy định quan trọng của Thông tư số 09. Các điểm được điều chỉnh, cập nhật bao gồm tiêu chí và phương pháp đánh giá rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo, quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền và phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền. Bên cạnh đó, dựu thảo Thông tư cũng sửa đổi các quy định liên quan đến quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền. Đặc biệt, các chế độ báo cáo giao dịch cũng được điều chỉnh, bao gồm chế độ báo cáo giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo, chế độ báo cáo giao dịch đáng ngờ và giao dịch chuyển tiền điện tử. Cuối cùng, dự thảo Thông tư làm rõ hơn về hình thức và thời hạn báo cáo dữ liệu điện tử.

Đối tượng chịu sự điều chỉnh trong lần sửa đổi bổ sung Thông tư này được xác định bao gồm các đối tượng đã quy định tại Thông tư số 09/2023/TT-NHNN là tổ chức tài chính; tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan; tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức nước ngoài, người nước ngoài, tổ chức quốc tế có giao dịch với tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan; tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến phòng chống rửa tiền.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Nội dung sửa đổi bao gồm Điều 3. Tiêu chí, phương pháp đánh giá rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo; Điều 4. Quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền và phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền; Điều 5. Quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền; Điều 6. Chế độ báo cáo giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo; Điều 7. Chế độ báo cáo giao dịch đáng ngờ; Điều 8. Giao dịch chuyển tiền điện tử; Điều 9. Chế độ báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử; Điều 10. Hình thức và thời hạn báo cáo dữ liệu điện tử; Phụ lục. Sửa đổi Phụ lục 2 và Bổ sung Phụ lục 3…

Tại Hội thảo bà bà Nguyễn Thị Minh Thơ cũng chỉ ra một điểm khác biệt quan trọng trong dự thảo lần này so với quy định hiện hành tại Thông tư số 09/2023/TT-NHNN. Sự khác biệt này không chỉ là câu chữ mang tính kỹ thuật mà còn có thể tác động đáng kể đến các đối tượng nằm trong sự điều chỉnh. Việc làm rõ và thảo luận kỹ lưỡng về điểm khác biệt này trong Hội thảo là rất cần thiết để đảm bảo rằng khi Thông tư chính thức được ban hành, các đối tượng chịu sự điều chỉnh có thể hiểu rõ, chuẩn bị đầy đủ và triển khai một cách hiệu quả.

Hội nghị nhận được nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn, xây dựng từ đại diện các tổ chức tài chính, các ngành nghề phi tài chính liên quan,chuyên gia pháp lý và các bên có liên quan khác. Những ý kiến này được chia sẻ từ góc độ thực tiễn triển khai công tác phòng, chống rửa tiền tại đơn vị, cũng như từ kinh nghiệm và sự am hiểu chuyên sâu về các chuẩn mực quốc tế.

Tại Hội thảo, đại diện NHNN khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến và hoàn thiện dự thảo phù hợp, đảm bảo vừa đáp ứng các yêu cầu tuân thủ quốc tế, vừa phù hợp với thực tiễn Việt Nam, giảm thiểu rủi ro không cần thiết, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, góp phần vào sự an toàn, lành mạnh của hệ thống tài chính và nền kinh tế.

Hương Giang - Hoàng Giáp

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/hoan-thien-khuon-kho-phap-ly-phong-chong-rua-tien-theo-chuan-muc-quoc-te-164212.html
Zalo