Việt Nam là đối tác tiềm năng trong lĩnh vực chế biến và tái xuất thủy sản của Na Uy

Na Uy là quốc gia hàng đầu về khai thác và nuôi trồng thủy sản; trong khi đó, Việt Nam là đối tác đầy tiềm năng trong lĩnh vực chế biến và tái xuất thủy sản. Vì vậy, việc hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ sẽ giúp hai nước phát triển các mô hình sản xuất xanh, bền vững, góp phần nâng cao giá trị, vị thế và thương hiệu thủy sản trên thị trường quốc tế...

Na Uy coi Việt Nam là đối tác đầy tiềm năng trong lĩnh vực chế biến và tái xuất thủy sản. Ảnh minh họa.

Na Uy coi Việt Nam là đối tác đầy tiềm năng trong lĩnh vực chế biến và tái xuất thủy sản. Ảnh minh họa.

Chia sẻ với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, bà Ashild Nakken - Giám đốc Hội đồng Hải sản Na Uy (NSC) tại Đông Nam Á, cho biết Việt Nam là một trong những thị trường lớn nhất khu vực Đông Nam Á đối với các sản phẩm hải sản từ quốc gia Bắc Âu. Vì vậy, Na Uy cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam để xây dựng ngành khai thác, nuôi trồng hải sản trong nước.

Bà có thể chia sẻ về thành quả trong hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và Na Uy trong việc phát triển ngành khai thác thủy, hải sản?

Na Uy coi Việt Nam là đối tác đầy tiềm năng trong lĩnh vực chế biến và tái xuất thủy sản, đánh giá cao cơ sở hạ tầng hiện đại, tiến bộ công nghệ và lực lượng lao động lành nghề của Việt Nam. Việc chế biến cá saba Na Uy tại Việt Nam cũng minh chứng cho tiềm năng hợp tác, mang lại lợi ích cho cả hai nước trong chuỗi giá trị hải sản.

Na Uy là quốc gia hàng đầu về khai thác và nuôi trồng thủy sản, với các giá trị cốt lõi là phát triển bền vững và bảo vệ môi trường song song với việc không ngừng nâng cao giá trị kinh tế và uy tín toàn cầu của ngành thủy sản quốc gia.

Việt Nam cũng là quốc gia có tiềm năng lớn trong phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, quản lý có trách nhiệm. Bằng việc hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ, Na Uy và Việt Nam có thể cùng nhau phát triển các mô hình sản xuất xanh, bền vững, góp phần nâng cao giá trị, vị thế và thương hiệu thủy sản trên thị trường quốc tế.

Na Uy cung đã góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ Việt Nam xây dựng Luật Thủy sản đầu tiên. Chúng tôi nhận thấy Việt Nam đang có định hướng mở rộng việc canh tác thủy hải sản trên biển và đại dương, trong khi Na Uy sở hữu nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Vì vậy, chúng tôi đang tiếp tục đối thoại với Bộ Nông Nghiệp và Môi Trường để tìm ra những lĩnh vực chúng tôi có thể chia sẻ kinh nghiệm, từ đó giúp Việt Nam phát triển ngành thủy hai sản.

Bà đánh giá thế nào về tiềm năng của thị trường Việt Nam đối với hải sản đến từ Na Uy?

Tiềm năng phát triển của hải sản Na Uy tại thị trường Việt Nam là rất lớn. Xuất khẩu hải sản Na Uy sang Việt Nam năm 2024 đạt hơn 72.000 tấn với giá trị 252 triệu USD, tăng 20% về giá trị và 16% về sản lượng so với năm trước, đây là mức cao nhất từ trước đến nay.

Xuất khẩu cá hồi Na Uy sang Việt Nam vượt 24.000 tấn, đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiêu thụ hải sản Na Uy lớn nhất tại Đông Nam Á. Việt Nam cũng xếp thứ năm trong nhóm thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất đối với hải sản Na Uy, sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh và Hà Lan.

Bà Åshild Nakken, Giám đốc Hội đồng Hải sản Na Uy (NSC) tại Đông Nam Á.

Bà Åshild Nakken, Giám đốc Hội đồng Hải sản Na Uy (NSC) tại Đông Nam Á.

Hành trình hải sản của chúng tôi tại Việt Nam chỉ mới bắt đầu. Với sự phát triển nhanh chóng của ngành bán lẻ và dịch vụ ẩm thực, chúng tôi rất vui mừng khi thấy hải sản Na Uy ngày càng trở thành lựa chọn tin cậy và được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam.

Dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng cao vào năm 2030, đồng nghĩa với việc ngày càng nhiều người tiêu dùng có cơ hội thưởng thức cá hồi và các loại hải sản khác từ Na Uy.

Na Uy có nhiều loại hải sản được nuôi trồng theo hướng bền vững, trong môi trường nước lạnh và sạch. Ngoài cá hồi, chúng tôi đã bắt đầu xuất khẩu cua nâu sang Việt Nam và hy vọng có thể tiếp tục mở rộng với nhiều loại hải sản khác.

Theo chiều ngược lại, tôi cũng tin rằng hải sản Việt Nam có cơ hội phát triển tại các thị trường Bắc Âu như Na Uy. Hiện tại, một số sản phẩm như tôm từ Việt Nam đã có mặt tại thị trường châu Âu.

Kế hoạch sắp tới của Hội đồng Hải sản Na Uy tại Việt Nam như thế nào, thưa bà?

Hội đồng Hải sản Na Uy (NSC) trong thời gian tới sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ ẩm thực nhằm đảm bảo người tiêu dùng Việt Nam có thể thưởng thức hải sản Na Uy chất lượng cao tại nhà hàng cũng như tại gia đình. NSC sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nâng cao nhận thức, triển khai các chiến dịch tiếp thị, phát triển quan hệ hợp tác địa phương, tổ chức các chương trình đào tạo như Học viện Cá hồi Na Uy và tăng cường kết nối với các đối tác chiến lược trong ngành.

Cam kết của Na Uy về phát triển bền vững, minh bạch và khai thác hải sản có trách nhiệm hoàn toàn phù hợp với giá trị của người tiêu dùng Việt Nam, trong đó 82,2% ưu tiên lựa chọn các sản phẩm hải sản có nguồn gốc bền vững. Nhãn hiệu “Seafood from Norway” bảo chứng cho chất lượng và xuất xứ của hải sản Na Uy, chúng tôi trân trọng các đối tác trong ngành đăng ký sử dụng nhãn hiệu này để gia tăng giá trị sản phẩm trên thị trường.

NSC sẽ tiếp tục cam kết đồng hành cùng người tiêu dùng Việt Nam, mang đến những sản phẩm hải sản tinh túy nhất từ vùng biển lạnh và trong lành của Na Uy thông qua hệ thống phân phối bán lẻ và dịch vụ ẩm thực trên toàn quốc.

Từ kinh nghiệm lâu năm trong việc khai thác hải sản của Na Uy, theo bà Việt Nam cần thực hiện những giải pháp nào để sớm được gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) về IUU?

Từ kinh nghiêm của Na Uy, chìa khóa để quản lý nghề cá một cách bền vững và đáng tin cậy nằm ở việc xây dựng một hệ thống minh bạch, có thể thực thi và tin cậy cả trong nước lẫn quốc tế. Dựa trên kinh nghiệm của chúng tôi, tôi muốn nhấn mạnh ba lĩnh vực thiết yếu mà Việt Nam có thể cần tăng cường hơn nữa trong thời gian tới.

Thứ nhất, số hóa và truy xuất nguồn gốc. Ở Na Uy, từng con cá đều có thể được truy xuất từ biển đến bàn ăn. Chúng tôi áp dụng chế độ báo cáo điện tử bắt buộc đối với sản lượng đánh bắt, vị trí tàu và việc cập cảng, tất cả đều được tích hợp theo thời gian thực. Một hệ thống kỹ thuật số tập trung cho phép cả cơ quan quản lý và người mua xác minh nguồn gốc hải sản ở mọi bước. Việc phát triển một hệ thống liền mạch như vậy không chỉ xây dựng lòng tin với thị trường mà còn là điều kiện then chốt để đáp ứng các tiêu chuẩn của EU.

Thứ hai, thực thi và răn đe. Na Uy đạt được mức độ tuân thủ cao nhờ kết hợp kiểm tra dựa trên đánh giá rủi ro với các chế tài nghiêm khắc. Những tàu vi phạm sẽ chịu hậu quả nghiêm trọng, từ phạt tiền lớn đến truy cứu hình sự và tước giấy phép. Việc thực thi cần công bằng nhưng cứng rắn và mọi hành vi vi phạm phải được xử lý nhất quán ở tất cả các cấp, từ trên biển, tại cảng cho đến khâu vận chuyển.

Thứ ba, có lẽ quan trọng nhất là sự tham gia của các bên liên quan. Hệ thống của Na Uy chỉ hoạt động hiệu quả vì ngành khai thác thủy sản là một phần trong giải pháp. Ngư dân, doanh nghiệp chế biến và cơ quan quản lý cùng xây dựng quy định và chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo vệ tính bền vững. Hoạt động tuyên truyền, đào tạo và cơ chế đồng quản lý góp phần hình thành văn hóa tuân thủ.

Theo bà, trong thời gian tới, Na Uy và Việt Nam cần phải làm gì để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước, đặc biệt trong ngành khai thác thủy hải sản?

Để tăng cường hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực thủy sản, Na Uy và Việt Nam nên tập trung vào năm lĩnh vực chiến lược.

Một là, chuyển giao công nghệ và chia sẻ tri thức. Kinh nghiệm lâu năm của Na Uy trong nuôi biển bền vững có thể hỗ trợ đáng kể cho mục tiêu phát triển nuôi biển quy mô lớn, thân thiện với môi trường của Việt Nam.

Hai là, hai nước cần cụ thể hóa ý định thư ký năm 2021 về hợp tác nuôi trồng thủy sản thành các dự án chung nhằm xây dựng năng lực cho Việt Nam trong lĩnh vực đang phát triển này.

Ba là, chúng tôi thấy tiềm năng lớn trong việc hợp tác nghiên cứu, đặc biệt là về nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý dịch bệnh và các giải pháp thức ăn bền vững. Đây là những thách thức chung mà sự đổi mới hợp tác có thể mang lại lợi ích lâu dài.

Bốn là, chúng tôi khuyến khích thêm các khoản đầu tư từ Na Uy vào chuỗi giá trị thủy sản tại Việt Nam, từ giống, nuôi trồng cho đến chế biến và hậu cần. Sự hiện diện của các doanh nghiệp Na Uy hiện đang hoạt động tại Việt Nam là nền tảng vững chắc để mở rộng hợp tác kinh doanh.

Năm là, hai bên cần tăng cường hoạt động đào tạo và phát triển năng lực. Việc tạo thêm cơ hội cho các chuyên gia Việt Nam học hỏi từ các chuyên gia Na Uy trong lĩnh vực nuôi trồng, quản lý nghề cá và chế biến thủy sản sẽ góp phần nâng cao nguồn nhân lực và thúc đẩy tăng trưởng bền vững cho ngành.

Việt An

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/viet-nam-la-doi-tac-tiem-nang-trong-linh-vuc-che-bien-va-tai-xuat-thuy-san-cua-na-uy.htm
Zalo