Gỡ khó cho việc sử dụng điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp
Ngày 15/5 tại Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) phối hợp với Viện Nghiên cứu ứng dụng Năng lượng thông minh (iSEAR) tổ chức diễn đàn 'Điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp: Giải pháp cho doanh nghiệp triển khai hiệu quả'.

Hệ thống pin điện mặt trời được lắp đặt trên mái nhà xưởng ở Khu công nghiệp Phú Tài, thành phố Quy Nhơn. Ảnh minh họa: Nguyên Linh/TTXVN
Sự kiện thu hút mối quan tâm của đông đảo cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư khu công nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, cùng các chuyên gia, nhà khoa học.
Tại diễn đàn, nội dung được đề cập và tập trung thảo luận là những thuận lợi và khó khăn khi đầu tư lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại nhà máy, nhà xưởng khu chế xuất, quy định hiện hành về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) chưa được thực hiện hóa ở nhiều khu công nghiệp. Đồng thời, các diễn giả cũng đề xuất, tham mưu, góp ý các giải pháp về công nghệ ứng dụng, bài toán về tài chính xanh cho mô hình điện mặt trời mái nhà, cũng như các phương pháp triển khai Nghị định số 57/2025/NĐ - CP quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn trên mái nhà xưởng cho doanh nghiệp, trong khu công nghiệp đạt hiệu quả.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ghi nhận, hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero), trong những năm qua, Việt Nam tự hào là một trong những quốc gia tiên phong trong việc thực hiện giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu lần thứ 4 mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, Việt Nam tái khẳng định cam kết phát triển bền vững, chuyển đổi năng lượng và thực hiện mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Về thể chế, Việt Nam cơ bản đã xây dựng các cơ chế, chính sách cần thiết cho tăng trưởng xanh, đó là các Quy hoạch quốc gia, quy hoạch tổng thể năng lượng, các chiến lược, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực năng lượng tái tạo phục vụ cho lộ trình tăng trưởng xanh trong thời gian tới.
Về chính sách, đến tháng 3/2025, Chính phủ đã ban hành một loạt các cơ chế chính sách như Nghị định số 57/2025 - Quy định về Cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn, Nghị định số 58/2025 - quy định chi tiết Luật Điện lực về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới. Các chính sách này đã tạo hành lang pháp lý vững chắc cho kế hoạch thực hiện xanh hóa, chuyển dịch sang sử dụng năng lượng sạch của doanh nghiệp. Những chính sách trên đã góp phần không nhỏ giúp doanh nghiệp chủ động và mạnh dạn hơn trong lộ trình thực hiện chiến lược phát triển xanh và bền vững.
Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng đặt vấn đề, hiện nay doanh nghiệp trong khu công nghiệp đang gặp khó khăn khi đầu tư, lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà do chưa có quy định cụ thể. Các thủ tục, văn bản hướng dẫn từ các bộ, ngành chưa được rõ ràng, nhất quán. Doanh nghiệp muốn lắp đặt, sử dụng điện mặt trời mái nhà còn loay hoay chưa biết áp dụng theo quy định nào. Vì thế, diễn đàn được tổ chức nhằm tổng hợp ý kiến, đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy việc lắp đặt và sử dụng điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp.
Trong bối cảnh chi phí năng lượng liên tục leo thang, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt và yêu cầu giảm phát thải carbon trở thành điều kiện bắt buộc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, hệ thống điện mặt trời mái nhà đang nổi lên như một giải pháp chiến lược, tiết kiệm chi phí sản xuất và thực hiện xanh hóa sản xuất cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
Năm 2025, Việt Nam đặt ra mục tiêu đầy tham vọng với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8% và giai đoạn 2026 – 2030 phấn đấu ở mức hai con số, đòi hỏi điện năng tăng trưởng gấp 1,5 lần, tương ứng mỗi năm cần bổ sung từ 8.000 - 10.000 MW. Đây là thách thức lớn, đòi hỏi cần có giải pháp nhanh chóng phát triển nguồn điện, nhất là các nguồn năng lượng phân tán, có yếu tố bổ sung nhanh như nguồn điện mặt trời mái nhà.
Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đã có những thay đổi đáng chú ý về công suất, cấu trúc nguồn điện và định hướng khai thác năng lượng tái tạo, nhằm phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên hiện tại, doanh nghiệp trong khu công nghiệp vẫn chưa mặn mà khi đầu tư, lắp đặt điện mặt trời mái nhà, do sức hấp dẫn đầu tư về mô hình này chưa cao, khiến sự chuyển dịch năng lượng xanh còn ì ạch, chưa đạt như kỳ vọng.
Bên cạnh đó, với các trường hợp mua bán điện trực tiếp theo cơ chế (DPPA) các cơ quan, tổ chức, vẫn gặp các vướng mắc khi thực hiện các thủ tục hành chính khác tại Sở Công Thương của tỉnh khi nộp hồ sơ xin đăng ký, phát triển dự án. Cụ thể như giấy phép về chủ trương đầu tư và các hướng dẫn chưa rõ ràng nên doanh nghiệp chưa thể triển khai được.
Việc thực hiện chiến lược cắt giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện các thỏa thuận Xanh của EU đang tạo ra những thay đổi lớn đối với xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ sớm ban hành cơ chế đặc thù khuyến khích mô hình này, nhằm thúc đẩy, phát triển nguồn năng lượng xanh trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Đồng thời, doanh nghiệp đề xuất các bộ, ban ngành sớm hoàn thiện các quy định, thông tư, hướng dẫn rõ ràng về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), nhằm thu hút nguồn lực đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn, chủ động chuyển dịch năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo trong trong sản xuất.
Ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành (Ban Chính sách, chiến lược Trung ương) cho hay, Việt Nam hiện có khoảng 419 khu công nghiệp đã được thành lập; trong đó, 381 khu đang hoạt động; 900 cụm công nghiệp được quy hoạch; trong đó 700 cụm đã đi vào hoạt động với trên 40.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp. Với lợi thế diện tích mái nhà xưởng rộng lớn và nhu cầu tiêu thụ điện cao tập trung, tiềm năng khai thác điện mặt trời áp mái tại các khu, cụm công nghiệp là rất lớn. Một số ước tính cho rằng, tiềm năng kỹ thuật có thể lên tới trên 12-20 GWpeak, tương đương công suất của khoảng trên 10 nhà máy nhiệt điện than cỡ lớn - đây một nguồn điện xanh khổng lồ ngay trong lòng các khu công nghiệp mà họ có thể tự sản xuất, tự tiêu thụ.
Dù có nhiều tiềm năng và được kỳ vọng cao, thực tế triển khai năng lượng xanh, cụ thể là điện mặt trời áp mái, hiện vẫn đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Theo đó, hành lang pháp lý chưa đồng bộ, rõ ràng, thiếu quy định cụ thể về đăng ký, đấu nối, vận hành hệ thống. Nhiều dự án đã phải tạm dừng chờ hướng dẫn, làm lỡ nhịp đầu tư. Thêm nữa là rào cản, gánh nặng chi phí đầu tư ban đầu; việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái đòi hỏi vốn đầu tư nhiều tỷ đồng cho mỗi MW, khiến không ít doanh nghiệp dù muốn cũng khó thu xếp nguồn lực tài chính. Cuối cùng là cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại nhiều khu công nghiệp chưa sẵn sàng cho việc tích hợp nguồn điện phân tán. Hệ thống lưới điện nội bộ của một số khu công nghiệp còn yếu, thiếu các thiết bị đo đếm và điều khiển hai chiều hiện đại, dẫn đến lo ngại về an toàn vận hành. Ngoài ra, nhận thức và kỹ năng về phát triển, quản lý hệ thống năng lượng xanh của một bộ phận doanh nghiệp còn hạn chế; không ít doanh nghiệp e ngại rủi ro công nghệ mới hoặc chưa đánh giá đúng lợi ích dài hạn của việc đầu tư năng lượng sạch...
Trước những vấn đề đặt ra, ông Nguyễn Ngọc Trung khuyến nghị các giải pháp như sớm hoàn thiện thể chế, hỗ trợ tài chính để khuyến khích đầu tư, nâng cấp hạ tầng và quản lý kỹ thuật, tăng cường đào tạo và nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp; đồng thời, thúc đẩy hợp tác công - tư và quốc tế trong phát triển năng lượng xanh.
Tại diễn đàn, các doanh nghiệp còn đề xuất các cơ quan Nhà nước thực thi hiệu quả, minh bạch và có trách nhiệm trong việc hướng dẫn triển khai Nghị định số 57/2025/NĐ-CP của Chính phủ về DPPA; đồng thời đề xuất các bộ, ngành nghiên cứu, đơn giản hóa các thủ tục hành chính...