Hỗ trợ cơ chế chính sách để hộ kinh doanh 'chịu lớn'

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, thời gian qua, Bộ Chính trị, trực tiếp là Tổng Bí thư đã chỉ đạo rất quyết liệt việc hỗ trợ hộ kinh doanh để thúc đẩy sự phát triển của khu vực này. Để các hộ kinh doanh 'lớn lên' mạnh mẽ, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời, thay vì để họ tự phát triển một cách chậm chạp.

Việt Nam hiện có trên 5,2 triệu hộ kinh doanh, tạo ra 8-9 triệu việc làm, tương đương với khối công ty tư nhân. Nếu 1/5 số hộ này chuyển thành doanh nghiệp, Việt Nam sẽ đạt mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp đặt ra cho năm 2030, nâng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Giới chuyên gia cho rằng, để các hộ kinh doanh “chịu lớn” cần có những chính sách thực sự đột phá, đồng bộ và sát với thực tiễn. Nhận diện rõ điều này cùng với đề xuất lâu nay của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, Chính phủ đã đưa nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh vào 1 trong 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tại Nghị quyết số 138/NQ-CP ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân vừa nhằm tháo gỡ những nút thắt lớn nhất đối với phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Trong đó, thực hiện hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, nhất là cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh. Ưu tiên chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh là thanh niên, phụ nữ, nhóm yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và các mô hình kinh doanh bao trùm, tạo tác động xã hội.

Nội dung hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề cập và nhấn mạnh tại hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng, thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân mới đây.

Theo người đứng đầu Chính phủ, đây là vấn đề mà Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) Nguyễn Văn Thân đã nhiều lần đề xuất, đồng thời khẳng định đề xuất này là rất chính đáng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề cập vấn đề hỗ trợ hộ kinh doanh tại hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 ngày 18/5 vừa qua. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề cập vấn đề hỗ trợ hộ kinh doanh tại hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 ngày 18/5 vừa qua. (Ảnh: VGP)

"Thời gian qua, Bộ Chính trị, trực tiếp là Tổng Bí thư đã chỉ đạo vấn đề này rất quyết liệt để hộ kinh doanh lớn lên. Để lớn lên thì phải có cơ chế chính sách, tự hộ kinh doanh lớn lên cũng được nhưng sẽ chậm hơn. Giống như đứa trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng cẩn thận bao giờ cũng phát triển tốt hơn", Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Nghị quyết số 138/NQ-CP ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, hoàn thiện khung khổ pháp lý về kinh doanh cá thể theo hướng quy định mô hình quản trị, chế độ tài chính, kế toán...; có chính sách cung cấp cấp miễn phí các nền tảng số, phần mềm kế toán dùng chung, dịch vụ tư vấn pháp lý, đào tạo về quản trị doanh nghiệp, kế toán, thuế, nhân sự, pháp luật cho hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh.

Bộ Tài chính rà soát, sửa đổi các quy định pháp lý về chế độ tài chính, kế toán, thuế, bảo hiểm đối với doanh nghiệp siêu nhỏ theo hướng đơn giản hóa, dễ tuân thủ, dễ thực hiện, không làm phát sinh nhân sự về kế toán, hành chính để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Rà soát, sửa đổi Luật quản lý thuế để bãi bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh.

Sửa đổi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bổ sung chính sách cung cấp miễn phí các nền tảng số, phần mềm kế toán dùng chung, dịch vụ tư vấn pháp lý, đào tạo về quản trị doanh nghiệp, kế toán, thuế, nhân sự, pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.

Bình luận về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch VINASME cho biết, ông đặc biệt đánh giá cao Ban soạn thảo đã đưa ra giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa do thanh niên phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, người yếu thế, người khuyết tật làm chủ doanh nghiệp mở rộng thị trường thông qua việc tham gia vào các gói thầu mua sắm công.

Cụ thể, dự thảo Nghị quyết quy định gói thầu mua sắm công có giá gói thầu không quá 20 tỷ đồng được dành cho các đối tượng này. Trường hợp đã tổ chức đấu thầu, nếu không có doanh nghiệp nhỏ và vừa đáp ứng được yêu cầu thì được phép tổ chức đấu thầu lại hoặc áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu phù hợp khác và cho phép các doanh nghiệp khác được tham dự thầu.

Theo ông Thân, hiệp hội đã kiến nghị nội dung này từ rất lâu và giờ đã mới được đáp ứng.

Tuy nhiên, người đứng đầu VINASME cho rằng, một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vấn phải tiếp tục được làm rõ. Ví dụ, dự thảo Nghị quyết quy định hỗ trợ kinh phí triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng 10.000 giám đốc điều hành đến năm 2030; cung cấp miễn phí một số dịch vụ tư vấn pháp lý, đào tạo về quản trị doanh nghiệp, kế toán, thuế, nhân sự, pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh. Làm sao để gắn kết nhu cầu của doanh nghiệp, các kế hoạch đào tạo của doanh nghiệp với các chương trình hỗ trợ để tối ưu hóa hiệu quả.

Cùng đó, việc xem xét lại cơ chế và hiệu quả hoạt động của các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ đổi mới công nghệ... vì nhiều năm vẫn chưa hoạt động hiệu quả.

Ông Thân cho rằng, dù chính sách đã được ban hành, nếu không triển khai đồng bộ và quyết liệt thì sẽ khó tạo ra chuyển biến thực sự. Ngoài nỗ lực từ doanh nghiệp, rất cần sự nhất quán, quyết đoán từ chính quyền các cấp, từ đó góp phần đưa đất nước vươn mình mạnh mẽ hơn trong kỷ nguyên mới.

Minh Thu

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/ho-tro-co-che-chinh-sach-de-ho-kinh-doanh-chiu-lon/20250520034308090
Zalo