Sổ tay: Bộ tứ trụ cột: Động lực mới cho phát triển bền vững

Tại Hội nghị toàn quốc Quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30-4-2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh đến 'Bộ tứ trụ cột' - 4 yếu tố then chốt tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

4 trụ cột được Tổng Bí thư đề cập là 4 nghị quyết quan trọng mà Bộ Chính trị ban hành trong thời gian qua, gồm: Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22-12-2014 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 24-1-2025 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30-4-2025 về đổi mới công tác xây dựng thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4-5-2025 về phát triển kinh tế tư nhân.

Trong đó, Nghị quyết 57 đề ra đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia - trụ cột của năng lực cạnh tranh và tăng trưởng bền vững. Nghị quyết 59 xác lập chiến lược hội nhập quốc tế sâu rộng, chủ động, toàn diện - trụ cột của vị thế và sức mạnh mềm quốc gia. Nghị quyết 66 đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật - trụ cột của Nhà nước pháp quyền, bảo đảm kỷ cương, công lý và hiệu lực quản trị. Nghị quyết 68 phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân - trụ cột của động lực tăng trưởng, tạo việc làm và đổi mới sáng tạo.

Trong bối cảnh toàn cầu đang chứng kiến những chuyển biến sâu sắc về địa chính trị, địa kinh tế, cùng với sự bùng nổ của khoa học công nghệ và những thách thức như biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, việc xác lập “Bộ tứ trụ cột” thể hiện tầm nhìn chiến lược và quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước. Đây không chỉ là sự cụ thể hóa các mục tiêu phát triển, mà còn là sự kết tinh của khát vọng vươn lên, thể hiện ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Do đó, để hiện thực hóa các nghị quyết, cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự tham gia thực chất của người dân, doanh nghiệp, giới trí thức. Các lĩnh vực trụ cột như thi hành pháp luật, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển tư nhân, hội nhập quốc tế đòi hỏi phải có phối hợp chặt chẽ, kiểm tra thường xuyên và đánh giá hiệu quả cụ thể. Có như thế chúng ta mới có thể xây dựng được một hệ thống pháp luật hoàn thiện, một môi trường kinh doanh lành mạnh, một nền hành chính hiệu quả và một xã hội công bằng, văn minh.

Nguyễn Phượng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202505/so-tay-bo-tu-tru-cot-dong-luc-moi-cho-phat-trien-ben-vung-d671196/
Zalo