Hiệu quả mô hình tổ dân vận cơ sở ở Nậm Pồ
Thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, lực lượng vũ trang và bí thư chi bộ, trưởng bản, trưởng các điểm nhóm đạo, già làng, người có uy tín ở các bản để nắm bắt tình hình, xây dựng kế hoạch tháo gỡ, giải quyết mâu thuẫn, mầm mống vụ việc phức tạp từ cơ sở - đó là cách các tổ dân vận cơ sở ở huyện biên giới Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) đã thực hiện.
Đưa chúng tôi về thăm bản Nậm Chim 1 thuộc xã Si Pa Phìn, anh Mùa A Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Si Pa Phìn kiêm Tổ trưởng Dân vận Nậm Chim 1, chia sẻ: Tài sản quý nhất với người miền núi là đất sản xuất, bởi vậy hầu như xích mích, mâu thuẫn giữa các gia đình ở cùng bản, cùng dòng họ đều bắt nguồn từ đất hoặc do trâu, bò vào ăn cây trên nương. Năm 2023, bản Nậm Chim 1 xảy ra bốn vụ mâu thuẫn do tranh chấp đất trồng cây quanh nhà và do không thống nhất mức bồi thường khi thả rông trâu, để trâu ăn cỏ voi của gia đình khác. Nếu theo lý lẽ của người dân tộc H’Mông thì bên nào cũng… đúng, nhưng theo quy định của Luật Đất đai, quy ước của bản thì đòi hỏi của các bên lại không hợp tình, hợp lý.
Ngay khi tiếp nhận thông tin các mâu thuẫn từ Trưởng bản Nậm Chim 1, anh Vàng A Súa, anh Vàng A Bình, thành viên của tổ dân vận cơ sở đã dành thời gian gặp gỡ, trò chuyện, nắm bắt tâm tư, đồng thời lựa lời khuyên giải, phân tích riêng với từng gia đình. Làm theo cách đó, dần dần anh Bình nhận thấy sự thay đổi trong nhận thức của các bên và đề nghị Trưởng bản Nậm Chim 1 tổ chức họp hòa giải trước sự chứng kiến của cấp ủy, người có uy tín trong bản. Các anh đã kiên trì như thế để tháo gỡ mâu thuẫn từng vụ việc. Năm 2023, Tổ trưởng Mùa A Bình cùng các thành viên Tổ Dân vận bản Nậm Chim 1 đã hòa giải thành công bốn vụ mâu thuẫn, tranh chấp đất đai, thống nhất bồi thường do gia súc phá hoại. Học theo cách anh Bình giải quyết mâu thuẫn, Trưởng bản Vàng A Súa có thêm kiến thức, kinh nghiệm giải quyết xích mích nội tại trong các gia đình; người cùng bản đã thấu hiểu, chia sẻ với nhau nhiều hơn trong mọi mặt đời sống.
Ở bản Huổi Sâu, xã Pa Tần khó khăn trong tạo nguồn phát triển đảng viên do chi bộ chưa xây dựng được nội dung sinh hoạt định kỳ; chưa xác định cụ thể mục tiêu phát triển đảng viên mới cho nên hằng năm không giao nhiệm vụ cho các đảng viên phát hiện, bồi dưỡng, giúp đỡ quần chúng ưu tú. Nhận thấy thực trạng đó, ngay khi được giao Tổ trưởng Dân vận cơ sở phụ trách bản Huổi Sâu (cuối năm 2021), đồng chí Poòng Văn Pưng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Pa Tần đã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động của bản thân; đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên trong tổ sát sao với công việc hỗ trợ từng gia đình trong bản. Vào các ngày cuối tuần, đồng chí Pưng dành thời gian đến thăm hỏi người già, trẻ nhỏ; nhà nào có người đi xa về đồng chí Pưng đều nắm rõ; bởi thế người dân trong bản Huổi Sâu tin tưởng, quý mến, coi cán bộ Pưng như người thân trong nhà.
Từ việc hiểu dân, nắm rõ tâm ý của dân bản, đồng chí Poòng Văn Pưng trực tiếp chỉ đạo chi bộ bản xây dựng nghị quyết chuyên đề về việc tìm nguồn, bồi dưỡng phát triển đảng viên. Tại các buổi sinh hoạt chi bộ định kỳ, ngoài nội dung đánh giá kết quả phát triển kinh tế-xã hội, an ninh trật tự và kết quả thực hiện các chỉ tiêu tại bản, còn có nội dung nhận xét, đánh giá tiến bộ của quần chúng mới được phát hiện, bồi dưỡng… “Cách làm rõ ràng này đã nhận được sự ủng hộ cao của đảng viên và bà con dân bản. Do vậy, sau nhiều năm khó khăn trong công tác tìm nguồn, đến cuối năm 2022 bản Huổi Sâu có thêm một quần chúng ưu tú được kết nạp Đảng; năm 2023 có thêm ba quần chúng ưu tú được kết nạp Đảng. Sinh hoạt chi bộ của bản Huổi Sâu đi vào nền nếp, hiệu quả rõ ràng hơn rất nhiều”, đồng chí Poòng Văn Pưng cho biết.
Đánh giá cao trách nhiệm của các đồng chí được giao tổ trưởng và hoạt động của mô hình Tổ Dân vận cơ sở ở Nậm Pồ, đồng chí Lê Khánh Hòa, Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ khẳng định: Được củng cố, kiện toàn trong tháng 12/2021, mô hình Tổ Dân vận cơ sở ở Nậm Pồ duy trì hoạt động thường xuyên, trải khắp trong 121 bản. Tùy điều kiện địa bàn, tình hình thực tiễn, các tổ dân vận lựa chọn việc làm, hành động cụ thể phù hợp với phong trào chung toàn huyện. Điển hình là phong trào: “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Thêm việc tốt mỗi ngày”… 121 tổ dân vận tại 121 bản đã đóng góp quan trọng vào kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của huyện trong ba năm (từ 2022 đến 2024). Trong đợt cao điểm thực hiện Đề án 06 (năm 2023), thành viên các tổ dân vận cơ sở đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, công an xã, tổ công tác của huyện về từng gia đình tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử và cài đặt ứng dụng VNeID, tích hợp các loại giấy tờ vào căn cước công dân.
Theo đánh giá chung của Ban Thường vụ Huyện ủy Nậm Pồ, hầu hết thành viên 121 tổ dân vận đã nắm chắc địa bàn, sâu sát cơ sở làm tốt công tác phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân. Căn cứ thực tiễn riêng từng bản, mỗi tổ dân vận phụ trách địa bàn đã chủ động lựa chọn nội dung hỗ trợ, tư vấn, giúp sức và trực tiếp giải quyết kịp thời không để kéo dài nảy sinh sang các vấn đề khác.
Để mô hình Tổ Dân vận cơ sở tiếp tục đóng góp nhiều hơn trong mọi lĩnh vực, nhiệm vụ của địa phương, định kỳ sáu tháng đến một năm, Ban Thường vụ Huyện ủy Nậm Pồ đều tổ chức sơ kết đánh giá toàn diện kết quả hoạt động của từng tổ; đồng thời cập nhật khó khăn, vướng mắc để có biện pháp tháo gỡ kịp thời. Đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nậm Pồ nhấn mạnh, mô hình Tổ dân vận cơ sở là việc làm cụ thể đã được Đảng bộ huyện lựa chọn trong tổ chức học tập, làm theo tư tưởng “gần dân, trọng dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Do vậy, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các cơ quan, phòng, ban, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong huyện phải tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang về ý nghĩa, nhiệm vụ của tổ dân vận cơ sở; phải coi việc nâng cao chất lượng hoạt động của tổ dân vận cơ sở là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự, tăng cường xây dựng Đảng, chính quyền tại cơ sở ■