Hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng táo ngọt trong nhà lưới
Sau nhiều năm trồng rau, hoa kiểng, năm 2023, chị Cam Thị Thu Hà (53 tuổi, ngụ ấp Hiệp Trị, xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) đã mạnh dạn chuyển đổi 3,5 công đất rau, sang trồng táo ngọt trong nhà lưới. Nhờ chịu khó tìm tòi học hỏi, tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, cây táo ngọt đã phát huy hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Chị Hà cho biết, giống táo chị trồng là giống táo Thái Lan siêu ngọt, mới đưa vào trồng 2 năm nay. Giống táo Thái Lan rất thích hợp với điều kiện khí hậu ở địa phương, lại tương đối dễ trồng, thị trường tiêu thụ rộng. Giống táo này cho chất lượng quả ngon, ăn giòn và ngọt ngay từ lúc nhỏ nên được nhiều người lựa chọn.
Qua tìm hiểu từ sách báo, mạng xã hội, chị Hà trồng thử nghiệm khoảng 50 cây táo Thái. Do chưa có nhiều kinh nghiệm với loại giống mới, nên vụ đầu tiên táo bị ruồi vàng gây hại nhiều. Sau thời gian tìm hiểu, chị Hà quyết định làm nhà lưới, với chi phí gần 250 triệu đồng cho 3,5 công đất trồng táo.
Theo chị Hà, trước đây, người dân trồng táo theo cách truyền thống, mỗi cây là một cá thể riêng biệt nên khi mưa gió lớn dễ bị gãy cành. Sau khi tìm hiểu qua mạng xã hội, chị thấy phương pháp trồng thành giàn trong nhà lưới tạo được sự liên kết giữa các cây và cho kết quả khả quan. Khi cây trưởng thành, các cành vươn lên phát triển theo giàn cố định bằng dây thép cao khoảng 2 m nên tránh được đổ gãy, trái kết thành từng chùm, thuận lợi cho thu hoạch.
Nhờ nắm bắt kỹ thuật, đầu tư thêm nhà lưới, nhờ vậy tình hình ruồi vàng gây hại được khắc phục và cây táo phát triển tốt, cho trái nhiều, không sâu bệnh. Từ thành công ban đầu, chị mở rộng diện tích lên 3,5 công đất với gần 200 cây táo. Đến nay, chị thu hoạch được gần 3 tấn trái, lãi hơn 40 triệu đồng.
Cây táo cho thu hoạch từ tháng 6 đến cuối năm. Để có nguồn hàng cung cấp thường xuyên cho thị trường, chị Hà điều chỉnh vườn cây ra trái xen kẽ nhau. Ngoài ra, chị còn sử dụng các loại phân hữu cơ vừa tạo độ tơi xốp, cải tạo đất, vừa giúp cây trồng phát triển tốt, tiết kiệm chi phí. Với các loại sâu bệnh hại, chị sử dụng các chế phẩm sinh học nhằm đảm bảo nguồn táo sạch cung cấp cho thị trường.
Qua đó, chất lượng trái được nâng lên, không gian vườn cũng thoáng đãng, đẹp mắt hơn. Khách muốn đến tham quan, trải nghiệm hái táo tại vườn cũng rất thuận tiện. Mô hình trồng táo thành giàn trong nhà lưới cải tiến mang lại nhiều ưu điểm vượt trội, giảm chi phí đầu tư hơn. Đặt biệt, vườn táo của chị không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Thông qua các trang mạng xã hội, táo của chị được thương lái đặt hàng hằng ngày, đến tận nơi thu mua với giá khoảng 30 ngàn đồng/kg đối với táo nhỏ và 40 ngàn đồng/kg với táo lớn.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phước Trung Đỗ Thị Thanh Nhàn cho biết, đây là mô hình có triển vọng phát triển gắn với du lịch sinh thái nhà vườn, vừa giúp nông dân tiêu thụ nông sản, vừa có thể kinh doanh dịch vụ để phát triển kinh tế. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tích cực hỗ trợ gia đình quảng bá sản phẩm thông qua các phiên chợ do huyện tổ chức và qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook.
Thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã sẽ tổ chức cho chị em tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ mô hình này để nhân rộng, tạo liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.