Hiệu quả chuyển đổi số trong các nhà máy, doanh nghiệp quốc phòng

Thực hiện chủ trương, định hướng chiến lược về chuyển đổi số, các nhà máy, xí nghiệp Quân đội ở phía Nam đã triển khai nhiều biện pháp ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số; góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, sản xuất thành công nhiều sản phẩm quốc phòng lớp mới.

Sửa chữa, lắp ráp hệ thống ăng ten lên xe ô tô, Thiếu úy QNCN Lê Duy Phất, nhân viên Xí nghiệp Sửa chữa Ô tô, Xí nghiệp Liên hợp (XNLH) Z751 (Tổng cục Kỹ thuật) quan sát bản thiết kế sản phẩm trên màn hình tại phân xưởng, xử lý nhanh chóng, chính xác các công đoạn. Đây là mô hình làm điểm về chuyển đổi số của XNLH Z751, triển khai từ năm 2023. Theo đó, Xí nghiệp tích hợp tất cả bản vẽ thiết kế, kế hoạch, văn bản... trên phần mềm và được truyền dẫn đồng bộ từ ban giám đốc đến các phân xưởng.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Giám đốc Xí nghiệp Sửa chữa Ô tô cho biết: “Bằng cách làm này, xí nghiệp không phải in số lượng lớn kế hoạch, bản vẽ ra giấy như trước; đồng thời công nhân sửa chữa cũng ít xảy ra sai sót. Ban giám đốc nắm chắc tiến độ, công nhân có nhiều sáng tạo, năng suất lao động tăng hơn 35%”.

Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và các đại biểu tham quan chuyển đổi số tại Nhà máy Z114 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng).

Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và các đại biểu tham quan chuyển đổi số tại Nhà máy Z114 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng).

Từ kinh nghiệm làm điểm của Xí nghiệp Sửa chữa Ô tô, XNLH Z751 đã triển khai chuyển đổi số hiệu quả trên các lĩnh vực cải cách hành chính, quản lý nhân sự; quản lý mua sắm; quản lý, sử dụng vật tư; điều hành sản xuất, kinh doanh... Xí nghiệp sắp xếp lại tổ chức biên chế, dây chuyền sản xuất phù hợp với chuyển đổi số; qua đó giải phóng sức lao động, kích thích khả năng sáng tạo của cán bộ, nhân viên. Từ năm 2023 đến nay, Xí nghiệp có gần 300 đề tài, sáng kiến được áp dụng; sản xuất được gần 100 vật tư, thiết bị mới, doanh thu tăng trên 8%/năm, tạo ra nhiều sản phẩm quốc phòng mới, tiêu biểu như lắp đặt pháo 85mm lên xe ô tô; hệ thống điều khiển tầm, hướng pháo 105mm, xe bệ phóng tên lửa...

Đại tá Nguyễn Nam Trung, Phó tổng giám đốc XNLH Z751 chia sẻ: “Khó khăn nhất trong chuyển đổi số là thay đổi nếp nghĩ, cách làm cũ của cán bộ, nhân viên, khắc phục tư tưởng, tâm lý ngại học, ngại thay đổi từ phương pháp sản xuất truyền thống sang phương pháp ứng dụng công nghệ mới. Giải quyết vấn đề này, chúng tôi thành lập ban chỉ đạo đánh giá đúng tình hình, rà soát phân loại cán bộ, nhân viên; từ đó xác định đơn vị làm điểm với nội dung, lộ trình, kế hoạch đột phá phù hợp và có nội dung, hình thức giáo dục, huấn luyện, bồi dưỡng cụ thể cho các đối tượng thông qua hội thi, hội thao, thi nâng bậc; tiếp cận sản xuất, sửa chữa được những loại vũ khí, khí tài hiện đại".

Dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ từ các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng; các nhà máy, xí nghiệp đã tích cực trao đổi, chia sẻ, học tập lẫn nhau. Tùy đặc điểm nhiệm vụ, các đơn vị sẽ có những cách làm sáng tạo, hiệu quả. Với chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, chuyển giao trên lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, Công ty TECAPRO (Bộ Quốc phòng) đã tiên phong làm chủ công nghệ lõi, đầu tư cơ sở hạ tầng; nghiên cứu, sản xuất thành công nhiều sản phẩm mới phục vụ quốc phòng và dân sinh, như: Phần mềm phục vụ cấp, quản lý căn cước công dân cho Bộ Công an; hệ thống bảo mật cho Bộ tư lệnh 86; phần mềm quản lý cán bộ; mô phỏng huấn luyện bắn súng, chiến thuật phân đội...

 Cán bộ các đơn vị tham quan mô hình chuyển đổi số tại Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn.

Cán bộ các đơn vị tham quan mô hình chuyển đổi số tại Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn.

Trước yêu cầu khoa học-công nghệ phát triển nhanh, Nhà máy Z114 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) chủ động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng ứng dụng công nghệ cho cán bộ, nhân viên. Nhà máy đầu tư xây dựng hệ thống phần mềm trung tâm kết nối điều hành sản xuất an toàn. Từ năm 2023 đến nay, Nhà máy có hơn 200 sáng kiến, sản xuất thành công nhiều sản phẩm quốc phòng mới, như: Đạn B41M, lượng nổ dùng trong huấn luyện, đạn 73mm...

Tại Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, từ kinh nghiệm ứng dụng chuyển đổi số thành công hệ thống quản lý, điều hành khai thác cảng TOPX (năm 2008), đơn vị đã triển khai chuyển đổi số hiệu quả trong hệ thống quản trị điều hành vận tải, cảng điện tử, lệnh giao hàng điện tử... Kết quả, Tổng công ty đã tiết kiệm chi phí cho khách hàng, giảm giá thành sản phẩm, năng suất giải phóng tàu tăng 2 lần; trở thành cụm cảng có số lượng container thông qua lớn hàng đầu khu vực. Năm 2023, hàng hóa thông qua cảng đạt hơn 136 triệu tấn.

Để có những thành công bước đầu trong chuyển đổi số, từng nhà máy, doanh nghiệp quốc phòng đã cụ thể hóa việc chuyển đổi số thành đề án, xây dựng kế hoạch cụ thể, tập trung đột phá phát triển công nghệ; đồng thời thực hiện tốt quy chế, kỷ luật công nghệ; phát huy tốt cơ sở kỹ thuật sẵn có trong xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ mới gắn với đẩy mạnh chăm lo xây dựng lực lượng cán bộ, nhân viên kỹ thuật nòng cốt, chuyên trách và chuyên sâu.

Theo Thượng tá Nguyễn Phương Nam, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, việc triển khai hiệu quả các mô hình “Mỗi kỹ sư một đề tài, mỗi tổ công đoàn một sáng kiến”, “Kho hàng thông minh”... đã góp phần tạo môi trường, động lực để cán bộ, nhân viên say mê học tập, nghiên cứu tiếp cận công nghệ mới, nâng cao trình độ. Tổng công ty đã đề ra những giải pháp, hướng nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ công nghệ của nước ngoài, công nghệ mới, hoàn thiện công nghệ của mình; triển khai các chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao...

Bài và ảnh: NGUYỄN DUY HIỂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/hieu-qua-chuyen-doi-so-trong-cac-nha-may-doanh-nghiep-quoc-phong-796410
Zalo