Vinh danh 30 địa phương, doanh nghiệp tích cực chuyển đổi số
30 doanh nghiệp, địa phương, đã được vinh danh tại Lễ biểu dương Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) chủ trì, Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số phối hợp với Hội Tự động hóa Việt Nam tổ chức.
24 doanh nghiệp với các sản phẩm, giải pháp số được trao tặng, vinh danh tiêu biểu như: Công ty cổ phần Thành Thành Công Biên Hòa, Công ty cổ phần Tập đoàn Cơ khí công nghệ cao Siba, Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam, Công ty cổ phần công nghiệp cao su miền Nam, Công ty cổ phần Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao…
6 tỉnh, thành phố được Ban Tổ chức ghi nhận những thành công tiêu biểu trong việc tổ chức, chủ động triển khai chủ trương cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Chương trình chuyển đổi số quốc gia như: Bình Dương, Trà Vinh, Long An, Đà Nẵng, Lạng Sơn, Thái Nguyên.
Chương trình biểu dương Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam đề ra các tiêu chí đánh giá cụ thể cho từng hạng mục: Top Doanh nghiệp công nghiệp 4.0; Top Tổ chức, doanh nghiệp khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo; Top Doanh nghiệp có sản phẩm số thông minh và giải pháp công nghệ Công nghiệp 4.0; Top Tổ chức, địa phương tiêu biểu chủ động thực hiện Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Qua quá trình thẩm định sơ khảo và chung khảo công tâm, khách quan, từ 200 hồ sơ của các tổ chức, doanh nghiệp tham gia, Ban Tổ chức đã lựa chọn được 30 hồ sơ ở các hạng mục để biểu dương.
Biểu dương Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam nhằm đánh giá hiệu quả thực hiện chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong các tổ chức, doanh nghiệp; biểu dương những thành công tiêu biểu, tiên phong trong công cuộc phát triển CMCN 4.0 và chuyển đổi số thuộc khối hành chính Nhà nước, doanh nghiệp.
Đồng thời thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, phát triển kinh tế số; tạo sân chơi cho các doanh nghiệp có cơ hội giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng nhà máy thông minh, sản xuất thông minh, nghiên cứu KH&CN, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, năng lực quản trị kinh doanh.
Chương trình cũng hướng đến sự liên kết, kết nối cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, trường đại học với các doanh nghiệp; hỗ trợ, tư vấn, đào tạo, chuyển giao công nghệ, phát triển kinh tế số.
Trong khuôn khổ chương trình cũng diễn ra Hội thảo khoa học "Chuyển đổi số và Chuyển đổi xanh trong CMCN 4.0". Các nhà quản lý, doanh nghiệp đã tập trung thảo luận về nhiều chủ đề như: Định hướng xây dựng quy chuẩn và tiêu chuẩn cho công nghệ của CMCN 4.0; chuyển đổi số và tự động hóa trong doanh nghiệp công nghiệp thúc đẩy tăng trưởng xanh; định hướng và phát triển công nghiệp văn hóa dựa trên công nghệ số và đổi mới sáng tạo; chiến lược AI cho phát triển doanh nghiệp số…