Hiện thực hóa nguyên tắc 'Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ' trong đầu tư trực tiếp
Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp Tạp chí Pháp luật và Phát triển tổ chức Hội thảo quốc tế Hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa nguyên tắc 'Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ' trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp tại tỉnh Quảng Ninh.
Ngày 5/4, trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế Hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa nguyên tắc "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp được tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh, diễn ra 3 phiên làm việc, gồm: Tổng quan về thể chế và nguyên tắc "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"; Bảo đảm nguyên tắc "Lợi ích hài hóa, rủi ro chia sẻ" trong các lĩnh vực đầu tư cụ thể; Quản lý Nhà nước và giải quyết tranh chấp nhìn từ "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Khánh Ngọc đánh giá cao việc lựa chọn chủ đề "Hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa nguyên tắc "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp". Bởi, nguyên tắc này có thể được phân tích, mổ xẻ từ nhiều góc độ khác nhau, áp dụng cho nhiều lĩnh vực của cuộc sống, trong đó có lĩnh vực đầu tư trực tiếp.

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu khai mạc hội thảo.
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, việc tạo lập một môi trường pháp lý công bằng, bền vững là yêu cầu cấp bách. Đặc biệt, nguyên tắc "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" không chỉ là lẽ sống của mỗi người, mà còn là một cơ sở quan trọng để bảo đảm sự cân bằng giữa các bên liên quan từ nhà đầu tư đến Chính phủ/Nhà nước, xã hội, người dân cần được ghi nhận để phát triển bền vững.
Đồng thời, bày tỏ mong muốn, qua hội thảo, Ban Tổ chức sẽ tổng hợp và đưa ra được những đề xuất, kiến nghị cho việc hoàn thiện nguyên tắc "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" trong thời gian tới.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Tiến sĩ Vũ Hoài Nam - Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo, chia sẻ, thời gian qua, sự cải cách mạnh mẽ về thể chế đã góp phần quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, thể chế vẫn đang là "điểm nghẽn" đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện để trở thành "đột phá của đột phá".
Trên cơ sở những chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước và góp phần hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% năm 2025, tăng trưởng hai con số cho những năm tiếp theo, Báo Pháp luật Việt Nam và Tạp chí Pháp luật và Phát triển tổ chức Hội thảo quốc tế nhằm hiện thực hóa nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Ban Tổ chức Hội thảo quốc tế Hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa nguyên tắc "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp mong muốn các ý kiến sẽ làm rõ, phân tích những "điểm nghẽn" trong thể chế liên quan đến nguyên tắc "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", cùng thảo luận, đưa ra các giải pháp khoa học hoàn thiện nguyên tắc này.

Quang cảnh Hội thảo quốc tế Hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa nguyên tắc "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp.
GS.TS Lê Hồng Hạnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Tổng Biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển, nhấn mạnh, đầu tư có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Đối với nền kinh tế, đầu tư trực tiếp giúp tạo ra năng lực sản xuất, phát triển hạ tầng và các dịch vụ công cộng thiết yếu như điện, nước, giao thông… Đối với nhà đầu tư, nhà thầu, đầu tư trực tiếp mang lại nhiều lợi thế do lợi nhuận lớn, an toàn trước những biến động của nền kinh tế.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, theo GS.TS Lê Hồng Hạnh, Việt Nam cần phải thu hút mạnh hơn nữa FDI cũng như các nguồn vốn trong nước bằng việc hoàn thiện thể chế, tháo gỡ "điểm nghẽn" đang cản trở tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Một trong những giải pháp cần được thực hiện ngay và hiệu quả là hoàn thiện thể chế để đảm bảo thực hiện nguyên tắc "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết, đây là sự kiện quan trọng giúp sử dụng hiệu quả các thể chế của pháp luật trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Việc tổ chức hội thảo với cách tiếp cận mới, sáng tạo sẽ là cơ sở để tỉnh Quảng Ninh học tập, thực hiện hiệu quả các mục tiêu đã đề ra, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang có sự biến động mạnh như hiện nay.
Các ý kiến thảo luận tại hội thảo đều chỉ rõ, trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, việc tạo lập một môi trường pháp lý công bằng, bền vững là yêu cầu cấp bách. Nguyên tắc "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" không chỉ là lẽ sống của mỗi người, mỗi tổ chức, doanh nghiệp, mà còn là cơ sở quan trọng để bảo đảm sự cân bằng giữa các bên liên quan từ nhà đầu tư đến Chính phủ, Nhà nước, xã hội, người dân.
Tuy nhiên, việc thể chế hóa nguyên tắc này trong pháp luật và tổ chức thi hành đang gặp một số khó khăn do bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau. Đây là lúc cần pháp luật để bảo đảm công bằng, minh bạch và áp dụng thống nhất.