Sản xuất công nghiệp tăng 7,8% - mức cao nhất của quý 1 kể từ năm 2020
Sản xuất công nghiệp quý 1/2025 tiếp tục khởi sắc với chỉ số sản xuất ước tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, trong khi quý 1/2024 chỉ tăng 5,9%.

Động lực tăng trưởng chính đến từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng ấn tượng 9,5%. (Ảnh: Vietnam+)
Ngành công nghiệp trong nước đã có khởi đầu năm 2025 đầy tích cực, ghi nhận mức tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cao nhất trong quý 1 kể từ năm 2020.
Thông tin được Cục Thống kê công bố (ngày 6/4) cho thấy IIP quý 1 ước tính tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2024 (quý 1/2024 chỉ tăng 5,9%).
Động lực tăng trưởng chính đến từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng ấn tượng 9,5% (so với mức tăng 6% của cùng kỳ năm trước), đóng góp tới 7,9 điểm phần trăm vào mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp. Các ngành khác cũng góp phần vào đà tăng trưởng, bao gồm: ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,6% (đóng góp 0,4 điểm phần trăm); ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 11,6% (đóng góp 0,2 điểm phần trăm). Ở chiều ngược lại, ngành khai khoáng tiếp tục suy giảm với mức 4,7%, làm giảm 0,7 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Trong quý, ngành công nghiệp trọng điểm cấp II ghi nhận mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước. Nổi bật là sản xuất xe có động cơ tăng 36,1%; sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 18,1%; sản xuất trang phục tăng 14,6%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 12,9% và sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học tăng 10,6%. Tuy nhiên, một số ngành vẫn gặp khó khăn như khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 9,6%; sản xuất thiết bị điện giảm 1,1% và sản xuất đồ uống giảm 0,7%.
Xét trên phạm vi cả nước, có tới 59/63 địa phương ghi nhận chỉ số IIP tăng trưởng trong quý 1, chủ yếu nhờ sự đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất, phân phối điện.
Về tiêu thụ sản phẩm, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý 1 đã tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2024. Tuy nhiên, chỉ số tồn kho tại thời điểm 31/3 lại tăng 15,1% so với cùng thời điểm năm trước (cao hơn mức tăng 14,1% của năm 2024). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân quý 1 ở mức 90%, cao hơn đáng kể so với mức 68,7% của quý 1/2024, cho thấy lượng hàng tồn kho đang có xu hướng tăng lên.
Về lao động, số người đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/3 đã tăng 4,8% so với cùng thời điểm năm trước. Mức tăng chủ yếu đến từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 5,8%) và doanh nghiệp ngoài nhà nước (tăng 3,1%), đặc biệt là trong ngành chế biến, chế tạo (tăng 5,2%)./.