Bảo hộ bằng thuế quan và những bài học của một số quốc gia

Mức thuế quan cao mà Tổng thống Donald Trump đưa ra sẽ khiến Mỹ trở thành một trong những quốc gia bảo hộ nhất thế giới. Vậy trong lịch sử, có những nước 'siêu bảo hộ' khác không và tác động của chính sách này với họ như thế nào?

Trong lịch sử đã có một số tiền lệ: Các quốc gia từ Ấn Độ đến Argentina đã sử dụng mức thuế quan cao - và một loạt các hạn chế thương mại khác - để bảo vệ các ngành công nghiệp mới ra đời và “đóng băng” hàng nhập khẩu.

 Các hàng rào thuế quan có thể mang lại cả tác động tích cực lẫn tiêu cực cho sản xuất nội địa. Đồ họa: Smacna

Các hàng rào thuế quan có thể mang lại cả tác động tích cực lẫn tiêu cực cho sản xuất nội địa. Đồ họa: Smacna

Trong một số trường hợp, các biện pháp này đã dẫn đến kết quả làm hài lòng những người xây dựng các biện pháp bảo hộ, chẳng hạn như thúc đẩy sản xuất ô tô ở châu Á và thúc đẩy sản xuất tủ lạnh ở Nam Mỹ.

Nhưng thuế quan và các biện pháp khác cũng dẫn đến hàng hóa đắt đỏ và tình trạng trì trệ công nghiệp. Điều này có thể khiến nhiều quốc gia sa lầy trong chu kỳ tăng trưởng chậm, phụ thuộc nhiều hơn vào việc xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên hơn là cạnh tranh trong các lĩnh vực toàn cầu đang phát triển nhanh.

Dưới đây là bốn quốc gia đã hoặc đang phụ thuộc vào hàng rào thuế quan và tình hình của họ:

Thuế quan làm tổn hại khả năng cạnh tranh của Ấn Độ

Ấn Độ, trong những thập kỷ sau khi giành được độc lập từ Anh vào năm 1947, đã áp dụng chính sách thay thế nhập khẩu bằng hàng hóa sản xuất tại địa phương. Đây là chính sách được thiết kế để tạo ra các nhà máy trong nước bằng cách san bằng mức thuế quan cao.

Thế nhưng, kế hoạch này đã không tạo ra được một nền kinh tế tăng trưởng cao năng động cho Ấn Độ.

Trong hai thập kỷ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1991, Ấn Độ đã giảm thuế quan xuống mức trung bình 13% từ 125% đối với các đối tác thương mại. Nền kinh tế của quốc gia này đã nhảy vọt từ quy mô thứ 12 thế giới lên thứ 5 hiện nay.

 Mức thuế quan của Ấn Độ đối với linh kiện điện tử cao hơn nhiều đối thủ thương mại đã làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp điện tử nước này. Ảnh: Techwire

Mức thuế quan của Ấn Độ đối với linh kiện điện tử cao hơn nhiều đối thủ thương mại đã làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp điện tử nước này. Ảnh: Techwire

Tuy nhiên, Ấn Độ đã không từ bỏ chủ nghĩa bảo hộ: Thuế quan vẫn ở mức cao và quốc gia này vẫn chưa mạnh tay thực hiện những thay đổi cần thiết để gỡ bỏ thủ tục hành chính rườm rà, cải cách luật lao động cũng như các cơ quan chính phủ để tạo ra một nền kinh tế cạnh tranh.

Theo báo cáo của Hiệp hội Điện tử và Di động Ấn Độ (ICEA) năm 2024, thuế suất trung bình đơn giản theo chế độ ưu đãi tối huệ quốc (MFN) cho các linh kiện điện tử của Ấn Độ là 8,5%, cao hơn so với Trung Quốc (3,7%) và Việt Nam (0,7%). Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng cạnh tranh của ngành sản xuất điện tử trong nước.

Hoặc một ví dụ khác: Tháng 12/2023, Ấn Độ áp dụng thuế chống bán phá giá từ 24,66% đến 147,20% đối với máy móc laser công nghiệp nhập khẩu từ Trung Quốc, nhằm bảo vệ các nhà sản xuất trong nước.

Trước đó, vào tháng 10/2017, Ấn Độ cũng áp dụng thuế chống bán phá giá từ 4,58% đến 57,39% đối với các sản phẩm thép không gỉ nhập khẩu từ Mỹ, EU và Trung Quốc, nhằm bảo vệ ngành công nghiệp nội địa.

Câu chuyện thành công của Hàn Quốc

Không giống như Ấn Độ, Hàn Quốc đã cho thấy thuế quan và các chính sách bảo hộ khác, trong một số trường hợp, có thể mang lại kết quả mong muốn.

Ví dụ rõ nhất là Hyundai Motors. Nửa thế kỷ trước, tập đoàn này được bảo vệ bởi lệnh cấm ô tô nhập khẩu và sau đó là thuế quan cao. Kết quả của các chính sách bảo hộ là Hyundai đã vươn lên tốp đầu trong ngành công nghiệp ô tô, cùng với thương hiệu chị em Kia trở thành nhà sản xuất ô tô lớn thứ ba thế giới về doanh số bán xe trên toàn cầu, sau Toyota và Volkswagen.

 Nhờ chính sách bảo hộ của chính phủ Hàn Quốc, các hãng ô tô của nước này đã vươn lên tốp đâu thế giới và xuất khẩu xe khắp toàn cầu. Ảnh: Korea Herald

Nhờ chính sách bảo hộ của chính phủ Hàn Quốc, các hãng ô tô của nước này đã vươn lên tốp đâu thế giới và xuất khẩu xe khắp toàn cầu. Ảnh: Korea Herald

Với Hàn Quốc, việc lập kế hoạch cho tương lai hướng đến xuất khẩu đã mang lại thành quả. Và câu chuyện tương tự cũng xảy ra với nền kinh tế quốc gia Đông Á này nói chung.

Theo một phân tích gần đây của Giáo sư kinh tế danh dự Keun Lee đến từ Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc đã áp dụng mức thuế cao đối với hàng tiêu dùng trong suốt nửa sau thế kỷ 20.

Nhờ vậy, từ chỗ là một trong những quốc gia nghèo bậc nhất thế giới sau Chiến tranh Triều Tiên, Hàn Quốc đã vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á và thứ 12 thế giới về quy mô tổng sản phẩm quốc nội (GDP), với 1.755 tỷ USD và GDP đầu người đạt 36.024 USD.

Giáo sư Lee viết: “Có thể lập luận rằng nếu Hàn Quốc mở cửa ngay từ đầu mà không áp dụng thuế quan, nền kinh tế Hàn Quốc sẽ không thành công trong việc thúc đẩy các công ty trong nước”.

Ông Lee cho biết thêm, chính sách thuế quan của Hàn Quốc đã được cân nhắc cẩn thận để cho phép các nhà xuất khẩu tiếp cận máy móc nhập khẩu với mức thuế suất thấp, đồng thời giúp các công ty tuân thủ theo kỷ luật của thị trường thế giới và duy trì chủ nghĩa tư bản.

Argentina đang phải đập bỏ bức tường bảo hộ

Argentina cũng đã đóng cửa phần lớn nền kinh tế của mình với hy vọng thúc đẩy các nhà máy nội địa khi cuộc “Đại suy thoái” toàn cầu từ năm 1929-1933 tàn phá đất nước từng là một trong những quốc gia giàu nhất thế giới.

Trong những thập kỷ tiếp theo, các nhà lãnh đạo dân túy liên tiếp - từ Tướng Juan Perón vào những năm 1940 đến Tổng thống Cristina Kirchner vào đầu thế kỷ này - đã biến Argentina trở thành một trong những nền dân chủ khép kín nhất thế giới thông qua sự kết hợp giữa thuế quan, kiểm soát tiền tệ và hạn chế nhập khẩu.

Tổng thống Kirchner áp thuế lên đến 35% đối với hàng điện tử nhập khẩu và thực hiện các hạn chế nhập khẩu nghiêm ngặt khác. Các biện pháp đó lúc đầu đã tạo ra hàng nghìn việc làm lương cao khi công nhân nhà máy Argentina lắp ráp TV Samsung và điện thoại di động Nokia .

Nhưng chính sách này cũng tạo ra những doanh nghiệp kém hiệu quả với chi phí khổng lồ cho kho bạc và người nộp thuế. Người tiêu dùng nhận được những sản phẩm kém chất lượng và phải trả gấp đôi cho một chiếc tivi sản xuất tại Argentina so với một khách hàng ở nước láng giềng Chile, một thị trường tự do.

Pablo Guidotti, một nhà kinh tế tại Đại học Torcuato Di Tella ở Buenos Aires, cho biết: "Mức độ bảo hộ mà Argentina áp dụng không giúp ích gì cho nền kinh tế mà còn tạo ra rất nhiều tình trạng kém hiệu quả".

Chủ nghĩa bảo hộ khiến một số sản phẩm công nghệ phổ biến nhất thế giới, chẳng hạn như iPhone, không có sẵn, buộc người dân Argentina phải trả giá cao trên thị trường “chợ đen” hoặc phải ra nước ngoài để mua chúng.

Để sửa chữa cho điều này, Argentina dưới thời Tổng thống Javier Milei đang phải nỗ lực hết sức để cắt giảm các quy định, cắt giảm chi tiêu công và chuẩn bị cho thương mại tự do.

 Tổng thống Javier Milei đang dỡ bỏ nhiều hàng rào thuế quan và mở cửa nền kinh tế Argentina. Đồ họa: Dreamstime

Tổng thống Javier Milei đang dỡ bỏ nhiều hàng rào thuế quan và mở cửa nền kinh tế Argentina. Đồ họa: Dreamstime

Từ khi nhậm chức vào ngày 10/12/2023 đến ngày 7/12/2024, chính quyền của ông Milei đã thực hiện 672 cải cách quy định, trung bình 1,84 cải cách mỗi ngày. Trong số đó, 331 quy định đã bị bãi bỏ và 341 quy định được sửa đổi.

Trong các nỗ lực cải cách nổi bật của Argentina, có thể kể đến việc loại bỏ thuế nhập khẩu PAIS. Thuế này đánh vào các giao dịch mua ngoại tệ để thanh toán hàng hóa và dịch vụ từ nước ngoài và được áp dụng từ cuối năm 2019. Việc loại bỏ thuế PAIS đã góp phần giảm lạm phát và kích thích tăng trưởng kinh tế tại Argentina.

Ngoài ra còn có thể kể đến chính sách "bầu trời mở", khi chính phủ của ông Milei tăng số lượng hãng hàng không hoạt động tại Argentina và loại bỏ các quy định ưu đãi cho hãng hàng không quốc gia Aerolíneas Argentinas.

Nigeria, thời cơ của những kẻ buôn lậu và các ông trùm

Cơ quan Quản lý Thương mại Quốc tế (ITA) cho biết nền kinh tế lớn thứ tư châu Phi có mức thuế quan trung bình là 12% đối với tất cả các sản phẩm, trong đó thuế thực tế là 70% trở lên đối với hàng xa xỉ, rượu, thuốc lá và các sản phẩm tương tự.

Những kẻ buôn lậu người Nigeria đã lợi dụng điều này, lén lút đưa vào trong nước mọi thứ từ gạo đến ô tô - những mặt hàng mà mặc dù có biện pháp bảo vệ thương mại, Nigeria vẫn không sản xuất đủ số lượng để đáp ứng thị trường địa phương.

 Nhà chức trách Nigeria bắt giữ một vụ buôn lậu gạo. Ảnh: The Sun Nigeria

Nhà chức trách Nigeria bắt giữ một vụ buôn lậu gạo. Ảnh: The Sun Nigeria

Đối với một số ít doanh nghiệp được bảo vệ bởi thuế quan và các rào cản khác, việc này đồng nghĩa cơ hội tích lũy của cải. Nổi bật nhất là tỷ phú giàu nhất châu Phi, Aliko Dangote, người có tài sản đến từ xi măng, đường, muối và các mặt hàng khác.

Ông Samuel Aladegbaye, nhà phân tích tại Zedcrest Group, một công ty dịch vụ tài chính có trụ sở tại Lagos (thủ đô NigeriaP), cho biết: "Trước tiên, phải có thuế quan để tạo ra cơ hội. Nhưng nếu bạn chỉ có một người có thể tận dụng cơ hội, thì bạn có thể độc quyền".

Dangote phủ nhận việc ông đã tạo ra sự độc quyền. Ông nhấn mạnh rằng bất kỳ ai cũng có thể tự do đưa ra những quyết định đầu tư rủi ro như ông đã đưa ra. Nhưng cho đến nay, doanh nhân 67 tuổi này vẫn đang là phú giàu nhất Nigeria trong 13 năm liên tiếp và chưa thấy bất cứ ai có thể soán ngôi của ông.

Nguyễn Khánh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bao-ho-bang-thue-quan-va-nhung-bai-hoc-cua-mot-so-quoc-gia-post341562.html
Zalo