Hệ sinh thái đa dạng sinh học của Việt Nam: 'Báu vật toàn cầu' đang bị đe dọa

Tổn thất đối với tài nguyên thiên nhiên sẽ không thể đảo ngược nếu không hành động kịp thời và kiên quyết, nên cần cái bắt tay trách nhiệm từ chính quyền, doanh nghiệp, tổ chức xã hội đến người dân.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Quốc Trị. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Quốc Trị. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Việt Nam được quốc tế đánh giá là quốc gia phong phú về đa dạng sinh học. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên thiên nhiên này đang chịu sức ép lớn từ phát triển kinh tế, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, suy thoái rừng và sự xâm lấn của các loài ngoại lai. Các nghiên cứu gần đây cho thấy hơn một phần ba số loài động vật có vú tại Việt Nam đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Quốc Trị, những tổn thất đối với tài nguyên thiên nhiên sẽ không thể đảo ngược nếu không hành động kịp thời và kiên quyết. Vì vậy, cần phát huy sức mạnh của toàn xã hội - từ chính quyền, doanh nghiệp, tổ chức xã hội đến từng người dân.

Hơn 1/3 động vật có vú có nguy cơ tuyệt chủng

Chia sẻ tại Lễ kỷ niệm Ngày quốc tế đa dạng sinh học năm 2025, diễn ra sáng 22/5, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị, nhấn mạnh thiên nhiên và đa dạng sinh học là nền tảng của mọi sự sống và cơ sở cho sự phát triển bền vững của con người trên trái đất. Bảo tồn đa dạng sinh học đồng nghĩa với bảo vệ tương lai của nhân loại.

Đối với Việt Nam - quốc gia có tính đa dạng sinh học cao, đứng thứ 16 trên thế giới (với nhiều loài sinh vật nguy cấp, quý, hiếm, nguồn gen hoang dã có giá trị, tầm quan trọng quốc gia, quốc tế tập trung ở các hệ sinh thái rừng, núi đá vôi, đất ngập nước, san hô, cỏ biển), ông Trị cho rằng đây là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, nên công tác bảo tồn đa dạng sinh học luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và có nhiều tiến bộ trong thời gian vừa qua.

Minh chứng là hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên ngày càng được mở rộng và củng cố với 178 khu bảo tồn thiên nhiên phân bố rộng khắp trên cả nước, (bao gồm rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển và đất ngập nước), trong đó nhiều khu đã được quốc tế công nhận có tầm quan trọng quốc tế gồm: 9 khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar), 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 12 vườn di sản ASEAN; các chương trình bảo tồn loài, nguồn gen cũng đã được chú trọng thực hiện và đạt được nhiều thành tựu.

Tuy vậy, ông Trị cũng thẳng thắn nhìn nhận bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học đang chịu sức ép lớn từ phát triển kinh tế, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, suy thoái rừng và sự xâm lấn của các loài ngoại lai.

"Những tổn thất này là không thể đảo ngược nếu chúng ta không hành động kịp thời và kiên quyết, phát huy sức mạnh của toàn xã hội," ông Trị nói.

Về phía địa phương, ông Nguyễn Cao Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình, cũng thừa nhận thời gian qua, tuy tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý đa dạng sinh học, song những nghiên cứu, đánh giá gần đây cho thấy đa dạng sinh học của Ninh Bình đang đứng trước nhiều thách thức.

Đơn cử là tổng số các loại động - thực vật hoang dã trong thiên nhiên, một số loài sinh vật quý hiếm đang có nguy cơ bị giảm sút về số lượng; ô nhiễm môi trường có nguy cơ gia tăng ở một số khu, cụm công nghiệp, làng nghề.

Bên cạnh đó, theo ông Sơn, việc lạm dụng các loại phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp, việc tiêu dùng thiếu bền vững, sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần cũng còn phổ biến.

Tại sự kiện, ông Patrick Haverman - Phó trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, cho biết Việt Nam được công nhận trên toàn cầu về sự đa dạng sinh học phong phú của mình. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên thiên nhiên này đang chịu áp lực ngày càng tăng. Đáng chú ý, các nghiên cứu gần đây cho thấy hơn một phần ba số loài động vật có vú của Việt Nam đang có nguy cơ tuyệt chủng.

 Các nghiên cứu gần đây cho thấy hơn một phần ba số loài động vật có vú của Việt Nam đang có nguy cơ tuyệt chủng. (Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)

Các nghiên cứu gần đây cho thấy hơn một phần ba số loài động vật có vú của Việt Nam đang có nguy cơ tuyệt chủng. (Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)

"Đây không chỉ là mối quan tâm của quốc gia, mà còn phản ánh một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Mất đa dạng sinh học đe dọa đến các yếu tố nền tảng quan trọng của nền kinh tế, an ninh lương thực và sức khỏe của chúng ta," ông Patrick Haverman nói.

Cần có nhiều hành động sát thực tế hơn

Năm 2025, Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học được Liên hợp quốc phát động với Chủ đề“Sống hài hòa với thiên nhiên và phát triển bền vững.”Chủ đề này nhấn mạnh mối liên hệ chặt chẽ giữa việc bảo tồn đa dạng sinh học và các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu; kêu gọi các quốc gia và cộng đồng quốc tế thực hiện song song các mục tiêu của Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh- Montreal và Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị, Ngày quốc tế về đa dạng sinh học, là thời điểm thích hợp để khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm quốc gia khi Việt Nam là một trong những quốc gia có tính đa dạng sinh học cao; và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, nỗ lực bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học vì tương lai xanh - hòa bình - thịnh vượng.

Tuy nhiên, để đạt được điều trên, ông Trị lưu ý rằng bên cạnh phát huy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, cũng cần phải có những hành động "sát" thực tiễn hơn, nhất là sự chung tay, đồng lòng của toàn xã hội - từ chính quyền các cấp, doanh nghiệp, tổ chức xã hội đến từng người dân.

Thông qua lễ kỷ niệm, đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cũng đề cập tới một số nhiệm vụ, giải pháp cần được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện như: Cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng kết hợp hài hòa giữa bảo tồn, khai thác, sử dụng hợp lý đa dạng sinh học với việc xóa đói, giảm nghèo, phát triển sinh kế xanh, du lịch sinh thái và giáo dục môi trường.

Cùng với đó, các địa phương cần thúc đẩy khoa học - công nghệ, chuyển đổi số trong giám sát và phục hồi hệ sinh thái, như: Xây dựng cơ sở dữ liệu số về đa dạng sinh học quốc gia; nghiên cứu phục hồi hệ sinh thái như rừng ngập mặn, rạn san hô, rừng đầu nguồn; hỗ trợ các vườn quốc gia, khu bảo tồn, trung tâm cứu hộ động vật hoang dã ứng dụng công nghệ trong quản lý, theo dõi động thực vật quý hiếm.

Nhấn mạnh thiên nhiên là trụ cột của phát triển bền vững, ông Patrick Haverman - Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, cho hay quan niệm trước đây cho rằng bảo tồn thiên nhiên và phát triển không thể đi đôi với nhau cần được loại bỏ vì rõ ràng nó đã lỗi thời. Hiện nay, đa dạng sinh học phải được xem không phải là một yếu tố rào cản, mà là một nguồn vốn quan trọng cho phát triển bền vững.

Theo ông Patrick Haverman, việc tích hợp bảo tồn đa dạng sinh học vào các quy hoạch phát triển quốc gia và ngành, bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng, chuyển đổi năng lượng, là điều cần thiết. Khi thiên nhiên được coi trọng và bảo vệ ngay từ đầu khi làm quy hoạch phát triển, sẽ giảm thiểu các rủi ro và chi phí trong tương lai.

"UNDP cam kết tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong việc phát triển các chính sách và hệ thống phù hợp về đánh giá và giám sát các dịch vụ hệ sinh thái, để đảm bảo rằng tăng trưởng kinh tế không phải trả giá bằng sự suy thoái các nguồn vốn tự nhiên," ông Patrick Haverman nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Patrick Haverman cũng lưu ý rằng trong một thế giới với các nguồn lực hạn chế, tài chính đổi mới và bền vững là "chìa khóa" để giải quyết các thách thức bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.

Theo đó, các giải pháp như du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên trong các Khu bảo tồn, tín dụng xanh, trái phiếu xanh, chi trả dịch vụ hệ sinh thái cho các hệ sinh thái biển và đất ngập nước, và tài chính carbon là những công cụ mạnh mẽ để huy động đầu tư của khu vực tư nhân cho bảo tồn thiên nhiên.

"Do đó, cùng với nhiều đối tác phát triển khác, nhân dịp này, tôi kêu gọi Chính phủ đẩy nhanh việc phê duyệt và thực hiện nhiều dự án ODA đang bị chậm trễ, để tận dụng tốt nhất nguồn lực quý giá này trong những năm tới cho phát triển và bảo vệ môi trường," ông Patrick Haverman nói.

Ngoài ra, đại diện UNDP tại Việt Nam cũng nhấn mạnh tới việc trao quyền cho cộng đồng và tôn vinh tri thức bản địa, thúc đẩy các mô hình đồng quản lý, để đảm bảo các nỗ lực bảo tồn sẽ mang tính bao trùm, công bằng và bền vững./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/he-sinh-thai-da-dang-sinh-hoc-cua-viet-nam-bau-vat-toan-cau-dang-bi-de-doa-post1039961.vnp
Zalo