Miền quê ấm áp: Hồi ức về chuyến công tác cùng Chủ tịch nước Trần Đức Lương

Khi nghe tin nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương bệnh trở nặng và sau đó là tin ông từ trần, ký ức của tôi lần lượt nhớ lại rất nhiều kỷ niệm về những lần được tháp tùng ông công tác trong và ngoài nước.

Trong những kỷ niệm ấy, tôi bỗng nhớ đến những lần cùng ông đi kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng về nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

CUỘC GẶP VỚI NGƯỜI NÔNG DÂN NAM BỘ

Tháng 6/2002, tôi tháp tùng Chủ tịch nước Trần Đức Lương đi thăm các tỉnh duyên hải Nam Bộ: Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre. Trong quá trình đi khảo sát thực địa, đoàn đã gặp chị Võ Thị Phụ, một người đàn bà lực điền ở ấp 3 xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Cũng như hầu hết những người nông dân ven biển Bảo Thuận, chị Phụ rất nghèo.

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Ảnh: TTXVN

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Ảnh: TTXVN

Đất trồng lúa ít, bị nhiễm mặn, năng suất thấp, cả xã trông vào nghề làm muối thủ công - cái nghề từ lâu đã được coi như biểu tượng của sự nhọc nhằn. Nói chuyện với mọi người, chị Phụ xòe cả 2 bàn tay ra để đếm những công việc của nghề làm muối, nó nhiều đến nỗi dù cố gắng tôi cũng chỉ nhớ được một phần, nào là hút rong, rút cạn, đắp bờ, phá khuôn, đánh bằng, rút khô, phơi, béo bờ, nện bờ, lăng khuôn, nhả nước, sợt sạn, cào nhuyễn, phơi, khuôn kế, khuôn lóng, khuôn giang, khuôn ăn... cứ rối mù cả lên.

Tôi tự hỏi: Làm sao mà lại có một nghề và một quy trình sản xuất kinh khủng đến như vậy? Mà thời điểm làm việc lại vô cùng oái oăm, cứ nửa đêm về sáng phải dậy để lấy nước vô ruộng muối, rồi đến trưa, càng nắng to càng tốt, lại phải ra ruộng để tiến hành quy trình kinh khủng ấy. Vất vả đến như vậy, nhưng mỗi công đất một năm chỉ cho thu nhập khoảng 400.000 đồng (thời giá 2002).

Có 6 công đất, mỗi năm chị Phụ chỉ thu được 2,4 triệu đồng dùng để chi tiêu cho cả gia đình, nhưng chị và những người nông dân một nắng hai sương xã Bảo Thuận vẫn phải vắt những giọt mồ hôi của mình ra thành những hạt muối trắng ngần, bạc bẽo… Nhiều người bỏ ruộng muối đi làm thuê khắp ngả. Đồng làng như tấm áo người nghèo vá víu trăm mảnh. Thương lắm, cánh đồng quê hương… Mắt chị ngân ngấn nước…

Tại Bến Tre, Chủ tịch nước đã đi thăm một số cơ sở nuôi tôm cả quốc doanh và tư nhân ở Ba Tri, Bình Đại. Ông rất phấn khởi vì duyên hải Nam Bộ đã mở ra một mũi nhọn kinh tế là nuôi trồng thủy hải sản, làm nguyên liệu cho các cơ sở chế biến, xuất khẩu, tạo ra “siêu lợi nhuận”. Nhiều “đại gia” đã về những khu vực này mua đất, đầu tư hạ tầng nuôi tôm công nghiệp, trúng vài vụ đã thu lời bạc tỷ. Kim ngạch xuất khẩu của mỗi tỉnh tăng vọt, từ vài triệu USD đã lên đến mấy trăm triệu USD/năm.

Nhưng Chủ tịch dành nhiều thời gian hơn đến với những vùng nông dân nghèo, ông rất băn khoăn và bị ám ảnh bởi những con số: Mỗi tỉnh bình quân có từ 25.000 đến 30.000 hộ dân không đất hoặc chỉ có một vài công đất; hàng chục vạn lao động thiếu việc làm; mỗi tỉnh vẫn tồn tại khoảng 40.000 hộ nhà cửa tạm bợ, dột nát…

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương và phu nhân trong một lần về thăm Bến Tre. Ảnh: Báo Đồng Khởi

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương và phu nhân trong một lần về thăm Bến Tre. Ảnh: Báo Đồng Khởi

Theo Chủ tịch nước, có thể có những bất lợi về chính trị - xã hội nếu người có nhiều vốn tích tụ đất đai, đầu tư lớn, thu lãi lớn; còn nông dân ít vốn, bán đất, dẫn đến mất tư liệu sản xuất, đã nghèo lại càng nghèo hơn (một ha tôm công nghiệp có thể thu một năm hàng tỷ đồng, trong khi một ha lúa vùng ngọt chỉ thu 20 triệu đồng, chưa nói một ha muối, sự chênh lệch là quá lớn). Làm sao để những hộ nghèo cũng có thể vươn lên, và đó chính là định hướng XHCN chứ không chỉ đơn thuần là kinh tế thị trường? Kinh tế phải gắn liền với các vấn đề xã hội, nếu không đất nước không thể phát triển bền vững, ổn định!

- Vấn đề phải được giải quyết bằng quan hệ sản xuất - Chủ tịch nước nói - Phải giải phóng lực lượng sản xuất, phải liên kết các cá thể lại, và quan trọng hơn, phải tạo gắn bó giữa nuôi trồng, ứng dụng kỹ thuật, chế biến và tiêu thụ.

Thử hỏi - ông gay gắt - để nuôi tôm, chưa nói nuôi công nghiệp mà chỉ quảng canh thôi, đã phải đầu tư khá lớn, từ việc đào kênh dẫn nước vào, kênh dẫn nước ra, phải có diện tích lớn, rồi phải thuê máy đào ao, tiền mua giống, thức ăn, kiểm nghiệm kỹ thuật, tiêu thụ… Từng hộ nông dân, vốn rất nghèo, lấy đâu ra tiền để làm từng ấy việc? Vai trò của Nhà nước là phải liên kết bà con lại dưới hình thức hợp tác; một vài hộ không đủ sức làm thì vài ba chục hộ sẽ làm được. Vấn đề là họ phải tự nguyện, họ bầu ra người đứng đầu có đủ uy tín, năng lực chứ không được áp đặt phương thức quản lý; chính quyền phải giúp họ về khuyến nông, khuyến ngư…

Chủ tịch nước Trần Đức Lương nói với các doanh nghiệp tại đây: Không thể để tình trạng Nhà nước đầu tư hạ tầng thì lớn mà bà con lại không được hưởng những thành tựu ấy chỉ vì thiếu kiến thức và kinh nghiệm. Doanh nghiệp muốn phát triển bền vững cũng không nên chỉ chạy theo lợi nhuận mà phải chú ý đến lực lượng sản xuất bằng cái tâm trong sáng vì sự tồn tại của chính doanh nghiệp.

Với lãnh đạo các tỉnh duyên hải Nam Bộ, ông chỉ đạo, tất cả các giải pháp cụ thể phát triển kinh tế - xã hội phải đặt trong một quy hoạch tổng thể. Các tỉnh ở đây có đặc điểm giống nhau là đều có 3 vùng riêng biệt: vùng mặn, vùng lợ và vùng ngọt. Hướng ra của vùng mặn sẽ là nuôi trồng thủy sản, vùng ngọt cần chuyển đổi những diện tích nhiễm phèn kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái truyền thống giá trị cao để xuất khẩu; phải tìm hướng ra cho vùng lợ, như chăn nuôi đại gia súc.

Chủ tịch nước hẹn với các lãnh đạo tỉnh lúc đó: Đề nghị các đồng chí nhanh chóng thí điểm các mô hình như vậy, hiệu quả là chắc chắn, vài ba năm nữa các mô hình ấy cần được nhân rộng.

CÔNG CUỘC "THAY DA, ĐỔI THỊT" TRONG SẢN XUẤT

Tháng 6/2005, theo chỉ đạo của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, chúng tôi đã quay trở lại duyên hải Nam Bộ để quan sát sự chuyển biến trong sản xuất và đời sống của nhân dân trong vùng nói chung, bà con nghèo nói riêng.

Những thực tiễn cuộc sống đã sớm tự khẳng định. Tôi gặp lại chị Võ Thị Phụ, chị nom thật khỏe mạnh và tươi tắn, đang nấu bữa trưa cho một đội sản xuất nuôi tôm công nghiệp. “Em bây giờ đã thoát nghèo, mong là cứ được như thế này mãi…”.

Chị kể, cuối năm 2002, công ty xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre cùng chính quyền huyện đã về xã bàn bạc với bà con xã Bảo Thuận việc thuê đất của dân và thành lập liên doanh với dân để nuôi tôm công nghiệp. Đất đấy nếu làm muối 1 năm được hơn 400.000 đồng. Giờ các bác ấy bảo thuê lại đất của dân với giá 750.000 đồng/công đất/năm, trả ngay tiền thuê trong 10 năm là 7,5 triệu đồng, trong khi nếu có bán đứt đi theo giá thị trường thì cũng chỉ được 8 triệu. Cho thuê, sau 10 năm, đất ấy vẫn là của mình. Các bác bảo, như vậy thì ai mà chẳng muốn cho thuê!

Chị Phụ có 6 công đất, cho thuê được 45 triệu đồng. Nếu chị không tham gia liên doanh thì thôi, còn tham gia thì nộp 10 triệu/cổ đông. Chị nộp luôn 30 triệu, còn 15 triệu chị mua ngay 2 con bò cái. Năm qua, 2 con bò đẻ được 2 bê, một đực một cái. Con bê cái nuôi dăm tháng chị bán được 10 triệu. Bê đực lai Sind giống to chị để nuôi bò thịt, khi đạt 4 tạ, bán đi chị sẽ thu được 10 triệu nữa. Công ty liên doanh hoạt động thu hút được trên ngàn hộ tham gia với số vốn 14 tỷ đồng, sản xuất trên diện tích 17,5ha, sau vụ tôm đầu năm 2004, tất cả các cổ đông đều được trả lại 100% vốn góp. Sang năm 2005, liên doanh huy động mỗi cổ đông 5 triệu, cuối vụ trả 7,5 triệu, vốn góp vẫn thuộc công ty quản lý.

Quan trọng là toàn xã có tới gần 400 lao động (chiếm 60% lao động cả xã) được hợp đồng lao động với công ty, mỗi lao động được trả 800.000 đồng/tháng, cuối năm còn được 12 triệu tiền thưởng. Chị Phụ vừa là cổ đông vừa là lao động hợp đồng. Hàng ngàn người như chị xem như đã thoát nghèo mà còn có bát ăn bát để. Tất cả những việc trước đây người nông dân không tự làm được về giống, kỹ thuật và tiêu thụ thì bây giờ đều do công ty lo.

Thời điểm đó đang là vụ thu hoạch tôm ở xã Bảo Thuận; khắp các vuông tôm, hàng trăm lao động trần trụi dưới trời nắng gắt nhưng ánh mắt ai cũng ánh lên niềm vui khỏe mạnh và dư dật. Hàng vạn con tôm cỡ chuôi dao nhảy lách tách trong lưới, rồi được dồn vào đầy ắp những chiếc thùng bằng cao su, rồi theo thanh trượt, chảy vào những chiếc xe tải đang chờ sẵn. Tôi thầm hình dung cảnh này với cảnh làm muối mấy năm trước đây của bà con và trong lòng cảm thấy ấm áp. Tôi hỏi anh Nguyễn Minh Cảnh, trưởng phòng kinh tế kỹ thuật Sở Thủy sản Bến Tre thời điểm đó:

- Toàn tỉnh có bao nhiêu liên doanh hay HTX kiểu này?

- Hiện có 1.113 tổ sản xuất quy mô như thế này. Liên doanh với các doanh nghiệp có trên 20 tổ, còn lại do người dân tự liên kết lại với nhau, chỗ dăm chục chỗ bảy chục hộ, diện tích cũng không nhỏ, có tổ tới 70ha. Hầu hết đạt kết quả khá. Chúng tôi đang củng cố các tổ thông qua khuyến nông, khuyến ngư, đặc biệt quản lý tốt môi trường bới nếu để ô nhiễm quy mô lớn, sự tàn phá sẽ rất ghê gớm.

Chủ tịch Bến Tre lúc đó là anh Cao Tấn Khổng nói hiện có 42.000ha tôm, hầu hết là đất nhiễm mặn và được quy hoạch chi tiết, chỗ thì nuôi công nghiệp, chỗ bán công nghiệp… Ngày ấy, Chủ tịch nước chỉ đạo thật là chính xác, còn sâu sát hơn cả bọn tôi ở cơ sở. Trước đây, khi phát triển nuôi tự phát, độ rủi ro rất cao, giờ có quy hoạch hẳn hoi, được chú ý về giống vốn, kỹ thuật, tiêu thụ, độ rủi ro chỉ còn 15%.

Rời Ba Tri, chúng tôi đến huyện Chợ Lách, dù đang là giữa trưa, nhưng thật mát mẻ dưới bạt ngàn màu xanh của hoa lá, trái cây. Xã Vĩnh Thành là trung tâm thương hiệu hoa kiểng và trái cây Cái Mơn, chúng tôi hết sức thán phục vì vẻ đẹp của thôn quê nơi này, mỗi gia đình như một công viên thực sự, trên cao dưới đất la liệt những giò lan đủ màu; sau nhà thì um tùm măng cụt, sầu riêng, bưởi da xanh, boòng boong, nhãn. Những công viên gia đình ấy nối nhau dài tít tắp. Nếu không có những con kênh uốn lượn hay những lối đi xác định diện tích từng trang trại, thì tưởng đâu cả xã như một công viên lớn, văng vẳng tiếng đờn ca tài tử làm cho không gian càng thêm tươi đẹp và vô cùng bình yên.

Chợ Lách là một trong những nơi sản xuất cây giống, hoa kiểng lớn nhất hiện nay của đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: TTXVN

Chợ Lách là một trong những nơi sản xuất cây giống, hoa kiểng lớn nhất hiện nay của đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: TTXVN

Ông Nguyễn Ngọc Phong, Chủ tịch huyện Chợ Lách cho biết, mấy năm trước, Chủ tịch nước vào thăm có ý kiến chỉ đạo, chúng tôi đã cho chuyển đổi cơ bản diện tích. 7.650ha vườn tạp, 1.800ha lúa xấu quy hoạch lại thành vùng cây ăn trái chất lượng cao, toàn huyện chỉ còn hơn trăm ha lúa. Cơ chế mới đòi hỏi các hộ dân không vào HTX không được, không thành lập thì họ cũng tự lập ra; họ còn lập ra các hội cây cảnh, liên kết nhau lại trồng cùng một loại cây trong một khu vực nhất định, như thế mới có cùng một loại sản phẩm đồng nhất đề cung cấp theo yêu cầu thị trường.

Các tổ viên giúp nhau về cây giống đầu dòng, kỹ thuật cấy ghép mắt, cùng tìm đầu ra, vì vậy không làm ăn riêng lẻ được. Sản phẩm không đảm bảo chất lượng của một hộ sẽ ảnh hưởng đến cả tổ về sản lượng cung ứng, chưa kể phải đi khắp cả nước xúc tiến thương mại, vay vốn ngân hàng... Sản lượng của huyện tăng vọt từ vài chục ngàn tấn/năm, nay lên đến 137.000 tấn, giá trị một ha canh tác tăng hơn 3 lần.

Cũng như Bến Tre, sau chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng cả một chương trình hành động, có lộ trình và đã hình thành tới hơn 300 câu lạc bộ nuôi tôm trên diện tích hàng ngàn ha ven biển nhiễm mặn, giá trị xuất khẩu năm 2005 lên đến hơn nửa tỷ USD. Mô hình gây ấn tượng mạnh là chăn nuôi bò sữa, bò thịt vùng lợ ở huyện Mỹ Xuyên do CIDA của Canada tài trợ, tạo ra một giống bò thích hợp với điều kiện Việt Nam, tuy chỉ cho 8kg sữa/ngày nhưng chất lượng rất cao nên giá thành cũng cao hơn gấp rưỡi so với mặt bằng chung cả nước, đảm bảo người nuôi bò có lãi hơn hẳn các giống bò khác...

Sau chuyến đi, tôi đem những câu chuyện thực tế ở các tỉnh nói trên kể lại với Chủ tịch nước Trần Đức Lương, tất nhiên là cụ thể và chi tiết hơn nhiều so với những gì đã nói trên. Ông nói: Phát triển kinh tế là một yêu cầu sống còn, nhưng phải khắc phục cho được sự chênh lệch về mức sống giữa các vùng. Đã có những yếu kém rất cơ bản trong nông nghiệp, nông thôn, thể hiện ở các chính sách đầu tư phát triển hạ tầng, khoa học công nghệ, hỗ trợ tín dụng, chính sách việc làm, đặc biệt là việc xây dựng quan hệ sản xuất mới.

Tuy có chuyển biến ở một số nơi nhưng vẫn còn ở diện hẹp. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn còn chậm, tỷ trọng giá trị nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế chung vẫn cao, chiếm tới hơn 70%; lao động nông nghiệp vẫn ở mức 60%, tín dụng chỉ đáp ứng trên 40% nhu cầu và bị vướng mắc bởi nhiều quy định. Cần có sự tổng kết thực tiễn nhanh chóng để nhân rộng các mô hình tốt, không chỉ trong nông nghiệp…

Câu chuyện trên đây, dĩ nhiên, chỉ là một trong vô vàn câu chuyện đã xảy ra cách đây đã hơn 20 năm khi đương nhiệm của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, và mới chỉ ở lĩnh vực nông nghiệp - là thời điểm vẫn còn là những bước đi ban đầu của hội nhập kinh tế quốc tế, thời điểm mà Mỹ mới bỏ cấm vận được ít năm và Việt Nam bắt đầu tham gia WTO cũng như nhiều hiệp định kinh tế quốc tế khác.

Kế tục thành quả của các thế hệ lãnh đạo cách mạng trước đó, cùng với sự nỗ lực, trăn trở, tìm tòi của các lãnh đạo đất nước cùng thời, các thế hệ lãnh đạo kế nhiệm hiện nay và khả năng lao động sáng tạo bền bỉ của nhân dân và chiến sĩ cả nước, đất nước ta đã có được những thành quả lớn lao vượt xa so với 2 thập kỷ trước, và đang hết sức tự tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương vừa vĩnh biệt đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước để về cõi vĩnh hằng. Xin được chia sẻ một khía cạnh nhỏ trong rất nhiều lĩnh vực về những trăn trở, mong muốn của cố Chủ tịch nước về khát vọng chấn hưng đất nước, dân tộc; cũng là khát vọng của mỗi người Việt Nam hôm nay.

Tôi nghĩ đến chị Võ Thị Phụ ở đầu bài viết này, cảm thấy bị ám ảnh bởi cái cách chị chìa bàn tay ra để đếm những nỗi nhọc nhằn của nghề làm muối xưa kia và sau đó khi gia đình chị đã có bát ăn bát để. Chưa được gặp lại, nhưng tôi tin, chị cũng như bao gia đình khác ở nông thôn Việt Nam nói chung đã có cuộc sống đầy đủ hơn xưa rất nhiều. Những hồi ức ấy vẫn làm chúng ta xiết bao thương nhớ và cảm động trên những cánh đồng của quê hương. Mong rằng tất cả những người nông dân Việt Nam tới đây sẽ lặng lẽ xếp vào trong hồi ức những nỗi nhọc nhằn của công việc nông tang giống như chị Phụ để đón chào một cuộc sống mới tốt đẹp hơn.

Xin được thắp lên nén tâm hương mát trong và tươi đẹp hồn người, tưởng nhớ cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương - một trong những vị lãnh đạo đã hết lòng chấn hưng đất nước, quê hương; hết lòng với nông nghiệp, nông thôn, nông dân; vì một tương lai tốt đẹp hơn chắc chắn sẽ đến với dân tộc Việt Nam.

VŨ QUANG TUẤN - Hà Nội chiều 22/5

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/mien-que-am-ap-hoi-uc-ve-chuyen-cong-tac-cung-chu-tich-nuoc-tran-duc-luong-2403824.html
Zalo