Doanh nghiệp Việt chờ đàm phán thuế: Đơn hàng tới nhưng không dám ký

Nguy cơ Mỹ áp thuế đối ứng cao vẫn 'treo' trên đầu khiến doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam 'nín thở chờ đợi', không dám ký hợp đồng dù khách đã đặt hàng. Trong khi đó, hàng triệu lao động và hàng tỷ USD giá trị sản xuất đang đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng mạnh.

Tại hội thảo trực tuyến “Kết quả đàm phán thuế đối ứng của Mỹ với Anh và Trung Quốc: Nhận diện cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt” diễn ra sáng nay 22/5, nhiều chuyên gia kinh tế đã đưa ra những cảnh báo về ảnh hưởng sâu rộng của chính sách thuế mới từ Mỹ đến hoạt động xuất khẩu và sinh kế của hàng triệu người lao động tại Việt Nam.

Nguy cơ mất 1,5% GDP và hơn 3 triệu hộ gia đình bị ảnh hưởng

Theo TS Phùng Đức Tùng, Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu, và phần lớn hàng hóa là từ các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử… Với đặc thù sản xuất phụ thuộc vào đơn hàng nước ngoài, bất kỳ biến động nào về thuế nhập khẩu tại Mỹ đều ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp Việt, doanh nghiệp FDI và người lao động.

Doanh nghiệp cần định hướng rõ ràng, dự báo có cơ sở để chuẩn bị bài bản, chủ động hơn trước làn sóng thuế quan.

Doanh nghiệp cần định hướng rõ ràng, dự báo có cơ sở để chuẩn bị bài bản, chủ động hơn trước làn sóng thuế quan.

Ước tính sơ bộ cho thấy, Việt Nam có khoảng 5 triệu lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI, cùng gần 1 triệu lao động trong ngành nông nghiệp chuyên cung ứng các mặt hàng xuất khẩu như thủy sản, cà phê, hạt tiêu, hạt điều. Nếu xuất khẩu sang Mỹ giảm sút, từ 2 đến 3 triệu lao động có thể bị ảnh hưởng, tương ứng khoảng 3 triệu hộ gia đình, chiếm hơn 10% tổng số hộ dân cả nước.

Chuyên gia cho biết, trước khi Mỹ bắt đầu áp thuế 10% với hàng hóa tất cả các nước, nhiều doanh nghiệp đã phải vận hành hết công suất để tránh tổn thất. Với mức thuế có thể lên tới 46%, tác động đối với sản xuất, việc làm và sinh kế sẽ rất nặng nề.

Ông Tùng dẫn chứng báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới, cho thấy chỉ số PMI (chỉ số quản trị mua hàng) của Việt Nam đã giảm nhanh từ trên 50 điểm xuống 45 điểm trong tháng 4 - dấu hiệu rõ ràng cho thấy sức khỏe sản xuất đang suy yếu. Đồng thời, dù vốn FDI đăng ký vào Việt Nam vẫn cao, nhưng tỷ lệ giải ngân đã giảm, phản ánh tâm lý chờ đợi của các nhà đầu tư, khi chưa có tín hiệu rõ ràng từ đàm phán thuế quan.

Một ước tính đáng chú ý khác cũng được ông Tùng đưa ra, theo đó, hiện chưa có con số chính thức để đo lường việc tăng thêm 1% thuế nhập khẩu sẽ khiến hàng hóa từ Việt Nam sang Mỹ sụt giảm bao nhiêu. Tuy nhiên, nếu tạm giả định rằng mỗi 1% tăng thuế làm lượng hàng xuất khẩu giảm 0,5%, thì với mức thuế khoảng 46%, lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ có thể giảm từ 28 - 32 tỷ USD.

Với phần giá trị thực sự được tạo ra tại Việt Nam (gọi là “giá trị gia tăng”) từ các sản phẩm FDI thường chỉ chiếm khoảng 20%, thì nền kinh tế Việt Nam có thể mất từ 6 - 7 tỷ USD, tương đương khoảng 1,5% GDP.

Doanh nghiệp loay hoay trong bất định

“90 ngày thời hạn đang đến gần, doanh nghiệp rất nóng lòng muốn biết các xu hướng, dự báo kết quả cụ thể của đàm phán để có ứng phó, chuẩn bị chiến lược thích ứng phù hợp”, ông Lê Phụng Hào, Chủ tịch Global AAA Consulting (một chuyên gia tư vấn đào tạo về chiến lược, tư vấn quản trị điều hành, tái cấu trúc và M&A) cho biết.

Theo chuyên gia, các doanh nghiệp lớn có bộ phận chuyên trách pháp lý để chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn lực hạn hẹp thì đang “rất rối”.

Đặc biệt, qua làm việc với một số doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ, ông Hào chứng kiến tình trạng khách hàng đặt đơn nhưng doanh nghiệp không dám ký vì lo sợ nếu thuế tăng cao, đơn hàng bị hủy hoặc bị khách hàng yêu cầu “cưa đôi” chi phí thuế, khiến bài toán kinh doanh không hiệu quả.

“Doanh nghiệp bắt buộc 'nước tới chân mới nhảy', trong khi để nhận một đơn hàng và tiến hành sản xuất cần nhập nguyên vật liệu, chuẩn bị vốn, chuẩn bị năng lực nhà máy, tuyển công nhân… Doanh nghiệp rất bị động trong tình huống này”, ông Hào nhấn mạnh.

Không chỉ vậy, theo ông Hào, việc Việt Nam nằm trong danh sách “ưu tiên đàm phán” của Mỹ cũng không hẳn là hoàn toàn thuận lợi. Doanh nghiệp lo ngại, nếu các nước cạnh tranh với Việt Nam đàm phán sau với các điều khoản thuận lợi hơn, doanh nghiệp Việt có thể mất ưu thế trên thị trường này.

Không “ngồi im” chờ đàm phán, doanh nghiệp cần làm gì?

Theo TS Hồ Quốc Tuấn, Đại học Bristol (Anh), việc doanh nghiệp và nhà đầu tư có xu hướng chờ kết quả đàm phán lại chính là rủi ro lớn nhất. Vì ngay cả khi đàm phán kết thúc, chính quyền Tổng thống Trump vẫn có thể bất ngờ “đổi ý”. Bên cạnh đó, quan hệ thương mại Trung Quốc - Mỹ thời gian tới vẫn tiềm ẩn nguy cơ bất định cao.

Theo ông Tuấn, trong thời điểm bất định như hiện nay, yếu tố quan trọng nhất giúp cho doanh nghiệp vượt khó khăn là khả năng linh hoạt, như sự linh hoạt trong sản xuất, điều tiết chi phí nhanh nhất có thể.

Các chuyên gia tại hội thảo cùng chung quan điểm, doanh nghiệp không thể chỉ chờ đàm phán, mà cần chủ động củng cố năng lực nội tại, đánh giá lại thị trường, đa dạng hóa kênh xuất khẩu.

Đây là giai đoạn thách thức nhưng cũng là cơ hội giúp doanh nghiệp tu rèn bản lĩnh hơn trong kỷ nguyên mới.

Đặc biệt, với giải pháp đa dạng hóa thị trường, PGS.TS Nguyễn Thu Trang, Đại học Temple, thành viên Hội đồng Quan hệ Đối ngoại lưu ý, vấn đề truy xuất nguồn gốc, minh bạch chuỗi cung ứng và sở hữu trí tuệ đang đang trở thành yêu cầu bắt buộc, không chỉ tại Mỹ mà cả các thị trường khác.

Với thị trường EU và Anh, TS Hồ Quốc Tuấn cũng nhấn mạnh, nếu Việt Nam muốn mở rộng xuất khẩu sang các thị trường này để thay thế Mỹ, thì “rào cản xanh” sẽ là thách thức lớn. Các quốc gia này đang ngày càng đòi hỏi sản xuất sản phẩm phải sử dụng năng lượng tái tạo và đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường, lao động nghiêm ngặt.

Về phía các cơ quan quản lý, các chuyên gia đề xuất cung cấp thông tin đàm phán rõ ràng, sớm hơn, để doanh nghiệp có cơ sở lên kế hoạch; tăng cường hỗ trợ pháp lý, thông tin, tư vấn cho doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm SME. Bên cạnh đó là các giải pháp hỗ trợ tài chính, tín dụng, chính sách thuế để doanh nghiệp duy trì sản xuất trong giai đoạn chờ đợi; xúc tiến các giải pháp xuất khẩu tại chỗ, như phát triển du lịch, mở rộng hệ thống miễn thuế, hoàn thuế VAT cho du khách…

Đỗ Kiều

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/doanh-nghiep-viet-cho-dam-phan-thue-don-hang-toi-nhung-khong-dam-ky-1106988.html
Zalo